Tọa đàm về phát triển thị trường tiền tệ Việt Nam
Ngày 11/9/2009, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức buổi tọa đàm về phát triển thị trường tiền tệ (TTTT)Việt Nam. Tham dự tọa đàm có đại diện Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cùng nhóm chuyên gia của ADB: ông Alan Taylor - Chuyên gia về thị trường tiền tệ, ông Jim Turnbull – Chuyên gia về thị trường trái phiếu, ông Nathan Hanspord – Chuyên gia về dự báo vốn khả dụng (ADB) và đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD).
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Cát Quang Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết: Trong khuôn khổ “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật phát triển thị trường vốn và tăng cường năng lực khu vực tài chính” do ADB tài trợ nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết chính sách, ADB phối hợp với NHNN tổ chức buổi tọa đàm này nhằm hỗ trợ NHNN phát triển TTTT theo tinh thần Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Buổi toạ đàm này sẽ giúp NHNN có cái nhìn đầy đủ hơn về bức tranh toàn cảnh của TTTT Việt Nam, qua đó đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển TTTT phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đại điện ADB, ông Alan Taylor khẳng định: ADB đánh giá cao những nỗ lực của NHNN Việt Nam trong việc hoạch định TTTT Việt Nam. Mục tiêu của buổi tọa đàm hôm nay là xác định các cải cách cần thiết để hoàn thiện nghiệp vụ thị trường mở; xác định lãi suất, thống kê và cho vay liên ngân hàng. Trên cơ sở đó, ADB mong muốn đạt được thoả thuận về cách thức phát triển thị trường TTTT ở Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, ông Alan Taylor đã trình bày chuyên đề “Quản lý lãi suất”. Trước hết, ông đã phân tích về khái niệm thị trường tiền tệ, TTTT hỗ trợ sự phát triển của các thị trường khác, mức tăng trưởng của thị trường trái phiếu Việt Nam. Theo ông Alan Taylor, TTTT quan trọng vì đây là kênh truyền tải chính sách tiền tệ chính; cung cấp các thông tin cần thiết cho NHTW; hỗ trợ các thị trường tài chính hữu quan như Repo và các công cụ phái sinh; tính thanh khoản và sự ổn định giá cả của TTTT hỗ trợ việc tạo lập thị trường và tính thanh khoản của thị trường chứng khoán; nhiều nền kinh tế đang phát triển có chung đặc điểm là thiếu thanh khoản. Các nguyên tắc quản lý lãi suất cơ bản gồm NHTW có thể can thiệp ngắn hạn thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO), lãi suất dài hạn phản ánh kỳ vọng của thị trường về lãi suất và lạm phát tương lai. Ông cũng đi sâu phân tích đường cong lãi suất – thông thường và đảo chiều, các lãi suất chính sách của NHNN.
Trong chuyên đề “Nghiệp vụ thị trường mở”, các chuyên gia của ADB giới thiệu về OMO tại Việt Nam; mục tiêu chính sách; Repo dài hạn, các quyền chọn chính sách về quản lý lãi suất; quyền chọn chính sách khả thi: hệ thống hành lang lãi suất, nghiệp vụ hành lang lãi suất, độ dài của biên độ lãi suất... Chuyên gia đưa ra một số khuyến nghị như về việc mở rộng OMOs, NHNN có thể cân nhắc mở rộng khuôn khổ và quy mô hoạt động như nhu cầu có nhiều loại kỳ hạn hơn (qua đêm, 1 tuần, 1 tháng và 3 tháng)… Về quản lý lãi suất, bỏ mức trần 150% đối với hoạt động cho vay liên ngân hàng; NHNN nên tăng cường nghiệp vụ thị trường mở để điều chỉnh lãi suất ngắn hạn; NHNN nên rà soát lại các phương diện hoạt động của các thể thức OMO và áp dụng một hệ thống hành lang lãi suất để quản lý lãi suất ngắn hạn.
Với chuyên đề “Phát hành trái phiếu kho bạc ngắn hạn và trung hạn”, nhiều nội dung được các chuyên gia ADB phân tích như quá trình phát hành trái phiếu kho bạc ngắn hạn ở Việt Nam, các thành viên tham gia mua bán trái phiếu kho bạc ngắn hạn, cơ chế đấu thầu và việc phát hành trái phiếu kho bạc ngắn hạn ở Singapore… ADB cũng khuyến nghị Việt Nam nên xem xét lại cơ chế đấu thầu. Vì một chu trình rút ngắn thời gian từ lúc kết thúc nhận hồ sơ đấu thầu đến khi công bố kết quả sẽ giảm bớt rủi ro. Rủi ro đối với các thành viên tham gia thị trường: khó xác định kết quả đấu thầu và biến động giá cả. Theo thông lệ tốt nhất của thế giới hiện nay là sẽ công bố kết quả trong vòng 1 giờ sau khi đóng sổ nhận hồ sơ đấu thầu.
Một số nội dung quan trọng khác cũng được các chuyên gia tư vấn của ADB đưa ra tại buổi tọa đàm như xác định lãi suất/đường cong lãi suất trên thị trường Việt Nam, khảo sát và phát triển TTTT.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã đặt ra nhiều câu hỏi và được chuyên gia của ADB chia sẻ kinh nghiệm về phát triển TTTT. Đây thực sự là những kiến thức bổ ích cho các cán bộ của NHNN học hỏi cũng như áp dụng để Đề án và mô hình phát triển TTTT Việt Nam được triển khai thành công.
Ninh Hằng
SBV
|