Kích cầu ở Trung Quốc: Gánh nặng của thành công
Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Trung Quốc đã bật dậy mạnh mẽ từ cuộc suy thoái toàn cầu. Số liệu chính thức cho thấy tăng trưởng GDP quí 2-2009 tăng 7,9% so với năm trước; trong tháng 6, sản lượng điện tăng 5,2%, đảo ngược đà suy giảm của tám tháng trước đó; sản lượng công nghiệp, đầu tư vào tài sản cố định đều tăng và xuất khẩu cũng có dấu hiệu phục hồi dù vẫn còn thấp hơn năm ngoái 25%.
Đã gần như chắc chắn rằng, GDP của Trung Quốc năm nay sẽ tăng hơn 8%. Nhưng có nhiều vấn đề đang lơ lửng. Trên báo Financial Times, ông Yu Yongding, thành viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và nguyên Ủy viên Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, đã phân tích những bất cập sâu sắc đằng sau thành công rực rỡ của chính sách kích cầu của Trung Quốc.
Mặt trái của kích cầu
Ông Yu công nhận Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng rất nhanh, kịp thời đưa ra gói kích thích kinh tế lên tới 4.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương 14% GDP. Kèm theo đó là chính sách nới lỏng tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, dẫn tới lượng tiền cho vay mới trong nửa đầu năm đã lên tới 7.370 tỉ nhân dân tệ, gấp rưỡi mức dự báo cho cả năm nay và gấp năm lần mức cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng khó khăn của Trung Quốc không giống với phương Tây; hệ thống ngân hàng Trung Quốc không bị rơi vào tình trạng cạn kiệt tín dụng dẫn tới sản xuất trì trệ và tiêu dùng co lại như các nước khác. Vì thế bơm tiền vào thị trường chưa chắc đã là giải pháp tốt cho trường hợp Trung Quốc.
Khi Chính phủ Trung Quốc kích cầu và nới lỏng tín dụng, thị trường tài chính lập tức tràn ngập tiền mặt, đầu tư tăng vọt; trong nửa đầu năm nay đầu tư vào tài sản cố định tăng 36%, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội trong GDP vượt quá 50%.
Các nhà kinh tế của Ngân hàng BNP Paribas tính ra rằng dư nợ tín dụng mới tương đương 45% tổng sản lượng nửa đầu năm nay của Trung Quốc và họ chưa từng biết tới nền kinh tế nào khác có tăng trưởng tín dụng ở quy mô lớn như vậy từ trước tới nay.
Tín dụng do các ngân hàng quốc doanh đưa ra theo chỉ thị của chính phủ trung ương làm dấy lên mối lo ngại rằng tiền đã đến tay nhiều người không có khả năng hoàn trả. Và quan trọng hơn là làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất mà lẽ ra cần được điều chỉnh giảm giữa lúc xuất khẩu đang co lại mà nhu cầu của thị trường nội địa vẫn hết sức yếu ớt. Đáng chú ý là khi thị trường thừa mứa tiền bạc nhưng hàng hóa cũng thừa mứa không kém nên Trung Quốc không bị sức ép lạm phát.
Nhiều người vay được tiền nhưng không tìm được kênh đầu tư sản xuất sinh lợi đã chuyển sang đầu cơ chứng khoán và địa ốc. Ngân hàng RBS tính ra khoảng 20% số tiền vay nửa đầu năm nay được đổ vào chứng khoán, khoảng 30% nữa đổ vào bất động sản và các tài sản khác, làm bùng lên bong bóng tài sản. “Đa số những người vay được tiền đã đầu tư vào chứng khoán và bất động sản, rất ít tiền đi vào nền kinh tế thực”, một quản trị viên cao cấp của một ngân hàng đầu tư ở Trung Quốc tiết lộ.
Trong khoản tiền đổ vào nền kinh tế thực, phần lớn rơi vào tay các tập đoàn quốc doanh và các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ tài trợ - chủ yếu là vào các “nắm đấm thép”, tức là đường sắt, đường bộ và sân bay. Những dự án xây dựng khổng lồ đã làm tăng nhu cầu sắt thép, xi măng và các vật liệu khác nhưng loại hình đầu tư nhà nước tiêu tốn nhiều vốn liếng này lại tạo ra rất ít công ăn việc làm. Tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí là một mối lo khác.
Theo ông Yu, do đầu tư vội vã và thiếu sự giám sát, các dự án hạ tầng cơ sở không có khả năng hoàn trả vốn vay mà sẽ để lại những khoản nợ “khó đòi” trong sổ sách của ngân hàng. Charlene Chu, chuyên viên tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, nhận xét: “Mối quan tâm chính của chúng tôi là một khối lượng tín dụng khổng lồ được rót rất nhanh cho khối doanh nghiệp vào lúc tính sinh lợi của doanh nghiệp đang suy giảm. Điều đó có nghĩa là đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng về chất lượng tài sản”.
Ở ngành đường sắt chẳng hạn, Trung Quốc có kế hoạch trong ba năm tới sẽ xây 20.000 ki lô mét đường, thêm vào con số 80.000 ki lô mét hiện hữu, đưa mạng lưới đường sắt Trung Quốc vượt qua Ấn Độ, xếp thứ hai thế giới về độ dài, chỉ sau Mỹ. Vốn đầu tư cho kế hoạch này là 2.000 tỉ nhân dân tệ.
Ở ngành đường bộ, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 111 tuyến đường cao tốc có tổng độ dài 12.000 ki lô mét, vốn đầu tư 700 tỉ nhân dân tệ. Vào cuối năm ngoái, mạng lưới đường cao tốc của Trung Quốc có 60.000 ki lô mét, gần bằng Mỹ với 75.000 ki lô mét. Nhưng nếu tính cả kế hoạch của các địa phương, trong vài năm tới, mạng lưới đường cao tốc của Trung Quốc sẽ là 180.000 ki lô mét, gấp đôi Mỹ, dù Trung Quốc chỉ có 38 triệu xe hơi các loại, một phần nhỏ so với 238 triệu xe hơi của Mỹ.
“Tái quốc hữu hóa?”
Trong lúc các tập đoàn quốc doanh ngập chìm trong tiền vay từ các ngân hàng quốc doanh thì các nhà kinh tế lo rằng khu vực tư nhân năng động đang phải tự lực xoay xở.
Giáo sư Wang Yiyiang, khoa kinh tế và quản trị nhân lực, trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong của Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm đối phó với khủng hoảng chỉ làm lợi cho các tập đoàn lớn, các dự án lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp 75% số công việc làm cho lao động đô thị Trung Quốc đang bắt đầu co lại lần đầu tiên trong 30 năm cải tổ kinh tế”.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ rằng họ đang thực hiện chính sách “tái quốc hữu hóa” một bộ phận nền kinh tế và các nhà kinh tế cũng đồng ý rằng không có một chính sách chính thức nào cổ xúy việc thu hẹp kinh tế tư nhân nhưng có một hiện tượng đáng chú ý là biện pháp chống khủng hoảng tài chính của Trung Quốc đã giúp cho các tập đoàn quốc doanh hùng mạnh thâu tóm các đối thủ cạnh tranh ở khu vực tư nhân; đảo ngược quá trình tư nhân hóa mà Trung Quốc thực thi trong 30 năm cải tổ kinh tế vừa qua.
Các tập đoàn này, thường là quốc doanh, từ lâu đã giữ vị trí độc quyền trong một số ngành kinh tế then chốt, nay được dịp tung hoành nhờ nguồn tiền vốn giá rẻ của nhà nước.
Giới quan sát ghi nhận gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ mua bán, sáp nhập công ty trong nội bộ nền kinh tế Trung Quốc, từ ngành hàng không đến sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, mà điển hình là thứ Ba tuần trước chính quyền tỉnh Sơn Đông nhân danh việc sắp xếp lại ngành sắt thép theo quy hoạch đã hỗ trợ để Công ty Thép Sơn Đông - một doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ - được thâu tóm đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Công ty Thép Rizhao, một doanh nghiệp tư nhân làm ăn hiệu quả hơn.
Hàng ngàn trạm xăng tư nhân đang nhanh chóng rơi vào tay các công ty nhà nước như PetroChina; ở các đô thị lớn các công ty địa ốc tư nhân cũng lần lượt bị thâu tóm bởi các tập đoàn quốc doanh có tiềm lực tài chính hùng hậu và quan hệ tốt với chính quyền địa phương.
Đã có 23 triệu công nhân di cư bị mất việc, phải quay về nông thôn. Có 6,1 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học đang chật vật tìm công việc làm. Bộ Giáo dục nước này khẳng định 68% sinh viên ra trường đã có việc làm nhưng các báo cáo độc lập cho biết con số này không quá 50%. Vẫn còn 1,5 triệu sinh viên tốt nghiệp năm ngoái vẫn chưa có việc làm.
Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường lao động là cơ sở nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Tại một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh mới đây, Peng Chuan, 24 tuổi, tốt nghiệp cử nhân Anh văn năm 2008, đăng ký làm chân chạy bàn ở nhà hàng, cho biết, anh đã xin được việc làm ở Bộ Đường sắt nhưng phải lót tay 100.000 nhân dân tệ, mà “gia đình tôi không thể chạy được số tiền đó”, anh nói.
Trong khi các số liệu chính thức cho thấy có sự tăng trưởng đều đặn về thu nhập và tiêu dùng, nhiều nhà kinh tế cho rằng những số liệu này không đáng tin cậy vì chúng chỉ dựa trên tiền lương ở khu vực kinh tế nhà nước và mua sắm của chính phủ. Thu nhập và tiêu dùng của khu vực tư nhân nếu có tăng trưởng thì cũng rất yếu ớt, khiến cho nhu cầu tiêu dùng nội địa Trung Quốc khó mà bù đắp nổi sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu.
Thách thức ở phía trước
Nỗi lo chung của các nhà kinh tế là một khi tác động của gói kích thích Kinh tế phai nhạt và Bắc Kinh siết chặt trở lại hoạt động cho vay của ngành ngân hàng thì những sự mất cân đối của nền kinh tế Trung Quốc lại trỗi dậy và có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới. Giáo sư Wang của trường Cao học Kinh doanh Cheung Kong, nhận xét: “Hãy còn quá sớm để nói rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ diễn ra theo đồ thị chữ V. Nhiều người thực sự tin rằng nền kinh tế sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái lớn và tiến trình phục hồi sẽ diễn ra theo hình chữ W”.
Những diễn tiến của thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như xác nhận nhận định đó. Từ khi Chính phủ Trung Quốc ban hành gói kích cầu tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng liên tục cho đến cuối tháng 7 vừa qua.
Nhưng sang tháng 8, khi Chính phủ Trung Quốc bắt đầu tỏ dấu hiệu kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay của ngân hàng và các doanh nghiệp Trung Quốc công bố kết quả kinh doanh không có gì đáng phấn khởi trong nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán bắt đầu rơi xuống trở lại. Các chỉ số Shanghai Composite Index của thị trường Thượng Hải và chỉ số CSI 300 của toàn Trung Quốc đều đã giảm hơn 20% chỉ trong tháng 8. Thứ Hai (31-8) vừa qua, phiên giao dịch cuối tháng đã khép lại với chỉ số SCI giảm 6%, chỉ số CSI 300 giảm 6,4%, đều là mức giảm trầm trọng nhất thế giới…
Huỳnh Hoa (Theo Financial Times)
TBKTSG Online
|