Niềm tin phục hồi kinh tế lung lay, Wall Street lao dốc
(Vietstock) – Wall Street ngã nhào trong phiên giao dịch ngày Thứ Tư 28/10 do giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ về tốc độ phục hồi của nền kinh tế sau khi doanh số bán nhà mới bất ngờ giảm mạnh hơn dự đoán.
Chỉ số Dow Jones đánh mất 119.48 điểm (1.21%) xuống 9,762.69 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt mạnh 20.78 điểm (1.95%) lùi về mức 1,042.63 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm sâu 56.48 điểm (2.67%) đóng cửa tại 2,059.61 điểm.
Như vậy, tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau đợt phục hồi mạnh 7 tháng rưỡi qua đã kéo Dow Jones và S&P 500 đã giảm liên tục 3/4 phiên liên tiếp gần đây; còn Nasdaq giảm liền 4 phiên.
Trong suốt phiên giao dịch, S&P 500 và Nasdaq liên tục phá vỡ các ngưỡng kháng cự quan trọng khi lực xả trên thị trường càng mạnh. Lần đầu tiên kể từ Tháng 7 năm nay, cả hai chỉ số nay đều đóng cửa dưới mức trung bình 50 ngày gần nhất. Theo phân tích kỹ thuật đây là tín hiệu của thị trường giá giảm.
Kể từ khi xác lập mức thấp 12 năm hồi đầu Tháng 3, S&P 500 đã chạm đỉnh vào tuần trước (19/10) khi tăng tới 62%. Tuy nhiên cho đến phiên giao dịch ngày hôm nay, chỉ số này chỉ còn tăng 54.1% sau khi đánh mất tới 5.4% so với ngày 19/10.
Niềm lạc quan về kết quả kinh doanh tốt của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã bị vùi dập bởi mối quan ngại về đà phục hồi vẫn còn yếu ớt của nền kinh tế.
Nhóm cổ phiếu tài chính, công nghệ và các ngành công nghiệp trước kia là đòn bẩy tăng điểm cho thị trường thì giờ lại bị xem là thủ phạm khiến thị trường trượt dài khi giới đầu tư xem xét lại kỳ vọng của mình.
Trong ngày, chỉ số biến động CBOE .VIX tăng vọt tới 12.5%, mức tăng trong ngày nhiều nhất kể từ Tháng 8 năm nay.
Ngoài áp lực xả hàng mạnh trên thị trường, các số liệu kinh tế ảm đạm cũng chung tay nhấn chìm các chỉ số chính. Theo đó, doanh số bán nhà mới Tháng 9 giảm xuống 402,000 đơn vị, thấp hơn so với mức đã được điều chỉnh trong Tháng 8 là 417,000 đơn vị và thấp hơn rất nhiều so với mức dự đoán 440,000 của các nhà phân tích do Briefing.com khảo sát.
Số đơn đặt hàng lâu bền trong Tháng 9 tăng 1%, khớp với dự đoán của các nhà kinh tế. Được biết trong Tháng 8, đơn đặt hàng lâu bền sụt giảm tới 2.6%.
Thông tin kinh tế được chờ đợi nhiều nhất trong tuần chính là số liệu GDP quý 3 được công bố vào ngày mai. Sau khi GDP suy giảm 0.7% trong quý 2, các nhà kinh tế dự đoán GDP quý 3 tăng 3.2%.
Trước đó, kinh tế Mỹ đã rơi vào tình trạng đình đốn suốt 4 quý liên tiếp khi phải vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng.
Tuy nhiên, suy thoái kết thúc không chỉ đồng nghĩa với việc tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt là trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ngày càng leo thang và chi tiêu tiêu dùng vẫn còn trì trệ. Các chương trình kích thích của Chính phủ đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi này và xuất hiện lo ngại rằng sức mạnh của nền kinh tế sẽ suy yếu khi các biện pháp này bị thu hồi.
Lợi tức trái phiếu kho bạc giảm từ 3.44% xuống 3.41%, đồng USD tăng so với đồng EUR nhưng lại giảm so với đồng JPY.
Giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 12 tại thị trường New York lao dốc 2.09 USD/thùng xuống 77.46 USD/thùng. Giá vàng COMEX giao Tháng 12 giảm 4.90 USD/oz xuống 1,030.50 USD/oz.
Thị trường chứng khoán Á-Âu cũng đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày 28/10. Theo đó, các chỉ số chính của Châu Âu giảm mạnh hơn 2%, các chỉ số chính của Châu Á hạ hơn 1%.
Phạm Thị Phước
|