Giới chuyên gia lạc quan khi đồng USD giảm giá
Chuyên mục Kinh tế của báo Pháp Le Monde vừa qua đăng bài viết cho biết trong lúc cả thế giới lo ngại vì đồng USD rớt giá, một số chuyên gia tài chính tiền tệ lại cho rằng điều này chưa hẳn đã là một tín hiệu xấu.
Theo bài viết, cách đây ít ngày, tỉ giá đồng euro so với đồng USD đã lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2008 khi 1 euro đổi được 1,5046 USD, gây lo ngại trong giới lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Ông Henri Guaino, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cho rằng "đó là một thảm họa cho nền kinh tế và công nghiệp châu Âu".
Christian de Boissieu, Chủ tịch Hội đồng Phân tích Kinh tế (CAE) của Pháp, cũng bày tỏ lo ngại rằng sự tăng trưởng của châu Âu, vốn chưa vững chắc, có thể bị "cản trở" do những nguyên nhân từ Mỹ. Thậm chí, một số người châu Âu bi quan còn cho rằng "xu hướng này chưa kết thúc", thậm chí có thể lên mức kỷ lục mới với tỉ giá 1euro đổi được 1,60 USD.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghiên cứu tiền tệ và tỉ giá hối đoái trên thị trường quốc tế lại cho rằng tình hình không đến nỗi bi quan như dự báo và tình trạng rớt giá của đồng USD hiện nay chưa hẳn đã là điều xấu.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn đầu tư quốc tế Aurel BGC, mức giá hiện tại của đồng euro tuy cao, nhưng vẫn chưa ảnh hưởng nhiều tới khả năng cạnh tranh giá hàng hóa xuất khẩu của châu Âu.
Hơn nữa, việc giá trị đồng tiền chung châu Âu tăng sẽ cho phép giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu (thường được thanh toán bằng USD), dẫn đến giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Điều này giúp cho một số ngành công nghiệp bớt căng thẳng, đồng thời khôi phục lại phần nào sức mua của các hộ gia đình do giá hàng hóa giảm.
Ngoài ra, việc đồng euro tăng giá trở lại, hoặc nói đúng hơn là sự mất giá của đồng USD, cũng là một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn và không còn tình trạng đổ xô đi mua đồng USD. Điều này cũng chứng tỏ giờ đây, những "tờ bạc xanh" không còn được coi là "cứu cánh tốt nhất để tránh khủng hoảng.
Liên quan đến câu hỏi liệu đồng tiền này có bị sụp đổ hay không, các nhà kinh tế khẳng định sẽ không thể có điều đó.
Đối với Mỹ, đồng USD yếu có thể cho phép các công ty Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu và giúp nhà nước giảm bớt gánh nặng thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, xét về mặt cơ học: đồng tiền mất giá sẽ khiến hàng nhập khẩu bán ở thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, điều này đồng nghĩa với nhập khẩu lạm phát.
Đó là chưa kể đến việc thu hút vốn đầu tư vào Mỹ sẽ gặp khó khăn do đồng USD mất giá. Chính vì những lý do này, Mỹ sẽ không thể để cho đồng tiền của mình bị xuống giá quá thấp hoặc phá sản.
Ngoài ra, đồng USD rớt giá không phải là điều mong muốn của nhiều nước, đặc biệt đối với các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy như Trung Quốc, bởi vì điều này liên quan chặt chẽ đến sự tăng trưởng của các nước này.
Chính vì vậy việc "đồng USD bị phá giá" là điều không thể xảy ra.
Ông François Chevallier, chuyên gia phân tích chiến lược thuộc ngân hàng Leonardo của Italy đã khẳng định như vậy và giải thích thêm rằng sự sụp đổ của đồng tiền này sẽ gây thiệt hại cho tất cả thế giới, kể cả Mỹ và trước khi tình hình trở nên nghiêm trọng, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương sẽ phải can thiệp để không cho đồng USD sụp đổ./.
Vietnam +
|