Thứ Sáu, 16/10/2009 22:09

Cạnh tranh dịch vụ ngân hàng: Đã đến hồi gay cấn

Tỉ mẩn đếm lần cuối, chị Hai, một tiểu thương buôn bán ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3 gởi tiền vào thẻ ATM đa năng của ngân hàng Đông Á (DongA Bank). Hai tháng nay, sau khi dọn hàng xong là chị gom góp phần tiền lời đi đến ngân hàng. Một vài người bạn hàng của chị Hai cũng dần có thói quen tích cóp sau vài phiên chợ, gửi ngân hàng.

Hai tuần qua, nhân viên DongA Bank đã đi từng nhà, gặp từng người để mời sử dụng dịch vụ, mở thẻ Đông Á. Một hình ảnh gần giống như thời kỳ các công ty bảo hiểm rầm rộ tiếp cận khách hàng. Ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongA Bank nói:  “Cho tới giờ nhiều người vẫn không dám bước vào ngân hàng, nên họ thích thú khi ngân hàng đến tận nhà”.

Mở rộng đối tượng

Gần cả năm nay DongA Bank tổng lực tấn công vào phân khúc những người thu nhập thấp, tiểu thương, người buôn gánh bán bưng. Thừa nhận các khoản nợ nhỏ lẻ 500.000đ, 1.000.000đ từ đối tượng trên ngày càng khó đòi, nhưng ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc DongA tỏ vẻ hài lòng với kết quả đạt được. DongA Bank muốn phát triển 1 triệu khách hàng một năm, và sàng lọc bỏ 300.000 khách hàng không đạt chuẩn vào năm kế tiếp.

Đầu năm đến nay, ngay cả những người có thu nhập trung bình, trung bình thấp, những người buôn gánh bán bưng đã có được những sản phẩm tài chính thiết kế phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mình. Như tiết kiệm tích góp ở ngân hàng Việt Á, vay 24 phút ở DongA Bank, siêu thị tài chính ở ABBANK…

Theo ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 8 qua, có 41 tổ chức phát hành trên 18 triệu thẻ so với 6,5 triệu thẻ các loại vào hai năm trước đây. Có khoảng 176 thương hiệu thẻ. Ở ABBANK, tiền gởi tiết kiệm khách hàng cá nhân tăng mạnh từ năm 2007, 2008 đến tháng 8.2009 với tỷ lệ tương ứng 100%, 206% và 367%, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập dịch vụ khách hàng cá nhân là 100%, 260% và 300%.

Ông Đàm Thế Thái, giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBANK nhận xét, tốc độ mở tài khoản cá nhân cao, doanh thu cho ngân hàng hấp dẫn cho thấy cuộc đua chạy đến với người tiêu dùng cá nhân đã đến hồi gay cấn. Hơn nữa, khi mới có 20% dân số sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, sự xâm nhập mạnh hơn vào thị trường bán lẻ của ngân hàng nước ngoài càng đẩy tốc độ cạnh tranh và giữ khách gay gắt hơn. Từ đầu năm đến nay, số lượng khách hàng cá nhân ở HSBC đã tăng 30%.

Một nguồn tin cho hay, việc chuẩn cho vay tín chấp giảm xuống còn 5 – 6 triệu đồng cho thấy các ngân hàng ngoại cũng quan tâm hơn đến các đối tượng thu nhập thấp hơn thay vì chỉ tập trung vào nhóm khách hàng thu nhập cao và trung lưu.

Sản phẩm gì cho khách?

Ông Brett Krause, tổng giám đốc Citibank tại Việt Nam cho rằng, các sản phẩm tài chính trong nước vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu so với các nước khác. Đến nay, các ngân hàng (trong và ngoài nước) chủ yếu cạnh tranh về ba loại sản phẩm: tiền gửi tiết kiệm, sản phẩm tín dụng và sản phẩm thẻ.

Nhưng nếu ngân hàng trong nước có lợi thế khi “biến hoá” ra các gói huy động lãi suất cao, hoặc khuyến mãi, thì theo đa số nhận xét, các sản phẩm dành cho cá nhân ở ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có chi phí cao hơn so với ngân hàng trong nước. Thí dụ, điều kiện mở thẻ thanh toán quốc tế HSBC là tối thiểu 500.000 đồng, số dư tối thiểu hàng tháng 3 triệu đồng. Ở ANZ, số dư tối thiểu ban đầu khi mở tài khoản 500.000đ hoặc 300 USD, phí đóng tài khoản sớm (trong vòng 12 tháng kể từ khi mở) là 100.000đ hoặc 35 USD. Ở ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với tài khoản E$aver, ngoại trừ giao dịch nộp tiền mặt, những giao dịch tại ngân hàng phải chịu phụ thu 32.000đ/giao dịch. Tuy thu phí có thể cao, dịch vụ các ngân hàng nước ngoài trội hơn nhờ đội ngũ nhân viên với kỹ năng chuyên nghiệp. Ngoài ra, lợi thế về công nghệ và quản trị đã giúp các ngân hàng nước ngoài bán lẻ tại Việt Nam đưa ra các dịch vụ mang tính cạnh tranh hơn. Mới khai trương ở Việt Nam, Citibank đưa ra dịch vụ Citi gold với phí 10 USD một lần chuyển tiền từ nước ngoài về. Theo tính toán, tám tỉ USD kiều hối về Việt Nam trong năm 2008 có mức phí khoảng 3 – 4%. Hay HSBC bắt tay với bưu điện để khách hàng cá nhân có thể thực hiện các dịch vụ ngân hàng tại 1.600 bưu cục trên cả nước.

Việc hiện chỉ có các ngân hàng nước ngoài và một vài ngân hàng trong nước có thể cung ứng các sản phẩm hoàn chỉnh có giá trị gia tăng như thanh toán điện tử, giao dịch ngân hàng trực tuyến, qua SMS… Và những dịch vụ vẫn bị khách hàng than phiền, thắc mắc khá nhiều, khiến nhiều ngân hàng trong nước hiểu rằng, đó là điểm hướng đến trước mắt trong lộ trình bắt buộc nhằm phục vụ khách hàng cá nhân tốt nhất trong cuộc đua ngày càng gay cấn này.

Hồng Sương

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 410.616 tỷ đồng (16/10/2009)

>   Tiện ích khi trả lương qua tài khoản (16/10/2009)

>   Vai trò của việc duy trì niềm tin đối với các ngân hàng (16/10/2009)

>   PGBank đồng loạt áp dụng lãi suất huy động mới (16/10/2009)

>   Chủ tịch VietinBank được bầu Chủ tịch Ngân hàng ASEAN (15/10/2009)

>   'Nóng' cuộc đua dịch vụ thẻ thanh toán (15/10/2009)

>   Lãi suất vay nóng tăng (14/10/2009)

>   Hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua gạo tạm trữ (14/10/2009)

>   Công ty tài chính lấn sân ngân hàng: Mừng hay lo? (14/10/2009)

>   Ngân hàng ngoại tập trung bán buôn nhưng hướng tới bán lẻ (14/10/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật