Giảm sốc gói kích cầu
Tháng 10 này, gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã có những khoản vay đầu tiên đáo nợ. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất kích cầu trung dài hạn được Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thêm 1 năm. Những chính sách này sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của các ngân hàng, bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) trao đổi với chúng tôi.
Tháng 10 là thời điểm đáo hạn những khoản vay đầu tiên của gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn (nếu DN vay 8 tháng), bà nhận xét như thế nào về khả năng trả nợ của DN?
Gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã có số dư lên tới hơn 400.000 tỷ đồng vào thời điểm 30/9/2009. Theo nhận định của MB, các DN đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, đặc biệt là các DN xuất khẩu, do nền kinh tế thế giới thoát khỏi độ rơi của suy thoái, vì vậy nhiều khả năng các DN sẽ trả nợ đúng hạn. Riêng đối với các khoản vay từ MB, ngay từ khâu xét duyệt cho vay, ngoài kiểm tra đúng đối tượng theo quy định của Chính phủ, MB còn xét đến tính hiệu quả của phương án và khả năng trả nợ của khách hàng. Sau khi giải ngân, MB đều thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đầy đủ theo quy định, định kỳ 3 - 6 tháng một lần.
Việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất trung dài hạn rất chậm, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Như đã nêu ở trên, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất trước tiên phải thỏa mãn các điều kiện cho vay thông thường. Do đặc trưng của các dự án trung dài hạn là mức độ rủi ro cao hơn, nên việc xét duyệt cho vay của ngân hàng có phần chặt chẽ hơn. Mặt khác, việc huy động vốn trung dài hạn đáp ứng nhu cầu vay các kỳ hạn này của ngân hàng gặp khó khăn hơn so với huy động vốn ngắn hạn, thêm vào đó theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các NHTM chỉ được sử dụng tối đa 30% vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, điều này cũng hạn chế khả năng giải ngân trung dài hạn của các NHTM. Căn cứ vào các điều kiện do NHNN quy định, chúng tôi sẽ lựa chọn các phương án đầu tư trung dài hạn có hiệu quả nhất, phù hợp với định hướng kinh doanh để thực hiện cho vay. Bên cạnh đó, MB cũng sẽ có các biện pháp tăng cường huy động vốn (đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn), để tạo điều kiện cho vay trung dài hạn.
Đến thời điểm này, nhiều ngân hàng đã về đích kế hoạch lợi nhuận năm. Theo bà, những khoản lợi nhuận này có tác động ra sao từ chính sách kích cầu hỗ trợ lãi suất?
Lợi nhuận của ngân hàng không được hưởng trực tiếp từ gói hỗ trợ lãi suất nhiều, hệ thống ngân hàng phải huy động khá lớn nhân lực và thời gian, thậm chí tăng chi phí để thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, gói hỗ trợ lãi suất này đã hoàn thành sứ mạng “giải cứu” nhiều DN khó khăn về vốn trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước cực kỳ khó khăn, vì vậy các DN đã có thể tiếp tục kế hoạch sản xuất - kinh doanh, thực hiện trả nợ ngân hàng (nhiều khoản nợ xấu đã được trả trong thời kỳ này).
Qua 9 tháng hoạt động, tổng tài sản của MB đã tăng trên 51.000 tỷ đồng, tăng trên 24% so với cuối năm 2008, dư nợ tín dụng đạt khoảng 23.000 tỷ đồng, huy động đạt khoảng 38.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm... Lợi nhuận của MB trong 9 tháng đầu năm 2009 vượt chỉ tiêu kế hoạch, cụ thể trong cơ cấu lợi nhuận của MB, nguồn thu từ tín dụng chiếm khoảng 60%, tuy nhiên nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng đã tăng lên đáng kể, thu từ dịch vụ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu.
Trong quý IV/2009 và năm 2010, bà nhận xét ra sao về khả năng hoạt động của ngành ngân hàng khi gói hỗ trợ lãi suất kết thúc?
Quý IV/2009, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn khó khăn nhưng giai đoạn cam go nhất đối với ngành ngân hàng đã qua. Khó khăn của các NHTM hiện nay vẫn là vấn đề đảm bảo thanh khoản, do tình hình huy động vốn có nhiều khó khăn, các thị trường khác hấp dẫn hơn như TTCK, BĐS đã thu hút lượng tiền không nhỏ từ dân cư và các tổ chức. Từ khó khăn này dẫn đến vấn đề hiệu quả hoạt động của ngân hàng do biên độ lợi nhuận của lãi suất ngân hàng bị thu hẹp, tuy nhiên khả năng hầu hết NHTM sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2009 do mục tiêu đặt ra năm nay không cao. Vấn đề nữa được dự đoán là khi gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc thì có thể nhiều DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn, vì vậy nợ quá hạn một số ngân hàng cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, do chính sách cân đối giữa lạm phát và tăng trưởng hiện nay của Chính phủ thì mặt bằng lãi suất cơ bản có thể vẫn duy trì mức 7% cho đến cuối năm nay, mức lãi suất của các NHTM cho vay ra ở mức tối đa 10,5%/năm như hiện nay, theo tôi vẫn là mức chi phí vốn hợp lý khi nền kinh tế bắt đầu duy trì tốc độ tăng trưởng (chi phí này rẻ một nửa so với cùng kỳ 2008), vì vậy việc tăng trưởng tín dụng vẫn có nhiều thuận lợi.
Anh Việt
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|