Ngân hàng ngoại tập trung bán buôn nhưng hướng tới bán lẻ
9 tháng đầu năm 2009, dù tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu hoạt động chính thấp hơn tốc độ tăng chung của cả hệ thống, nhưng các ngân hàng nước ngoài vẫn nhìn nhận tương lai nền kinh tế VN tiếp tục sáng sủa.
Mở rộng mạng lưới hoạt động, triển khai thực hiện chiến lược thâm nhập sâu, rộng hơn thị trường VN qua phát triển dịch vụ bán lẻ là hướng nhiều NH nước ngoài đang tiến hành.
Mạnh về bán buôn
Tính đến tháng 9.2009, VN có 51 tổ chức tín dụng, trong đó có 5 NH 100% vốn nước ngoài, 38 chi nhánh NH nước ngoài, 4 Cty tài chính và 4 Cty cho thuê tài chính thuộc NH nước ngoài, 5 NH liên doanh với đối tác nước ngoài cùng 19 chi nhánh phụ thuộc đang hoạt động. Khối này chiếm 10,9% tài sản có, 11,8% vốn chủ sở hữu, 8% vốn huy động và đi vay, 9,3% tổng dư nợ của toàn bộ hệ thống các TCTD tại VN và chiếm khoảng 34,5% thu nhập trước thuế của khối các NHTM.
Từ khi có mặt tại thị trường VN đến nay, với số lượng chi nhánh hạn chế, các NH ngoại chưa thể cạnh tranh với các NH nội địa có chi nhánh rộng khắp về dịch vụ NH bán lẻ. Thị phần hoạt động của khối NH nước ngoài và NH liên doanh khá ổn định, chưa có sự tăng trưởng mạnh do khối này chịu quy định hạn chế đối với việc huy động vốn bằng VND từ khách hàng cá nhân. Do vậy, phát triển mảng dịch vụ NH bán buôn vẫn là dịch vụ chính của các NH nước ngoài để giúp họ nhanh mở rộng thị phần. Khách hàng vay vốn ngoại tệ của các chi nhánh NH nước ngoài chủ yếu là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp đến là các DN Việt Nam NK máy móc thiết bị, nguyên - nhiên - vật liệu.
Với các chuẩn mực quản trị rủi ro hiện đại, hoạt động của các NH nước ngoài tại VN có chất lượng hoạt động khá tốt. Tỉ lệ nợ xấu trong hoạt động tín dụng luôn ở mức thấp. Năm 2008, tỉ lệ nợ xấu của khối này chỉ chiếm 0,53%/tổng dư nợ cho vay (tỉ lệ chung toàn hệ thống là 2,92%).
Hoạt động bán lẻ cũng được chú trọng. Từ đầu năm 2009 tới nay, lần lượt HSBC, Standard Chartered và ANZ đã khai trương các dịch vụ NH bán lẻ. Đối tượng khách hàng cá nhân sử dụng các dịch vụ của NH nước ngoài cho đến nay chủ yếu là những khách hàng có thu nhập và dân trí cao. Tuy vậy, theo một số NH nước ngoài, trong phát triển mảng NH bán lẻ, tới đây họ sẽ chú trọng cả đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình vốn chiếm phần đông dân số VN và các DN nhỏ và vừa.
Mở rộng quan hệ đối tác với các định chế tài chính nội
Không chỉ tăng hoạt động tín dụng đối với các khách hàng tại VN, mà các tập đoàn nước ngoài còn gia tăng đầu tư vốn thông qua các NH và CTCK VN. Hoạt động này diễn ra mạnh nhất trong năm 2008.
HSBC trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên được sở hữu 20% vốn cổ phần tại Techcombank. Cổ đông lớn của ACB là Cty tài chính quốc tế-IFC đăng ký bán 16.204.879 CP ACB cho Standard Chartered Bank, tỉ lệ nắm giữ của Standard Chartered Bank tại ACB đã tăng từ 8,84% lên 15% vốn cổ phần.
Cũng trong 8 tháng đầu năm 2008, các giao dịch mua cổ phần của May Bank tại NHTMCP An Bình, Societe Generale S.A của Pháp mua 15% vốn CP tại Sea Bank cũng đã diễn ra... Việc liên kết với các NHTM trong nước trong phát triển dịch vụ thẻ cũng được một số NH nước ngoài quan tâm. Một hướng đầu tư khác, Tập đoàn NH ANZ cũng trở thành cổ đông lớn của CTCK Sài Gòn (SSI).
Mặc dù 9 tháng đầu năm 2009, tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu hoạt động chính của khối NH nước ngoài và NH liên doanh đều thấp hơn tốc độ tăng chung của cả hệ thống, nhưng các NH và chi nhánh NH nước ngoài, NH liên doanh vẫn nhìn nhận tương lai nền kinh tế VN tiếp tục sáng sủa. Mở rộng mạng lưới hoạt động, triển khai thực hiện chiến lược thâm nhập sâu, rộng hơn thị trường VN cho thấy chiến lược gắn bó lâu dài với nền kinh tế VN của các NH nước ngoài.
Trịnh Ngọc Lan
Lao động
|