Ngoại tệ đang bị găm giữ?
DN xếp hàng chờ mua USD để nhập khẩu hàng hoá. Tâm lý găm giữ ngoại tệ góp phần làm căng thẳng cung - cầu. USD thị trường tự do cao hơn 815VND/USD so với giá công bố tại các ngân hàng thương mại.
Găm giữ để bán giá cao
Ngày 28.10, tỉ giá liên NH do Ngân hàng Nhà nước (NHNNVN) công bố là 17.007VND/USD, giảm 1VND/USD so với ngày hôm trước. Các NH thương mại tiếp tục công bố giá mua- bán kịch trần là 17.875VND/USD. Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục tăng mạnh. Sáng 28.10, giá mua vào là 18.600VND/USD, bán ra 18.640VND/USD. Đến chiều, giá mua tăng lên 18.650VND/USD, bán ra 18.690VND/USD.
Theo thông tin từ các NH thương mại, cung - cầu USD vẫn tiếp tục căng thẳng, một phần do thâm hụt cán cân vãng lai, nhưng chủ yếu vẫn là do tâm lý găm giữ ngoại tệ trong người dân và các DN xuất khẩu. Lượng USD mặt do người dân nhận kiều hối bán cho NH gần đây giảm mạnh, không còn là nguồn thu đáng kể. Nhiều người đã chuyển sang bán thị trường chợ đen với giá cao hơn.
Để giải quyết tình trạng DN nhập khẩu xếp hàng chờ mua USD và để giữ chân khách hàng, các NH phải dùng nhiều cách giải quyết "linh động". Cách "an toàn" nhất là làm trung gian giới thiệu giữa bên mua và bên bán, NH không thu lợi, mà chỉ làm thủ tục mua - bán trong khung giá cho phép, bên mua chấp nhận bù cho bên bán một khoản chênh lệch tuỳ theo thương lượng.
Một cách khác: NH mua USD của DN ký hợp đồng trong khung giá cho phép, nhưng phải thoả thuận giảm một khoản phí đáng kể khi DN sử dụng dịch vụ xuất - nhập khẩu. Ngược lại, khi NH bán USD cũng sẽ tăng thu phí dịch vụ của bên mua để bù đắp chênh lệch. Hiện nhiều NH không đủ USD để giải quyết nhu cầu mua USD cho người đi nước ngoài du học, chữa bệnh...
Có phải do vàng?
Theo lãnh đạo một Cty kinh doanh vàng, USD thị truờng tự do tăng mạnh trong những ngày qua kéo theo cung - cầu căng thẳng trong các NH có phần nguyên nhân từ thị trường vàng. Mấy ngày qua, giá vàng thế giới có xu hướng giảm, tiêu thụ vàng miếng và nữ trang trong nước tăng lên, trong khi Nhà nước chưa cho nhập vàng ngyên liệu. Các DN kinh doanh vàng phải mua từ các nguồn trôi nổi.
Có khả năng một số đầu mối buôn lậu mua gom USD để nhập vàng lậu qua biên giới, khiến cho USD càng tăng cao. Điều này tạo ra cái vòng luẩn quẩn: Nhu cầu vàng tăng đã đẩy giá USD thị trường tự do lên cao. Ngược lại, các cửa hàng vàng cứ đối chiếu giá vàng theo USD tự do, làm cho giá vàng trong nước cao ngất ngưởng.
Hiện giá vàng trong nước cao hơn khoảng 1,5- 1,6 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Tuy nhiên, PGS- TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, thành viên HĐ Tư vấn tài chính - tiền tệ quốc gia - cho rằng, cách lý giải này chưa ổn thoả.
Theo ông Ngân, nguồn cung vàng trong nước vẫn không thiếu. Tuy nhiên, một số cửa hàng kinh doanh vàng "kiêm" cả mua - bán USD tự do, đã tìm cách đẩy USD lên nhằm giữ giá vàng ở mức cao để thu lợi.
Theo PGS- TS Trần Hoàng Ngân, hiện có tình trạng găm giữ USD do có tâm lý cho rằng NHNN sẽ phá giá VND. Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra vì NHNN vẫn chủ trương ổn định tỉ giá.
Trong điều kiện thâm hụt cán cân thương mại, ngành NH chỉ có thể ưu tiên cung ứng ngoại tệ cho nhập khẩu các măt hàng thiết yếu. Nếu phá giá VND và bán USD để cung ứng cho tất cả các DN có nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng hoặc hàng xa xỉ thì sẽ càng làm tăng nhập siêu và tăng lạm phát.
Ông Ngân đề nghị: Một khi triển khai tiếp gói kích cầu, Chính phủ cần tập trung vào hỗ trợ xuất khẩu, nhằm giảm bớt thâm hụt, qua đó góp phần giải quyết tình trạng căng thẳng cung - cầu ngoại tệ.
Chiều 28.10, giá vàng thế giới đã giảm xuống còn 1.034,6USD/ounce và có xu hướng tiếp tục giảm sâu hơn. Giá mua- bán do Cty SJC công bố là 23,79- 23,85 triệu đồng/lượng, tại các cửa hàng là 23,75- 23,87 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng thế giới quy đổi vào khoảng 22,27 triệu đồng/lượng. Đồng USD đang trong quá trình tăng giá trong rổ tiền tệ và giá dầu giảm và chứng khoán giảm đã tạo áp lực giảm giá đối với vàng.
Trung Phương
Lao Động
|