Thứ Sáu, 16/10/2009 16:01

Bài học từ khủng hoảng tài chính 2008-2009:

Vai trò của việc duy trì niềm tin đối với các ngân hàng

Sơ lược quá trình phát sinh và truyền dẫn khủng hoảng tài chính 2008 – 2009

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 bắt nguồn từ sự vỡ nợ các khoản cho vay thế chấp mua nhà dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ, sau đó lan rộng sang các tổ chức tài chính và nhóm tài sản khác theo một hiệu ứng Domino (đổ vỡ lan truyền) trên diện rộng với tốc độ nhanh.

Bắt đầu từ thị trường cho vay dưới chuẩn đổ vỡ, những tổ chức tài chính đầu tiên của Hoa Kỳ liên quan đến tín dụng nhà ở thứ cấp bị phá sản, giá chứng khoán Hoa kỳ giảm dần. Theo ước tính ban đầu của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ, lỗ từ các khoản vay dưới chuẩn vào khoảng 50 – 100 tỷ USD trong năm 2007, và có thể lên tới 1000 tỷ USD theo dự báo của IMF (theo dự báo của một số chuyên gia trên thực tế con số này có thể lên tới 4000 tỷ USD). Sự đổ vỡ tài chính lên đến cực điểm vào tháng 10 năm 2008 khi những ngân hàng khổng lồ và lâu đời từng sống sót qua những cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trước đây: Lehman Brothers, Morgan Stanley, Citigroup, AIG,… lần lượt bị trục trặc. Các ngân hàng nằm ngoài nước Mỹ cũng nhanh chóng rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng do trước đó đã đầu tư vào các sản phẩm tài chính Mỹ trên thị trường đầu tư quốc tế.

Khi cuộc khủng hoảng nóng dần lên cũng là lúc tính thanh khoản biến mất, không có ngân hàng nào ngay cả những ngân hàng có khả năng thanh toán và uy tín huy động được vốn trên thị trường liên ngân hàng từ sau tháng 8 năm 2007. Những gì đang diễn ra trên thị trường đã tạo tâm lý lo sợ và mất niềm tin từ phía các ngân hàng khiến họ muốn nắm giữ tiền trong tay hơn là chấp nhận cho vay với rủi ro cao trong thời kỳ khủng hoảng. Vì vậy tình trạng đói vốn xảy ra do mất tính thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng ngay cả ở một số nước ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng.

Lãi suất tăng cao, cùng với đó là tâm lý lo sợ dẫn đến hạn chế tiêu dùng của người dân một lần nữa lại dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, cuộc khủng hoảng bắt đầu lan rộng từ thị trường tài chính sang thị trường sản xuất, gây suy thoái cho nền kinh tế toàn cầu.

Bên cạnh sự sụp đổ tất yếu của các tài sản tài chính phái sinh không được kiểm soát rủi ro đầy đủ là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng, có thể thấy, sự mất niềm tin, tâm lý lo ngại là một trong những yếu tố truyền dẫn cuộc khủng hoảng nhanh nhất. Bắt nguồn từ bên trong của hệ thống ngân hàng, sự mất niềm tin đã chắn lối thanh khoản trên hệ thống liên ngân hàng khiến cho hàng loạt ngân hàng không được tiếp vốn kịp thời buộc phải phá sản hoặc để bị mua lại. Từ bên ngoài, tình trạng đột biến rút tiền gửi đã làm căng thẳng hàng loạt ngân hàng tại Anh như Northern Rock.

Vai trò của niềm tin trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và sự vận động của nền kinh tế

Hoạt động ngân hàng với các nghiệp vụ truyền thống nhận tiền gửi, cho vay và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng ra đời khi quan hệ sản xuất và trao đổi hàng hóa của xã hội đã phát triển ở mức độ cao. Quá trình hoàn thiện các nghiệp vụ ngân hàng và sự ra đời của ngân hàng hoàn chỉnh kéo dài hàng nghìn năm bắt đầu tư hoạt động ngân hàng sơ khai vào khoảng 3500 năm trước công nguyên cùng với sự khởi đầu của các thiết chế tổ chức xã hội.

Hình thức ngân hàng sơ khai được nhiều nhà sử học cho rằng đã hình thành trước khi con người phát minh ra tiền. Ban đầu, tài sản gửi tại "ngân hàng'' là các loại ngũ cốc, sau đó là gia cầm, nông sản, rồi đến kim loại quý như vàng. Đền thờ là nơi an toàn để cất trữ tài sản. Đó là các công trình được xây dựng kiên cố, thường xuyên có người tới hành lễ, và xét về tâm linh thì ngay những tên trộm táo tợn nhất cũng có ý tránh chốn linh thiêng này. Nhưng những tài sản quý giá này lại ngủ yên trong đó, trong khi, ở bên ngoài xã hội, các nhóm thương nhân và hoàng tộc lại rất cần sử dụng chúng. Các nhà khảo cổ học tìm được những dấu tích cho thấy tới đầu thế kỷ 18 trước công nguyên, tại Babylon, dưới thời trị vì của Hammurabi, thầy tu trông giữ đền thờ bắt đầu cho các nhà buôn mượn tài sản cất trữ trong đền. Khái niệm ngân hàng ra đời, dựa trên nền tảng trước tiên là niềm tin về một nơi cất trữ an toàn.

Tiếp tục quá trình phát triển kéo dài nhiều nghìn năm, các hình thái dịch vụ khác nhau của ngân hàng ra đời từ sơ khai như giao dịch tín dụng ghi số, tiền viết giấy tín dụng đến các sản phẩm tài chính phức tạp ngày nay, hầu hết đều dựa trên niềm tin của khách hàng đối với hoạt động ngân hàng. Ngân hàng trở thành biểu tượng của nơi cất giữ tiền, tài sản an toàn nhất của mọi người dân và toàn xã hội.

Biến cố lớn nhất cũng là khủng khiếp nhất đối với một ngân hàng chính là sự kiện đột biến rút tiền xảy ra khi người gửi mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng và muốn tự mình giữ tiền hoặc chuyển sang các hoạt động đầu tư có tính an toàn cao hơn. Năm 1999, Ngân hàng trung ương Malaysia đã phải kiểm soát MBf Finance Berhad – công ty tài chính lớn nhất Malaysia vào thời kỳ đó khi tổng số tiền bị rút khỏi 120 chi nhánh của các công ty tài chính lên đến 17 tỉ Ringgit (tương đương với 4.49 tỉ USD). Biến cố rút tiền đột biến cũng xảy ra tại Argentine năm 2001 trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1999-2002, tại Uruguay năm 2002 trong cuộc khủng hoảng ngân hàng tại nước này. Rút tiền đột biến cũng đã khiến hàng loạt ngân hàng lao đao trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 như Countrywide Financial (8/2007), Northern Rock (1/9/2007), Bear Stearns (11/3/2008) (chỉ trong hai ngày tài sản cơ sở bằng tiền mặt của Bear Steams đã giảm từ 17 tỷ xuống còn 2 tỷ USD),… Rõ ràng ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, dựa trên niềm tin của người dân và doanh nghiệp, mất niềm tin chính là yếu tố nguy hiểm nhất đẩy một ngân hàng đến sự phá sản cũng như gây nguy hiểm cho toàn hệ thống.

Sự mất niềm tin không dừng lại ở hệ thống ngân hàng. Các khoản tiền rút ra khỏi ngân hàng nhanh chóng được dùng vào mục đích đầu cơ do các lo ngại về khoản thu nhập trong tương lai ngày càng xấu đi khi kinh tế suy thoái. Hành động này của người tiêu dùng đã đẩy giá cả lên cao, lạm phát tăng cao, sức tiêu dùng thực sự giảm do đầu cơ, cùng với đó là tính thanh khoản trong hệ thống ngân hàng yếu đi, nhu cầu vốn không được đáp ứng, nhanh chóng đẩy nền kinh tế vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Một số yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất niềm tin trong hoạt động ngân hàng trước khủng hoảng tài chính 2008-2009

Trong quá trình vận động của hệ thống ngân hàng có hai nhóm chủ thể chính là ngân hàng và khách hàng mà không phải khi nào và ở đâu quyền lợi của hai nhóm chủ thể này cũng có sự đồng nhất. Mong muốn nâng cao lợi nhuận, mở rộng khoản thu từ các nhà ngân hàng đẩy họ đến những hành động rủi ro có thể gây ra sự mất niềm tin từ phía khách hàng. Một số nhân tố có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng như:

Sự thiếu hụt thông tin do cơ chế truyền dẫn

Thiếu hụt thông tin là nhân tố cơ bản gây là những nhầm lẫn trong đánh giá của người tiêu dùng và nhà đầu tư, gây nên sự kỳ vọng thái quá khi thị trường phát triển mạnh đồng thời tạo ra sự mất niềm tin có tính dây chuyền lây lan khi thị trường đột nhiên đi xuống. Khi thị trường phát triển mạnh, nhà đầu tư tin tưởng vào một mức kỳ vọng cao hơn thực tế vốn có của nền kinh tế, dẫn đến hoạt động đầu tư tiếp tục được đẩy lên cao, giá cả của các sản phẩm tài chính tăng mạnh tạo nên các bong bóng tài sản. Đến một mức độ nhất định, sự đổ vỡ của các bong bóng tài sản lại một lần nữa kéo nhà đầu tư về một thái cực ngược lại, sự bi quan trước sự sụp đổ bất ngờ của nền kinh tế khiến nhà đầu tư ngay lập tức thay đổi thái độ đầu tư. Dòng tiền trong nền kinh tế bị chặn lại, các hoạt động kinh tế đình trệ do thiếu vốn là bước khởi đầu cho một loạt những hiệu ứng khủng hoảng kinh tế.

Sự thiếu hụt thông tin trong cơ chế vận động của thị trường tài chính

Sự thiếu hụt thông tin có thể xuất phát từ tính hạn chế khách quan trong hệ thống truyền dẫn thông tin giữa các bộ phận của nền kinh tế, hoặc do sự chủ quan của những người môi giới. Sự hấp dẫn từ doanh thu và các khoản tiền thưởng khiến cho các nhân viên môi giới chỉ cần bán được dịch vụ bằng mọi giá và họ từ chối cung cấp đầy đủ những thông tin không có lợi cho nhà đầu tư.

Các vấn đề liên quan đến thị trường cho vay dưới chuẩn tại Mỹ đã bị thổi phồng do các định chế tài chính tại Mỹ và các nước công nghiệp khác áp dụng mức cho vay quá cao. Các định chế này tạo ra và mua lại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản cầm cố thông qua vay nợ. Thông thường họ đầu tư các loại chứng khoán này thông qua các trung gian tài chính không được coi là ngân hàng nhưng vẫn chịu sự kiểm soát của ngân hàng nhằm tránh những yêu cầu về vốn được áp dụng cho các ngân hàng.

Ngân hàng đẩy trách nhiệm về rủi ro sang các tổ chức khác

Ngày nay hoạt động ngân hàng đã có sự tham gia của các công ty bảo hiểm, các tổ chức định giá, cùng với đó là quá trình di chuyển rủi ro trước đây tập trung trong hệ thống ngân hàng nay đã được phân tán qua nhiều tổ chức khác nữa. Ngân hàng chuyển giao rủi ro tín dụng cho các công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư của các định chế tài chính phi ngân hàng khác thông qua bảo hiểm tín dụng phái sinh (CDSs). Công việc đánh giá rủi ro tín dụng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của ngân hàng đã được chuyển giao sang các nhà đầu tư phi ngân hàng. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã minh chứng rõ ràng rằng, các nhà đầu tư phi ngân hàng đã không thể thay thế ngân hàng trong việc đánh giá rủi ro tín dụng do họ tích lũy phần lỗ rất lớn đối với CDSs và góp phần làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

Sự phức tạp của các sản phẩm tài chính phái sinh

Chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản cầm cố và tài sản được gộp lại trong các công cụ nợ mới và bán cho các ngân hàng và các định chế tài chính phi ngân hàng, bao gồm cả các công ty bảo hiểm. Những công cụ mới này – giấy nợ có đảm bảo (CDOs) – thiếu tính minh bạch do các chủ sở hữu không đủ khả năng xác định rủi ro tín dụng phát sinh từ nhóm chứng khoán này. Các chủ sở hữu thường ủy thác trách nhiệm này cho các tổ chức đánh giá tín dụng trong khi các tổ chức này thường không đủ khả năng đánh giá đầy đủ tính rủi ro của CDOs.

Tâm lý kỳ vọng thái quá từ phía khách hàng

Bản thân khách hàng cũng có thể góp phần vào việc cải thiện hiệu quả của ngân hàng: Họ có thể từ chối sử dụng các công cụ không rõ ràng, chứa đựng các rủi ro mà họ không thể đánh giá chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế họ lại thường bị hấp dẫn bởi các khoản lợi nhuận cao mà quên đi những rủi ro có thể phát sinh.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 – cuộc khủng hoảng gây ra mức sụt giảm GDP lớn nhất kể từ những năm 1930 đến nay, hệ thống ngân hàng trên toàn thế giới có thể rút ra nhiều bài học quan trọng trong quá trình quản trị rủi ro, điều hành tác nghiệp, về đạo đức kinh doanh và kiểm soát sự kỳ vọng,… Trong đó, nhân tố niềm tin từ phía khách hàng một lần nữa khẳng định vai trò tác động có tính hệ thống đối với các hoạt động ngân hàng nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Nếu như chế độ bản vị vàng đã từng gắn chặt với giá trị đồng tiền của mỗi quốc gia trong suốt một thời gian dài lịch sử, thì ngày nay, dường như một chế độ “bản vị niềm tin” đang hình thành. Nó đòi hỏi sự quản trị niềm tin từ phía công chúng không còn chỉ là một trong các hoạt động quản trị rủi ro từ phía các ngân hàng tác nghiệp mà còn đòi hỏi sự quản lý từ cấp trung ương như một phần của vai trò điều hành chính sách tài chính – tiền tệ. Để nâng cao khả năng quản trị niềm tin từ khách hàng, một số biện pháp có thể được đặt ra như: tăng cường tính minh bạch và hiểu biết về các sản phẩm tài chính phức tạp tạo ra những rủi ro có hệ thống thông qua vệc truyền dẫn thông tin tốt hơn; dự đoán trước các “hiệu ứng đàn” và nhận biết mối liên hệ và diễn biến các sự kiện diễn ra; tăng cường mối liên hệ giữa hệ thống ngân hàng và khách hàng để gia tăng niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng cũng như nâng cao đạo đức kinh doanh của bản thân các ngân hàng, tránh tình trạng đẩy rủi ro về phía khách hàng thay vì phát hiện và kiểm soát rủi ro như trước cuộc khủng hoảng,v.v…

Công bố thông tin đã trở thành một phần nội dung cơ bản của “Trụ cột 3” trong nội dung của Basel 2 nhằm hướng đến mục tiêu sử dụng các nguồn lực điều tiết thị trường nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho hệ thống tài chính: nâng cao sự minh bạch trong hoạt động và cơ cấu rủi ro của các ngân hàng thông qua việc công bố thông tin được thực hiện tốt hơn; đặt ra các chính sách khuyến khích để tăng cường công tác rủi ro và các hệ thống kiểm soát nội bộ. Tác dụng mong muốn của trụ cột này là các nhà đầu tư sẽ biết phân biệt các ngân hàng được quản lý tốt và ngân hàng bị quản lý tồi và sử dụng những kiến thức này để tái định hướng chiến lược danh mục của mình và tính toán chi phí rủi ro thích hợp, do đó các ngân hàng được quản lý tốt sẽ được hưởng lợi từ các điều kiện thị trường tốt hơn. Việc đưa thêm trụ cột 3 vào nội dung Basel 2 đã phần nào thể hiện được vai trò của minh bạch hóa thông tin nhằm tạo ra niềm tin xuyên suốt trong bản thân các ngân hàng cũng như nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, đồng thời hạn chế những yếu tố có thể gây mất niềm tin đối với thị trường.

Ở Việt Nam, trong quá trình ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 -2009, các cơ quan quản lý cũng như bản thân các ngân hàng đã có một số biện pháp tác động tích cực đến việc duy trì niềm tin của dân chúng đối với hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đã được hạn chế, mặc dù hệ thống ngân hàng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng về cơ bản có thể thấy hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn được duy trì tốt và không có khủng hoảng.

Kích thích được niềm tin của nhân dân sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế. Kích thích được niềm tin của người gửi tiền sẽ tạo được sức bật mới cho hệ thống tài chính - ngân hàng, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, chặng đường khó khăn không dừng lại khi cuộc khủng hoảng 2008 – 2009 kết thúc. Khi cuộc khủng hoảng này kêt thúc nguy cơ về các cuộc khủng hoảng khác sẽ lại xuất hiện và khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Chúng ta chỉ có thể giảm bớt sự tác động của nó. Vì vậy, sự kiểm soát và duy trì niềm tin từ phía khách hàng đối với hệ thống ngân hàng được đặt ra như một yêu cầu của một quá trình lâu dài, một phần của nhiệm vụ nặng nề nhận biết, kiểm soát và hóa giải những rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng và giảm thiểu rủi ro từ những cuộc khủng hoảng như đã xảy ra.

Nguyễn Thùy Linh

SBV

Các tin tức khác

>   PGBank đồng loạt áp dụng lãi suất huy động mới (16/10/2009)

>   Chủ tịch VietinBank được bầu Chủ tịch Ngân hàng ASEAN (15/10/2009)

>   'Nóng' cuộc đua dịch vụ thẻ thanh toán (15/10/2009)

>   Lãi suất vay nóng tăng (14/10/2009)

>   Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua gạo tạm trữ (14/10/2009)

>   Công ty tài chính lấn sân ngân hàng: Mừng hay lo? (14/10/2009)

>   Ngân hàng ngoại tập trung bán buôn nhưng hướng tới bán lẻ (14/10/2009)

>   Hạng tín dụng của Việt Nam sẽ tăng lên (14/10/2009)

>   Maritime Bank tăng lãi suất tiền gửi VND và USD (14/10/2009)

>   Tín dụng cho nền kinh tế gần chạm ngưỡng (13/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật