'Nóng' cuộc đua dịch vụ thẻ thanh toán
Sau một thời kỳ tập trung phát triển tài khoản và thẻ thanh toán, hiện các ngân hàng chuyển sang chạy đua phát triển dịch vụ thẻ thanh toán.
Từ rút tiền đến tất tật trên một thẻ
Hàng triệu người tiêu dùng cá nhân, nhỏ lẻ sẽ không còn phải mua xăng dầu bằng tiền mặt, thay vào đó có thể sử dụng thẻ thanh toán. Đây là tiện ích nổi bật nhất của thẻ Flexicard do Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) mới đưa ra thị trường.
Đây là loại thẻ công nghệ chíp, kết hợp đầy đủ hai tính năng trả trước và ghi nợ, cho phép khách hàng thanh toán chi phí mua xăng dầu tại hơn 1.800 điểm phân phối xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc.
Ngoài ra, thẻ còn có thể rút tiền mặt tại ATM của PG Bank, hệ thống Banknetvn và tại các cây xăng… Với tính năng này, hàng triệu người mua xăng đã có thể thực hiện nhiều giao dịch ngân hàng ngay tại các điểm bán xăng dầu.
Tổng Giám đốc PG Bank Nguyễn Quang Định cho biết, hàng ngàn máy thanh toán POS và hàng trăm máy ATM đã được ngân hàng nhập về để phục vụ khách hàng mua bán xăng dầu và thực hiện các giao dịch khác không dùng tiền mặt.
Mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Jetstar Pacific cũng đã thành công trong việc ứng dụng tiện ích thanh toán tiền vé máy bay thông qua hệ thống gần 1.000 máy ATM của BIDV.
Đây là ngân hàng thứ hai cùng với Jetstar Pacific ứng dụng thành công công nghệ này, giúp hành triệu hành khách thanh toán mua vé máy bay rất dễ dàng qua các dịch vụ thẻ.
Trong khi đó, ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cùng với công ty Mobivi và công ty du lịch Viettravel triển khai hình thức thanh toán tour trực tuyến bằng Ví điện tử Mobivi. Ngoài Viettravel, VIB đã ký với gần 20 doanh nghiệp khác để triển khai loại hình này.
Như vậy, điều dễ nhận thấy là sau một thời gian tập trung phát triển tài khoản và thẻ thanh toán cá nhân về số lượng, hiện các ngân hàng Việt Nam đã chú ý nhiều hơn đến việc tăng cường các ứng dụng tiện ích thực tế trên thẻ.
Ban đầu là những dịch vụ đơn giản như thanh toán thẻ điện thoại, tiền điện nước… rồi đến trả lương, nộp thuế qua ngân hàng; các ngân hàng còn tích hợp các sản phẩm tài chính để biến một chiếc thẻ và tài khoản của nhà đầu tư không chỉ dùng để thanh toán mà nhiều hoạt động đầu tư tài chính…
Với các ứng dụng này, chiếc thẻ ATM đã dần thoát khỏi nhiệm vụ duy nhất là rút tiền như từ trước đến nay.
Giảm thanh toán tiền mặt trong dân cư
Thống kê mới nhất từ Bộ Giao thông vận tải, đến hết tháng 7/2009, cả nước có tổng số phương tiện đăng ký lưu hành trên toàn quốc là: ôtô 1.459.892 chiếc; mô tô 26.869.025 chiếc. Chưa kể đến hàng trăm ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh đều sử dụng nhiều loại máy móc phương tiện với nhiên liệu chính là xăng dầu.
Như vậy, nhu cầu mua xăng dầu là rất lớn và luồng tiền luân chuyển cho loại giao dịch này có thể lên đến hàng ngàn tỷ mỗi tháng. Với giải pháp mới chỉ cần một động tác quẹt thẻ sẽ giúp giảm bớt hàng triệu giao dịch bằng tiền mặt.
Và khi hàng loạt giao dịch khác như tiền điện, tiền điện thoại hay cả những mua sắm hàng ngày được ứng dụng những công nghệ thanh toán này thì tiền mặt trong giao dịch dân cư sẽ giảm đáng kể.
Trong khi đó, theo NHNN, đến cuối tháng 6/2009, toàn thị trường có 8.800 máy ATM; hơn 17 triệu thẻ ATM đang được lưu hành. Và có trên 1,132 triệu người nhận lương qua tài khoản. Về cơ bản, các mục tiêu lớn của thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được.
Tuy vậy, thanh toán KDTM tại Việt Nam chủ yếu ở khu vực công và các khoản thanh toán lớn của DN, còn trong dân cư, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu với đa số là những khoản giao dịch nhỏ và thường xuyên.
NHNN thừa nhận một thực tế rằng, mặc dù số lượng cá nhân sử dụng thẻ ATM đã vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010, nhưng trên thực tế, người dân chỉ sử dụng thẻ ATM để… rút tiền mặt thanh toán hàng hoá, dịch vụ.
Đại diện Vụ Thanh toán – NHNN cho biết, nguyên nhân chính của vấn đề này là do chất lượng, tiện ích mới trong thanh toán KDTM còn hạn chế; các tiện ích thiết thực và phổ biến chưa được triển khai mạnh.
Các dịch vụ thanh toán trực tuyến như mobile banking, Internet banking, ví điện tử… mới chỉ dừng ở quy mô nhỏ hẹp, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhỏ lẻ của khách hàng.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán tiền mặt lớn. Việc dùng tiền mặt thanh toán dẫn đến nhiều thiệt hại cho cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng, như: tốn kém chi phí, không an toàn, dễ bị cướp, mất trộm; tạo nhiều cơ hội cho kinh tế ngầm, trốn thuế và tham nhũng; khó quản lý, kiểm soát chính xác thu nhập đối với những người có thu nhập cao để tính thuế thu nhập cá nhân.
Chính vì thế, khi các ngân hàng phát triển các dịch vụ đa dạng và hiện đại chính là động thái quyết định thúc đẩy nhanh hiện thực hóa mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt.
Thị trường Việt Nam đã có đủ các loại hình, thẻ thanh toán cá nhân, thẻ thương mại, thanh toán qua mobile, internet… Vấn đề còn lại là phát triển các dịch vụ dựa trên các công nghệ thanh toán này để thanh toán không dùng tiền mặt thiết thực và gần gũi hơn với cuộc sống người dân.
Chỉ như thế thì thẻ ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt mới thiết thực và được ưa chuộng.
Phước Hà
VIETNAMNET
|