Thứ Sáu, 30/10/2009 14:05

Vay thêm nợ nước ngoài: Phải “trông giỏ, bỏ thóc"

500 triệu đô la từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là khoản vay nợ đầu tiên trong tổng số 2 tỉ đô la Mỹ dự kiến cho năm nay và năm tiếp theo của Chính phủ nhằm mục đích khắc phục khủng hoảng kinh tế.

Phát biểu trước báo giới sau lễ ký kết khoản vay nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trong 2 tỉ đô la nói trên, ngoài khoản vay từ ADB, còn có thêm 500 triệu đô la từ Chính phủ Nhật Bản và 1 tỉ đô la từ Ngân hàng Thế giới trong năm 2009-2010 để kích thích kinh tế. Ngoài ra, Việt Nam còn có thể vay thêm 1 tỉ đô la/năm từ các tổ chức tài chính khác trong vòng ba năm tới với lãi suất ưu đãi.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ông Cao Ngọc Xuyên nói các khoản vay nợ nước ngoài đột xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không phải xin ý kiến Quốc hội - nơi theo luật vốn thường chỉ duyệt những con số khung về tỷ lệ phần trăm vay nợ trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách, xem có trong giới hạn an toàn hay cần phải cảnh báo.

Số vay nợ nước ngoài 2 tỉ đô la phát sinh nói trên ước tính gần một phần ba giá trị thực hiện trong năm 2009 và một phần tư tổng giá trị của gói kích cầu 8 tỉ đô lần thứ nhất mà Việt Nam đưa vào nền kinh tế.

“Ở thời điểm xem xét việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010 cũng như phương án phân bổ ngân sách năm tới, không đề cập đến những khoản dự kiến vay thêm này và việc sử dụng nó ra sao nên Ủy ban Tài chính - Ngân sách không thẩm tra được”, ông Xuyên nói thêm.

Và ông nói nếu Chính phủ vay để tăng dự trữ ngoại hối, qua kênh Ngân hàng Nhà nước thì Quốc hội không quan tâm. Nhưng nếu đưa vào sử dụng như đồng vốn ngân sách, là nợ Chính phủ và Chính phủ cho vay lại thì phải được đặt lên bàn nghị sự.

Trong khi đó, với Luật Quản lý nợ công được áp dụng từ đầu năm nay, Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu phải bổ sung quy định về việc giám sát các nguồn vốn vay nước ngoài. Theo đó, kể cả khi Chính phủ cho vay lại các nguồn vốn vay từ nước ngoài, thì bên cạnh việc phải chấp hành các quy định của Chính phủ về quản lý vay và trả nợ nước ngoài, còn phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bởi thực tế lãi vay và các chi phí đi kèm cho việc trả nợ đều phải lấy từ ngân sách và được hạch toán đầy đủ. Hay nói khác đi, nếu đã liên quan đến ngân sách nhà nước thì Quốc hội không thể đứng ngoài.

Nhưng ở các cuộc thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay và năm 2010, dù rất nhiều ý kiến bày tỏ e ngại về nợ Chính phủ tăng cao hay nói về việc phải giảm bội chi ngân sách xuống còn 6% nhưng không một đại biểu nào đề cập đến các khoản Chính phủ vay thêm khoảng 2 tỉ đô la (tương đương 36.000 tỉ đồng) bắt đầu đổ vào nền kinh tế.

Thực tế, Chính phủ cũng công khai một số thông tin ban đầu về mục đích sử dụng 500 triệu đô la từ ADB. Hôm 13-9, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp giải ngân nhanh số vốn vay này. Toàn bộ số tiền 500 triệu đô la sẽ giao lại cho Ngân hàng Phát triển quản lý và cho vay các dự án đúng hạn. Như vậy, nó càng thuộc diện nguồn vốn vay tính vào nợ nước ngoài của quốc gia mà Luật Quản lý nợ công phải được đem áp dụng, nhất là khi mục đích vay là nhằm giảm nhẹ gánh nặng ngân sách do thực hiện gói kích cầu.

Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã cảnh báo rằng, dư nợ Chính phủ năm 2009 hiện đang ở mức cao tới 44,6% GDP. Trong khi đó, việc chi trả nợ ngày càng tăng (dự toán năm 2008 là hơn 51.000 tỉ, năm 2009 là gần 59.000 tỉ và năm 2010 dự kiến là 70.000 tỉ đồng). Mức chi trả nợ dự kiến năm 2010 chiếm 12,1% tổng chi ngân sách đòi hỏi phải xem xét thật kỹ việc đi vay và sử dụng đồng vốn vay. Trước đó, một báo cáo khác của Chính phủ hồi cuối năm 2008 đánh giá: “Tỷ lệ nợ công đang có xu hướng tăng trong trung hạn do nhu cầu đầu tư cao của khu vực công. Tỷ lệ này có thể lên đến 50% vào năm 2014”.

Ngọc Lan

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Giá vàng bật lên gần 24 triệu đồng/lượng (30/10/2009)

>   Giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh (30/10/2009)

>   Chiều 29/10: Vàng trong nước giảm tiếp (29/10/2009)

>   Đồng nhân dân tệ gây khó cho các nước láng giềng (29/10/2009)

>   Khả năng mất giá của đồng Việt Nam là rất nhỏ (29/10/2009)

>   Giá vàng thế giới trượt dốc, trong nước giảm nhỏ giọt (29/10/2009)

>   Ngoại tệ đang bị găm giữ? (29/10/2009)

>   Doanh nghiệp: "Chưa phải lúc nhập vàng" (29/10/2009)

>   Đồng USD giảm vai trò thống trị (29/10/2009)

>   Giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh (29/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật