Nguy cơ lạm phát từ chính sách tiền tệ nới lỏng
Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội lo ngại rằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cùng được nới lỏng sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát trong giai đoạn tới.
Trong phiên họp chiều 20/10 trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, Uỷ ban này cho rằng chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, đó là chưa tận dụng được cơ hội và tạo đòn bẩy để bước đầu chuyển đổi và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tích cực.
Gói kích thích kinh tế của Chính phủ còn mang tính bình quân và dàn đều, chưa xác định rõ trật tự ưu tiên, triển khai nhiều mục tiêu nhưng giải ngân còn chậm. Tình trạng khó tiếp cận với chính sách của một số đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn và nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phần nào làm giảm hiệu quả của chính sách tài chính năm 2009.
Trong bản báo cáo thẩm tra này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với đánh giá của Chính phủ về công tác thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước và cho rằng, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt trên 5%, vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42,6% GDP, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%, chi ngân sách nhà nước tăng 8,5%.
Về thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2009, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng có một số vấn đề đáng chú ý như mặc dù việc giãn, giảm và miễn nhiều sắc thuế đã làm giảm thu ngân sách nhà nước, nhưng ước thu nội địa cả năm vẫn vượt 2,9% dự toán.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá về cơ bản, chi ngân sách nhà nước đã bám sát nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu dự kiến sụt giảm lớn, Quốc hội quyết định tăng mức bội chi và không điều chỉnh dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc xử lý khoản chi bù lỗ dầu còn lại của năm 2008 nhằm giải quyết dứt điểm các khoản nợ về bù lỗ dầu trước khi thực hiện cơ chế thị trường đối với giá xăng dầu; nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung kinh phí (1.300 tỷ đồng) để tăng nguồn thực hiện chương trình tín dụng của nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tôn nền xây dựng nhà vùng ngập lũ.
Ủy ban đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc xử lý bù hụt thu 10.000 tỷ đồng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương do thực hiện các chính sách chống suy giảm kinh tế trong năm 2009 theo tinh thần Nghị quyết số 32/2009/QH12 của Quốc hội./.
Vietnam +
|