Thứ Hai, 19/10/2009 09:56

Lãi suất cơ bản: Có thể chưa nâng trước quý III năm 2010

Gần như chắc chắn mức lãi suất cơ bản(LSCB) 7% sẽ được giữ nguyên đến hết năm 2009. Câu hỏi đặt ra là LSCB sẽ ở mức nào khi sang năm 2010? Xét trên nhiều yếu tố, LSCB khó có khả năng tăng hơn mức 7% trước quý III năm sau.

Thế giới tiếp tục duy trì chính sách LS thấp

Ngày nay, trong các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước sử dụng nhiều nhất là thay đổi lãi suất (LS) để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Từ cuối năm 2008 đến quý III/2009 để ngăn chặn suy giảm kinh tế, NHTƯ của hầu hết các quốc gia đều cắt giảm LS (có nước giảm đến mức LS gần bằng 0) để khuyến khích người tiêu dùng và DN vay tiền. Tuy nhiên, đến nay khi kinh tế toàn cầu bắt đầu dấu hiệu phục hồi, nguy cơ tái lạm phát đã lấp ló vì lượng tiền trong lưu thông tăng mạnh sau gói kích thích kinh tế...

NHTƯ các nước đang phải tính toán việc điều hành LS. NHTƯ Australia đã nâng LS lên 3,25% từ mức LS trước đây là 3%. Động thái này đã được dự báo khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Úc có bước phát triển (dù không cao) trong nửa đầu năm 2009. Tuy nhiên, nhiều nước (trong đó có Mỹ và Châu Âu) vẫn duy trì chính sách LS thấp.

Vừa qua, Chủ tịch NHTƯ Châu Âu thông báo tiếp tục duy trì LS ở mức thấp 1% để kích thích tăng trưởng kinh tế và sẽ chưa nâng LS đồng euro trước quý III/2010. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhấn mạnh, sẽ giữ mức  từ 0-0,25% thêm một thời gian nữa.

Việt Nam có thể chưa nâng LSCB trước quý III/2010

Vừa qua, báo cáo của NH HSBC Holding Plc cho rằng, VN có thể tăng LS cùng hầu hết các nước Châu Á khác trong năm tới do thâm hụt nhiều hơn, lạm phát tăng và đồng tiền yếu đi. HSBC dự đoán, NHNN có thể tăng LSCB lên 11% vào cuối năm 2010. Dự đoán của HSBC có thể đúng, nhưng việc tăng LSCB của VN có thể khó diễn ra trước quý III/2010.

Từ giờ đến cuối năm 2009, dù diễn biến cung-cầu vốn thế nào đi chăng nữa thì gần như chắc chắn mức LSCB sẽ được NHNN giữ ổn định ở mức 7% để không làm giảm hiệu quả của việc cho vay hỗ trợ LS (HTLS). Câu hỏi mà các NHTM và thị trường tài chính quan tâm nhất là từ ngày 1.1.2010 trở đi, đặc biệt trong thời gian 2 quý đầu năm, NHNN sẽ đưa ra mức LSCB nào? Chưa một phát biểu hé mở nào từ NHNN về vấn đề này.

Thông thường việc điều hành LS của một NHTƯ phải dựa trên rất nhiều yếu tố như: CSTT sẽ tiếp tục nới lỏng hay thắt chặt dần; thâm hụt thương mại; lạm phát..., nhưng trong bối cảnh VN thì chính sách LS của NHNN trong năm tới phụ thuộc khá nhiều vào việc tiếp tục chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là việc xử lý gói kích thích qua tín dụng như thế nào.

Dù tiếp tục hay chấm dứt cho vay HTLS 4% thì NHNN vẫn khó điều chỉnh tăng LSCB vì hai lý do: (i) DN chưa thể chịu được việc biên độ tăng quá lớn từ mức thực trả hiện nay (6,5%/năm, còn 4% đã được hỗ trợ) lên mức trên 10,5%/năm. Vì vậy trong quý I và II, NHNN nhiều khả năng vẫn phải giữ mức LSCB 7%/năm để tạo bước “đệm” cho các DN ổn định kế hoạch tài chính phù hợp với tiến trình hồi phục của sức mua, giảm được hàng tồn kho và chi phí dự trữ vật liệu hàng hóa. (ii)

Trong trường hợp Chính phủ và Quốc hội vẫn tiếp tục cho HTLS vay vốn ngắn hạn thêm 1 hoặc 2 quý đầu năm và mức LS hỗ trợ giảm dần (từ 2%-1%) thì DN đã phải trả LS vay cao hơn hiện nay. Thời điểm này NHNN nâng LSCB lên (đồng nghĩa nâng trần LS cho vay lên) thì tình hình cũng không khác mấy so với việc bỏ hoàn toàn HTLS.

Ví dụ, LSCB được điều chỉnh thành 8%, trần LS cho vay lúc này sẽ là 12%/năm, trừ đi 2% hỗ trợ LS thực trả của DN vẫn là 10%/năm. Cả hai kịch bản LSCB trên đều dễ dẫn đến làm sụt giảm sản lượng sản xuất do DN chỉ mới vượt qua thời điểm suy giảm, chưa có sức để phục hồi mạnh do cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế còn rất yếu.

Sức ép lên các TCTD

Với những phân tích như trên có thể thấy khả năng tăng LSCB trước quý III/2009 là khó xảy ra. Giữ LS ở mức thấp sẽ có tác đụng thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng sẽ đặt ngành NH trước những khó khăn về huy động vốn và sau đó là thanh khoản. Trong gần 10 tháng đầu năm 2009, một trong những vấn đề lớn nhất mà các NHTM luôn phải đối mặt đó là vấn đề vốn huy động. Tốc độ tăng dư nợ hàng tháng luôn cao hơn tốc độ tăng vốn huy động khoảng từ 6%-8%.

Tình hình ngày càng trở nên “nóng” hơn vào quý IV này. LS huy động tại tất cả các kỳ hạn đều đã được đẩy lên gần hoặc bằng trần (10,5%/năm), nhưng vẫn không thu hút được nhiều người gửi tiền do thời gian này các kênh đầu tư khác như CK, vàng, BĐS có cơ hội kiếm tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Nếu chỉ số giá tiếp tục tăng, các thị trường CK, vàng còn nóng, BĐS tăng nhiệt thì việc giữ nguyên mức LSCB trong những quý đầu năm 2010 sẽ gây sức ép rất lớn lên thanh khoản và huy động vốn của các TCTD. Vì vậy, nếu muốn giữ nguyên LSCB, Chính phủ và NHNN phải có biện pháp khác để giảm sức ép lên các TCTD.

Một trong những biện pháp đó có thể là tăng cường vai trò “người cho vay cuối cùng” của NHNN thông qua công cụ cho vay tái cấp vốn với mức LS hợp lý đối với các TCTD.

Trường Giang

Lao Động

Các tin tức khác

>   Giao dịch VND qua đêm chiếm gần 40% tổng doanh số (17/10/2009)

>   Cạnh tranh dịch vụ ngân hàng: Đã đến hồi gay cấn (16/10/2009)

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 410.616 tỷ đồng (16/10/2009)

>   Tiện ích khi trả lương qua tài khoản (16/10/2009)

>   Vai trò của việc duy trì niềm tin đối với các ngân hàng (16/10/2009)

>   PGBank đồng loạt áp dụng lãi suất huy động mới (16/10/2009)

>   Chủ tịch VietinBank được bầu Chủ tịch Ngân hàng ASEAN (15/10/2009)

>   'Nóng' cuộc đua dịch vụ thẻ thanh toán (15/10/2009)

>   Lãi suất vay nóng tăng (14/10/2009)

>   Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua gạo tạm trữ (14/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật