Thứ Năm, 29/10/2009 12:01

Khả năng mất giá của đồng Việt Nam là rất nhỏ

Những tháng cuối năm này, đồng Việt Nam (VND) đang chịu áp lực giảm giá ngày càng tăng so với đồng đôla Mỹ (USD). Đây là nghịch lý trong bối cảnh đồng USD đang có xu hướng yếu đi trên thị trường quốc tế. Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng biên độ dao động là nhằm tạo ngưỡng trần để kiểm soát tỷ giá, không có nghĩa cho phép cộng dồn chênh lệch vào trần lãi suất của ngày hôm trước. Tỷ giá liên ngân hàng vẫn là dây neo thị trường trong giới hạn an toàn và khả năng mất giá của đồng VND là rất nhỏ.

Ông giải thích như thế nào về áp lực tỷ giá giữa VND và USD ngày càng gia tăng gần đây, nhất là các tháng còn lại trong năm nay?

Bản thân tiền đồng đang chịu áp lực giảm giá vì rất nhiều nguyên nhân. Điều này đang tạo thêm áp lực khá căng thẳng cho thị trường ngoại hối. Thực tế, năm nay, lạm phát tại Việt Nam đã giảm đáng kể và tương đối ổn định ở mức 7% nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực.

Dự báo năm 2010, lạm phát có thể còn tăng tới 8-9%. Ngoài ra, thâm hụt thương mại và cán cân vãng lai cũng ảnh hưởng rất lớn tới cán cân thanh toán quốc tế cũng như sự cân bằng tương đối trong cán cân thanh toán tổng thể.

Khủng hoảng tài chính cũng đã khiến thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam mỗi năm có thể lên tới từ 1,5-2 tỷ USD. Chưa kể đến, các dòng vốn chu chuyển đổ về Việt Nam (qua kiều hối, FDI...) đang có xu hướng giảm mạnh khiến cán cân thanh toán tổng thể chắc chắn sẽ có thâm hụt. Và chính sự thiếu hụt này đang tiếp tục gây thêm áp lực cho thị trường.

Liệu có nguyên nhân do tâm lý, bên cạnh các nguyên nhân vĩ mô trên, thưa ông?

Thị trường ngoại hối Việt Nam cũng có hiện tượng phân khúc và thiếu tính thống nhất. Vẫn tồn tại khoảng cách giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu, giữa người dân và Nhà nước, nên con số tổng thể không phản ánh đầy đủ bức tranh về áp lực làm tăng hay giảm về đồng VND.

Thực tế đồng tiền VND đang mất giá so với đồng USD. Điều này thực sự là một nghịch lý trong bối cảnh đồng USD đang có xu hướng yếu đi trên thị trường quốc tế và nhiều quốc gia đang cùng nỗ lực can thiệp để bảo vệ đồng USD, bởi nếu đồng nội tệ của họ tăng giá quá đáng hơn so với đồng USD sẽ cản trở lớn tới hoạt động xuất khẩu và cán cân thanh toán thương mại.

Ông đánh giá thế nào về chính sách điều hành tỷ giá mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay?

Nhiều năm qua, không thể phủ nhận sự linh hoạt hơn, có tính toán hơn trong chính sách điều hành tỷ giá tại Việt Nam, song vẫn còn tồn tại một số bất cập. Mức độ thiếu hụt gây căng thẳng tỷ giá trên thị trường thực sự không phải là vấn đề khó.

Điều đáng phải suy nghĩ nhiều nhất vẫn là lòng tin trên thị trường. Bởi vẫn còn thiếu sự cam kết và thông tin không minh bạch. Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiên liệu và làm giảm sự tín nhiệm - yêu cầu không thể thiếu đối với mọi hoạt động kinh doanh.

Đến nay, cũng chưa có nghiên cứu đủ sâu sắc để tính toán những tác động của việc điều chỉnh tỷ giá tới những biến số như thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, lạm phát. Điều này hạn chế sự linh hoạt của chính sách tỷ giá và hiệu lực của chính sách tiền tệ. Bởi một chính sách tỷ giá tốt sẽ đảm bảo được khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và tạo ra một dư địa đủ lớn để chính sách tiền tệ có thể vận động được một cách hiệu quả, nhằm hạn chế đầu cơ và phản ánh rõ hơn cán cân cung cầu của thị trường.

Đã có nhiều gợi ý rằng Việt Nam nên dùng một loại ngoại tệ khác thay thế USD. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Thực tế việc thay thế đồng USD là rất khó và nếu có thì sẽ còn lâu mới xảy ra dù cho đồng USD có yếu đi và nền kinh tế Mỹ cũng bớt ngạo mạn hơn. Bởi, Mỹ vẫn là quốc gia có nền kinh tế cực lớn trên thế giới và có tầm ảnh hưởng quyết định.

Trước đây đã từng có chủ trương đa dạng hóa đồng tiền thanh toán quốc tế. Dù nhiều nước cũng đang tìm mọi cách để đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ, tăng cường hơn, chia sẻ hơn thông qua việc ký kết các hiệp định hoán đổi tiền tệ hoặc sử dụng các đồng tiền khác trong giao dịch thương mại, đầu tư song tỷ trọng sử dụng đồng USD vẫn là lớn nhất.

Việc thay thế đồng USD bằng 1 đồng tiền khác dù cho có đủ mạnh cũng không thể khẳng định liệu có khả năng hạn chế bớt rủi ro hay bớt biến động hay không. Bởi rủi ro là sự khó tính toán được những biến động của tỷ giá, của thị trường. Điều này cũng chưa được minh chứng bằng bất cứ một nghiên cứu khoa học nào.

Trong giao dịch thương mại, kể cả đối những quốc gia mà thị trường phái sinh tương đối phát triển, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận đối mặt với những rủi ro từ nợ nước ngoài, sự biến đổi và chêch lệch về tỷ giá.

Vậy theo ông, tỷ giá sẽ đi theo xu hướng nào với những dữ liệu hiện nay?

Tôi cho rằng với lượng dự trữ ngoại hối hiện vào khoảng 20 tỷ USD thì việc can thiệp và điều chỉnh tỷ giá khi cần thiết cũng không phải là vấn đề gì ghê gớm.

Hơn nữa, trong dân vẫn còn trôi nổi 1 số lượng ngoại tệ cực kỳ lớn hoặc đang gửi trong ngân hàng thì tại sao Việt Nam vẫn căng thẳng về ngoại tệ. Bằng cách nào đó, nên tăng cường khả năng phối hợp giữa chính sách tỷ giá với các công cụ khác như lãi suất, điều phối... nhằm làm giảm căng quan hệ cung cầu và góp phần tạo dựng lòng tin đối với thị trường.

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   Giá vàng thế giới trượt dốc, trong nước giảm nhỏ giọt (29/10/2009)

>   Ngoại tệ đang bị găm giữ? (29/10/2009)

>   Doanh nghiệp: "Chưa phải lúc nhập vàng" (29/10/2009)

>   Đồng USD giảm vai trò thống trị (29/10/2009)

>   Giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh (29/10/2009)

>   Giá USD tự do 'ngược chiều' tỷ giá ngân hàng (28/10/2009)

>   Sacombank-SBJ giảm tham số tỷ lệ giao dịch vàng từ 02/11 (28/10/2009)

>   Giới chuyên gia lạc quan khi đồng USD giảm giá (28/10/2009)

>   Vàng tăng giá nhẹ trở lại (28/10/2009)

>   Xuất nhập vàng đều khó (28/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật