Thứ Năm, 29/10/2009 20:20

Đồng nhân dân tệ gây khó cho các nước láng giềng

Khi đồng đô la Mỹ tiếp tục suy yếu, mối lo ngại ở phần lớn các nước châu Á lại tăng lên chung quanh một đồng tiền khác cũng đang giảm giá: đồng nhân dân tệ Trung Quốc.

Hơn một năm qua, Trung Quốc cố giữ giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT) gần như không thay đổi so với đô la Mỹ. Vì thế, cùng với đô la Mỹ, đồng NDT đã giảm giá đều đặn so với đồng tiền của các nước láng giềng như đồng ringgit Malaysia, đồng rupiah Indonesia và đồng won Hàn Quốc. Xu thế này làm cho hàng hóa sản xuất ở các nước đó trở nên đắt đỏ hơn so với hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Frederic Neumann, nhà kinh tế chuyên về châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, nhận định: “Khi một nền kinh tế lớn của châu Á tự ràng buộc vào đồng đô la Mỹ, mọi người đều cảm thấy bị áp lực. Chỉ cần 5% của hiện tượng này là đủ gây đau đớn”.

Các quốc gia cạnh tranh với Trung Quốc đang rơi vào tình trạng nguy cấp. Để ngăn chặn đà tăng giá của đồng tiền so với đồng NDT (và đô la Mỹ), trong vài tháng gần đây các ngân hàng trung ương khắp châu Á đã phải mua vào rất nhiều đô la Mỹ, bỏ vào các quỹ dự trữ ngoại tệ. Hiện thời các quỹ dự trữ đó đã lên trở lại mức trước khủng hoảng.

Sung Jin Lee, Chủ tịch nhánh sản xuất hàng tiêu dùng của Công ty Bukang Sems Co. ở Incheon, Hàn Quốc, cho biết: “Chính sách tỷ giá hối đoái cố định của Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều cho các công ty của nước này và làm chúng tôi tổn thương sâu sắc”. Ông Lee ủng hộ việc Chính phủ Hàn Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ và cho biết rằng lợi nhuận của công ty ông sẽ bị triệt tiêu nếu đồng won Hàn Quốc tăng giá thêm nữa.

Từ điểm cao nhất đạt được hồi tháng 3 đến nay, giá trị đồng đô la Mỹ - và cùng với nó là đồng NDT Trung Quốc - đã giảm 24,3% so với đồng won Hàn Quốc, 10,4% so với đồng đô la Singapore, 7,7% so với đồng baht Thái Lan và 9,3% so với đồng ringgit Malaysia.

Đồng won, đồng đô la Singapore, đồng baht và đồng ringgit - những đồng tiền có tỷ giá hối đoái linh hoạt theo cung cầu của thị trường - đều tăng giá bất chấp việc các nước này đã bỏ ra những khoản tiền lớn để mua đồng đô la Mỹ bỏ vào quỹ dự trữ. Trong tháng 9, Hàn Quốc đã tăng quỹ dự trữ ngoại tệ thêm 8,8 tỉ đô la Mỹ; Thái Lan mua thêm 5,3 tỉ đô la Mỹ, Đài Loan mua thêm 6,8 tỉ đô la Mỹ - đưa quỹ dự trữ của hai nước này lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cộng chung lại, quỹ dự trữ của Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan hiện đã ở mức 720 tỉ đô la Mỹ, nhưng đồng tiền của họ vẫn tiếp tục tăng giá. Ở phía đối lập, Trung Quốc có tới 2.270 tỉ đô la Mỹ dự trữ nhưng đồng NDT tiếp tục giảm giá nhờ chính sách “neo” đồng tiền vào đô la Mỹ của Chính phủ Trung Quốc.

Thamrong Tritiprasert, Chủ tịch nhóm hàng giày dép của Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan, nói rằng cùng với sự phục hồi vững chắc của kinh tế Trung Quốc, “đồng tiền của họ phải mạnh lên. Nhưng họ [Chính phủ Trung Quốc] quyết định làm yếu đồng tiền, và điều đó gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu của chúng tôi. Chúng tôi cần chính phủ [Thái Lan] hỗ trợ để làm yếu đồng baht Thái, nếu không chúng tôi không sống sót được”.

Những giao dịch thị trường gần đây cho thấy các nhà đầu tư tin rằng Trung Quốc sẽ để cho đồng NDT tăng giá khoảng 3% trong 12 tháng tới. Trong quá khứ, Trung Quốc đã có lần để cho tỷ giá đồng NDT được thay đổi theo thị trường và từ tháng 4-2005 đến tháng 6-2008 đồng tiền này đã tăng giá gần 21% so với đô la Mỹ. Tháng 7-2008, lo sợ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, một lần nữa Trung Quốc neo đồng tiền vào đồng đô la Mỹ ở tỷ giá cố định 6,82 NDT ăn 1 đô la Mỹ.

Bởi vì đồng NDT không được định giá theo nhu cầu thị trường cho nên đồng tiền này chỉ có thể tăng giá theo quyết định của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và theo một số người, điều đó gần như không thể xảy ra. Vương Thanh (Qing Wang), nhà kinh tế về Trung Quốc của Ngân hàng Morgan Stanley ở Hồng Kông, tin rằng mặc cho những mối quan ngại của các nhà xuất khẩu khắp châu Á, áp lực mà Mỹ và các nước láng giềng đặt lên Trung Quốc buộc nước này phải nâng giá đồng tiền vẫn còn quá khiêm tốn.

Lạm phát ở Trung Quốc chưa phải là vấn đề và xuất khẩu hãy còn tương đối yếu ớt càng khiến Trung Quốc ra sức kiềm chế tỷ giá. “Tại sao Trung Quốc phải [nâng giá đồng tiền] khi họ không bị ép phải làm như vậy, và làm như vậy chẳng giúp ích gì cho kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện thời của chu kỳ kinh tế?”, ông Vương nói.

Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ

Thặng dư trong cả cán cân thanh toán vãng lai và cán cân đầu tư của Trung Quốc đều tăng lên rất nhanh; tạo thêm áp lực lạm phát lên đồng nhân dân tệ (NDT) và Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt tình trạng mất cân đối trong cán cân thanh toán bằng cách thoát khỏi dần tình trạng lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Hiện nay, hầu hết các thương vụ mua bán giữa các công ty Trung Quốc với các đối tác nước ngoài đều được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Việc các công ty nước ngoài không muốn nhận NDT là do nhiều biện pháp kiểm soát vốn mang tính luật định mà Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt trước nay.

Xuất phát từ tình hình trên, gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (POBC), ngân hàng trung ương của nước này, đã thực hiện một số biện pháp nhằm làm cho NDT trở thành đồng tiền được sử dụng phổ biến trong thương mại và tài trợ quốc tế. Hiện nay, POBC đã ký một số thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ (swap) với nhiều ngân hàng trung ương của một số nước và lãnh thổ đối tác thương mại như Indonesia, Hồng Kông và Malaysia. Động thái này sẽ giúp tăng tính thanh khoản của đồng NDT ở các thị trường nói trên. Hồi tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã thực hiện một chương trình thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng NDT giữa nước này với Hồng Kông, Macau và các nước Đông Nam Á (Asean).

Theo chương trình nói trên, các tổ chức được chỉ định ở Trung Quốc đại lục (MDE), bao gồm một số nhà xuất nhập khẩu chọn lọc, sẽ được sử dụng đồng NDT làm đồng tiền thanh toán trong các hợp đồng ngoại thương. Chương trình này nhằm mục đích giảm rủi ro tỷ giá cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc, giới thiệu một cơ chế tỷ giá thoáng hơn cho NDT, đồng thời tạo ra nhu cầu về đồng tiền này ở nước ngoài, từ đó giúp các nhà nhập khẩu Trung Quốc có thể thanh toán cho hàng nhập khẩu bằng chính đồng tiền của nước mình. Đối với các doanh nghiệp ở ASEAN có hoạt động mua bán hai chiều với các đối tác ở Trung Quốc, thì việc chuyển sang sử dụng NDT sẽ là một cơ hội để tự bảo hiểm rủi ro về tỷ giá (nhờ cân bằng các dòng tiền ra vào bằng cùng một ngoại tệ). Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp chỉ có mua bán một chiều với các đối tác ở nước này, thách thức sẽ là liệu các ngân hàng trong nước có cung cấp các dịch vụ như cho vay bằng NDT với lãi suất hấp dẫn, các sản phẩm kinh doanh ngoại hối phái sinh liên quan đến NDT, các sản phẩm đầu tư ngoài tiền gửi bằng đồng tiền này hay không.

Ngoài ra, đối với ASEAN cơ chế này chỉ giúp giảm rủi ro trong buôn bán với Trung Quốc mà không ích lợi gì trong giao dịch với các đối tác sử dụng đồng đô la Mỹ làm phương tiện thanh toán.

Nhất Nguyên (Theo Gtnews)

Quỳnh Hoa

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Khả năng mất giá của đồng Việt Nam là rất nhỏ (29/10/2009)

>   Giá vàng thế giới trượt dốc, trong nước giảm nhỏ giọt (29/10/2009)

>   Ngoại tệ đang bị găm giữ? (29/10/2009)

>   Doanh nghiệp: "Chưa phải lúc nhập vàng" (29/10/2009)

>   Đồng USD giảm vai trò thống trị (29/10/2009)

>   Giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh (29/10/2009)

>   Giá USD tự do 'ngược chiều' tỷ giá ngân hàng (28/10/2009)

>   Sacombank-SBJ giảm tham số tỷ lệ giao dịch vàng từ 02/11 (28/10/2009)

>   Giới chuyên gia lạc quan khi đồng USD giảm giá (28/10/2009)

>   Vàng tăng giá nhẹ trở lại (28/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật