FED ngày càng tin tưởng suy thoái đang kết thúc
(Vietstock) – Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi trở lại, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cảm thấy hài lòng với quyết định giảm tốc một trong các chương trình phục hưng kinh tế và không thay đổi bất kỳ chính sách nào trong thời điểm hiện tại, tài liệu công bố hôm Thứ Tư cho thấy.
Theo đó, trong biên bản cuộc họp của FED diễn ra trong hai ngày 11 và 12/8, chủ tịch FED Ben Bernanke và các quan chức đã bày tỏ niềm lạc quan hơn vào triển vọng của nền kinh tế so với đánh giá được thực hiện hồi cuối Tháng 6. Tài liệu cũng trích dẫn nhận định của các quan chức FED rằng nguy cơ đình trệ của nền kinh tế đã sụt giảm.
Theo dự báo của các quan chức FED, đà phục hồi sẽ tăng tốc vào năm 2010. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hàng loạt các vấn đề và mối quan ngại sâu sắc sức mạnh phục hồi của nền kinh tế khi xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa được định hình.
FED cho biết, sau khi bị tác động nặng nề bởi suy thoái kinh tế, chi tiêu tiêu dùng cuối cùng cũng đã lấy được sự thăng bằng, thị trường nhà ở và hoạt động sản xuất đang ổn định. Thêm vào đó, triển vọng khả quan của các nền kinh tế khác cũng đang hỗ trợ tích cực cho doanh thu xuất khẩu tại Mỹ.
Tất cả những dấu hiệu trên đều góp phần củng cố niềm tin của các quan chức FED rằng "cuộc suy thoái trong hoạt động kinh tế đã kết thúc.". Họ cũng nhấn mạnh đến dự báo nền kinh tế sẽ bắt đầu tăng trưởng trở lại vào nửa cuối năm nay. Trong đó, đà tăng trưởng được hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua việc cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu chính phủ.
Ngoài ra, tại cuộc họp Tháng 8 vừa qua, FED đã thông báo về việc giảm dần tốc độ của các chương trình kích thích kinh tế nhằm mua lại các chứng khoán kho bạc trị giá 300 tỷ USD, dự kiến kết thúc vào cuối Tháng 10, muộn hơn một tháng so với kế hoạch. Theo đó, chương trình này tập trung vào việc hạ lãi suất đối với các khoản thế chấp và nợ tiêu dùng khác cũng như thúc đẩy người Mỹ mở rộng hầu bao.
Liên quan đến các chiến lược điều hành, FED chưa công bố bất kỳ thay đổi nào nhằm giảm lãi suất vay nợ cầm cố. Điều này cho thấy FED đang đi đúng hướng trong việc mua chứng khoán trị giá 1.25 nghìn tỷ USD do Tập đoàn Tài chính Thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac phát hành vào cuối năm nay.
Biên bản cũng nhận định, tình trạng ảm đạm trên thị trường việc làm đã quét sạch thành quả từ thị trường nhà đất và giá trị cổ phiếu cũng như các khoản lương bổng và tiền vay vốn được dự đoán là khó có thể gia tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cho thấy người tiêu dùng vẫn đang đối mặt với một số thách thức đáng kể.
Được biết, tình hình chi tiêu của người tiêu dùng là nhân tố rất quan trọng trong quá trình phục hồi vì hoạt động này chiếm khoảng 70% trong tất cả các hoạt động kinh tế.
Biên bản nêu: "Trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu và thu nhập lao động còn ảm đạm, FED dự đoán chi tiêu tiêu dùng sẽ không vượt quá tốc độ tăng trưởng trung bình.”
Tình trạng thất nghiệp hiện tại ớ mức 9.4% và dự kiến sẽ lên đến 10% trong năm nay. Đây là gánh nặng lớn nhất đối với người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, người tiêu dùng sẽ trở nên tiết kiệm hơn trong bối cảnh kinh tế suy yếu.
Nhằm khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, cuối tháng trước, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0%. Ngoài ra, FED cũng cam kết giữ lãi suất cho vay ngân hàng từ 0-0.25% trong một “giai đoạn kéo dài”. Theo các nhà kinh tế, “giai đoạn kéo dài” này có nghĩa là trong suốt thời gian còn lại của năm nay và có thể còn dài hơn nữa.
Paul Dales, chuyên gia kinh tế của Capital Economics Ltd nhận xét: “Chúng tôi nghi ngờ rằng FED có thể sẽ không tăng lãi suất cho đến năm 2011”.
Do đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại sẽ ở vào khoảng 3.25% và là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
FED cũng cảnh báo rằng lạm phát sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, các quan chức FED thừa nhận giới đầu tư trên thị trường tài chính phố Wall bày tỏ lo lắng trước các động thái đầy tranh cãi của ngân hàng trung ương và khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ của chính phủ liên bang sẽ kích lạm phát tăng cao trong thời gian tới.
Nhằm tìm lời giải cho các quan ngại trên, FED cho rằng cần phải có quyết tâm và các công cụ cần thiết để kiểm soát hàng nghìn tỷ USD đã được bơm vào hệ thống tài chính để phục hồi nền kinh tế.
Bội Mẫn (Theo CNBC)
|