Thứ Sáu, 04/09/2009 08:28

Trước thềm Hội nghị G-20: Nổi cộm vấn đề tiền thưởng

Nhiều quốc gia trụ cột của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Đức, Anh đang đưa ra các biện pháp mạnh nhằm thay đổi hệ thống trả thưởng cho các nhân viên ngân hàng.

Đây cũng sẽ là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và đang nổi (G-20) tại Luân Đôn (Anh) trong ngày hôm nay (4-9) - sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra ở Pít-xbớc (Mỹ) cuối tháng này.

Thực tế, các cuộc tranh cãi về các khoản thưởng ngân hàng đã bùng phát từ đầu năm nay, ngay sau khi Tập đoàn Bảo hiểm AIG của Mỹ, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính và buộc phải xin trợ cấp từ chính phủ, nhưng vẫn dành hàng trăm triệu USD để chi thưởng cho các nhân viên. Trong khi các quốc gia còn lúng túng chưa tìm ra được tiếng nói chung cho vấn đề này và thế giới vẫn còn oằn lưng chống đỡ với những hậu quả do cơn bão tài chính gây ra thì, mới đây, ngân hàng số một của nước Pháp là BNP - Paribas lại khiến dư luận nổi cơn thịnh nộ với dự kiến tháo hầu bao tới 1 tỷ ơ-rô để phát thưởng. Nhiều người dân cho rằng, thật bất công khi những đồng tiền đóng thuế của họ hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khó khăn lại cho dùng phóng tay.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều quốc gia không ngừng tăng và ngân sách của chính phủ đang lâm vào tình trạng thâm hụt nặng nề. Ngoài ra, việc "vung tay quá trán" sẽ gây khó khăn cho chính nguồn vốn của các ngân hàng này nếu xảy ra những diễn biến bất thường. Đây là lý do Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di và Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken quyết tâm thành lập "mặt trận chung" chống tiền thưởng bất hợp lý tại Hội nghị G-20 tới. Ông chủ Điện Ê-li-dê và người đứng đầu Chính phủ Đức cho rằng, hệ thống giám sát tiền thưởng sẽ chỉ hoạt động hiệu quả nếu được thực thi rộng rãi ở phạm vi quốc tế. Nếu không chung sức, cuộc chảy máu chất xám ngành ngân hàng tới những nơi lương thưởng cao hơn là không thể tránh khỏi. Đây được coi là những thay đổi cần thiết để những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế không còn tái diễn.

Những số liệu thống kê thời gian gần đây cho thấy, giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất của kinh tế toàn cầu từ những năm 30 của thế kỷ trước tới nay có thể đã kết thúc. Từ chỗ GDP của hầu hết các quốc gia đều giảm mạnh trong quý I, và đã được cải thiện đáng kể trong quý II, sản xuất công nghiệp và bán lẻ nhiều quốc gia đã tăng trưởng trở lại. Tăng trưởng lạc quan ngoài dự kiến không chỉ xuất hiện tại những nền kinh tế mới nổi ở châu Á mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới như Pháp, Đức và Nhật. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng tình hình còn đang rất khó khăn. Vì không giống như lần suy thoái trước, lần suy thoái này là kết quả của khủng hoảng xuất phát từ hệ thống cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng Mỹ. Những con nợ sau khủng hoảng cần phải cải thiện tình hình tài chính của họ và các hệ thống tài chính cũng cần có thời gian để phục hồi, do đó, tăng trưởng có thể diễn ra yếu ớt trong vài năm.

Hiện tại, thương mại thế giới vẫn trong tình trạng sụt giảm mạnh. Các quốc gia phải hướng đến tiêu dùng trong nước bằng các chính sách kích cầu nội địa. Để làm được việc này, nhiều chính phủ đã liên tục mở rộng chính sách tài khóa bằng cách sử dụng nhiều gói kích thích kinh tế nhằm đạt dấu hiệu rõ ràng hơn phản ánh sự phục hồi. Đây là nguyên nhân dẫn đến thâm hụt ngân sách của hầu hết các nước tăng cao, đe dọa đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh như hiện nay, việc kiểm soát chặt hoạt động của các ngân hàng trong đó có cả kế hoạch chi thưởng sẽ giúp ổn định hệ thống tài chính thế giới, tránh lâm vào tình trạng tái khủng hoảng. Chính vì thế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Ti-mô-thi Ghết-nơ cũng phải thừa nhận, việc hạn chế lương thưởng bộ phận điều hành là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20. Mỹ cũng đã đưa ra chương trình cải cách tổng thể để giúp các cổ đông có thêm quyền kiểm soát về chính sách và giúp các nhà quản lý có thêm động lực để hành động vì quyền lợi dài hạn của các ngân hàng.

Quỳnh Chi

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Bất ngờ doanh số bán lẻ, Wall Street leo cao cuối phiên (04/09/2009)

>   Trung Quốc sản xuất vắc-xin ngừa cúm A/H1N1 (03/09/2009)

>   Doanh số bán xe ôtô tăng tại Nhật Bản và Hàn Quốc (03/09/2009)

>   Trung Quốc và sự dịch chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu (03/09/2009)

>   Kích cầu ở Trung Quốc: Gánh nặng của thành công (03/09/2009)

>   SEC vấp phải thiếu sót trong cuộc điều tra Madoff (03/09/2009)

>   Đón nhận loạt tin vui, Shanghai phục hồi gần 5% (03/09/2009)

>   Australia: Thâm hụt thương mại Tháng 7 tăng mạnh (03/09/2009)

>   FED ngày càng tin tưởng suy thoái đang kết thúc (03/09/2009)

>   Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD trái phiếu của IMF (03/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật