Công ty tài chính lấn sân ngân hàng: Mừng hay lo?
Tín dụng cá nhân giờ đây không chỉ là mảnh đất của riêng các ngân hàng khai thác nữa mà đang có sự vào cuộc của nhiều công ty tài chính tạo nên một cuộc cạnh tranh khá mạnh. Lợi ích cho người vay là thấy rõ, tuy nhiên, về lâu dài, việc các công ty tài chính “lấn sân” sang tín dụng cá nhân cũng dấy lên không ít lo ngại.
Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty và các DN lớn hay DN có vốn đầu tư nước ngoài đã mở các công ty tài chính. Nhiệm vụ đầu tiên của họ là thu xếp vốn cho các dự án trong lĩnh vực của công ty mẹ. Tuy nhiên, dần dần, các công ty tài chính cũng được tham gia nhiều vào những dịch vụ tín dụng khác và đối tượng khách hàng cũng mở rộng hơn. Không ít công ty tài chính đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà bán lẻ dịch vụ cho khách hàng. Có một dạo, không ít nhân viên công sở nhận được những cuộc điện thoại mời vay vốn của công ty tài chính P, thuộc một thương hiệu bảo hiểm lớn. Các nhân viên của công ty cho biết: thủ tục vay khá đơn giản, lãi suất hợp lý và không cần phải thế chấp. Khách hàng có thể vay tiêu dùng để mua nhà, mua xe hay ít hơn là mua ti vi, tủ lạnh đều được, miễn là có chứng minh và xác nhận về khoản thu nhập thường xuyên hàng tháng; nếu vay thế chấp thì khoản vay sẽ được giải ngân nhiều hơn.
Thông thường, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường thấp hơn của ngân hàng từ 0, 01- 0, 02%/tháng; thời gian cho vay cũng khá linh động, từ vài tháng tới cả chục năm tùy theo nhu cầu. Để khách hàng làm quen với các sản phẩm của mình, nhiều công ty tài chính đã chọn hướng liên kết với nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ như các công ty bất động sản, siêu thị điện máy, DN sản xuất để cung cấp gói sản phẩm tín dụng cá nhân cho khách hàng khi mua hàng. Không chỉ hướng tới khách hàng cá nhân mà nhiều công ty tài chính còn mở rộng cho vay tới các DN ngoài ngành.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, cho rằng: cuộc cạnh tranh giữa các công ty tài chính và ngân hàng đang đem lại lợi ích cho khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bởi nếu xét về mặt bằng lãi suất (không tính đến gói lãi suất hỗ trợ của Chính phủ vừa qua ) thì cả công ty tài chính và ngân hàng đều có mức lãi suất cho vay tương đương nhau, và tất nhiên sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho khách hàng ruột của mình. Vì vậy, nếu vay trong ngắn hạn, doanh nghiệp nên tìm đến các công ty tài chính. Công ty tài chính có chức năng tạo lập quỹ tiền tệ cho mục đích cụ thể, chương trình cụ thể và đơn lẻ. Đồng thời, khâu thẩm định, đánh giá dự án của công ty tài chính “thoáng” cũng thoáng hơn so với ngân hàng.
Theo thống kê không chính thức, hiện tại thị trường Việt Nam có khoảng 18 công ty tài chính. Trong cuộc đua này các công ty tài chính đang thể hiện sự lấn sân quyết liệt khi không chỉ dừng lại trong việc nhắm vào các hoạt động tiêu dùng và bán lẻ nữa mà đẩy mạnh đầu từ sản phẩm cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với sự năng động và nắm bắt tâm lý, yêu cầu của khách hàng, nhiều công ty tài chính đã đưa ra những dịch vụ bán lẻ phù hợp và không quá khắt khe khi giải ngân.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần chia sẻ: cuộc cạnh tranh giữa công ty tài chính và ngân hàng trong ngắn hạn thì khó có thể phân biệt được ai thắng, ai thua, nhưng về dài hạn đây lại là nguy cơ tiềm ẩn rủi ro. Khi công ty tài chính “lấn sân” của ngân hàng cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp, có thể khẳng định, chất lượng thẩm định của các công ty tài chính không chuyên nghiệp được bằng ngân hàng. Công ty tài chính không có khách hàng nền tảng, hoạt động đầu tư lại thường tập trung ở một nhóm khách hàng dẫn đến rủi ro cao. Nếu đánh giá chất lượng nợ, có thể phân loại nợ là nợ dưới chuẩn.
Công ty tài chính là công cụ để tập đoàn điều tiết vốn và sử dụng vốn một cách có hiệu quả và thuận lợi nhất. Trong phạm vi nội bộ tập đoàn hoặc nhóm công ty có quan hệ lợi ích gắn bó, công ty tài chính có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các công ty thành viên để tập trung vốn đầu tư. Với tính nội bộ cao trong hoạt động nghiệp vụ công ty tài chính có thể kiểm soát rủi ro và tập trung vốn lớn cho các dự án quan trọng trong nội bộ tập đoàn. Các lợi ích mà công ty tài chính mang lại chỉ khi nó làm đúng chức năng (tập trung cho một dự án nhất định, trong một thời gian cụ thể ), còn nếu các công ty này cứ “mải miết” lấn sân chức năng của các ngân hàng thì sẽ khiến hệ thống tài chính quốc gia “bị méo mó”.
Duy Minh
Công Thương
|