Thứ Sáu, 11/09/2009 06:53

Gói hỗ trợ lãi suất: Kết thúc thế nào cho... êm ?

Lượng cho vay có hỗ trợ lãi suất đã gần đạt mục tiêu 420.000 tỷ đồng, Chính phủ đã thông báo khả năng hình thành một "bước đệm" để giảm dần hỗ trợ, tránh "sốc" đối với DN khi gói hỗ trợ kết thúc. Vậy DN có mong, và chờ gì từ khả năng có "bước đệm" này ?

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên tới trên 9%, nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức 8,5 - 10,5%/năm, nên lợi nhuận bình quân trên vốn đã giảm rất mạnh

Rối rắm số liệu

Số liệu về tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất hiện nay chưa thống nhất. Có nguồn tin khẳng định dư nợ này đến cuối tháng 7/2009 là 403.448 tỷ VND. Nguồn tin khác khẳng định đến 31/8/2009, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 413.943 tỷ VND. Và cũng có số liệu công bố chính thức, là đến 3/9/2009, tổng dư nợ của chương trình hỗ trợ lãi suất là... 399.739,32 tỷ VND ?

Trong khi các số liệu chưa thống nhất, thì phần lớn ý kiến chuyên gia và nhà quản lý đều... thống nhất cho rằng, gói kích cầu thông qua hỗ trợ lãi suất đã có tác dụng tốt với DN và qua đó tác động tích cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, điểm các chuyên gia không thống nhất là ở nội dung đánh giá về "số phận" giải pháp kích cầu qua hỗ trợ lãi suất. Thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7/2009, không ít ý kiến đề nghị nên dừng hỗ trợ lãi suất vì lo ngại sự phụ thuộc thái quá của DN vào ứng cứu của Nhà nước. Cũng như lo ngại về một làn sóng lạm phát mới, khi lượng tiền được "bơm" ra quá nhiều từ chương trình kích cầu.

Nhưng tới cuối tháng 8/2009, lại có thêm nhiều ý kiến từ DN, được nhiều chuyên gia, nhà quản lý tán thành, là... nên có một gói hỗ trợ mới, mang tính chất "bước đệm", để giảm dần hỗ trợ và từ đó tránh sốc cho DN khi kết thúc gói hỗ trợ đầu tiên. Ý kiến ấy được Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia ủng hộ và đề nghị với Chính phủ. Đáp lại, Chính phủ thông báo đã xem xét và giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước nghiên cứu, phân tích tính cần thiết và hợp lý của gói kích cầu mới. Tức là, thông điệp của Chính phủ "ngả" theo hướng sẽ tiếp tục có những biện pháp mới được ban hành, công bố với mục đích hỗ trợ và kích thích sự phát triển của DN.

Tác động, kết quả của những thông tin này là duy trì được sự háo hức, yên tâm của phần lớn DN, cũng như ngân hàng, vào khả năng tiếp tục được hỗ trợ từ Nhà nước. Điều quan trọng nhất hiện nay là việc thống nhất về số liệu thực hiện cũng như sự cần thiết phải quyết định nên tiếp tục duy trì hay kết thúc gói hỗ trợ.

Tin tưởng hay toan tính?

Thời hạn kết thúc gói hỗ trợ lãi suất đang đến gần. Sau khi "bơm" ra lượng tiền rất lớn dưới dạng cho vay hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại được khuyến cáo giảm dần cho vay loại hình này. Nhưng thực ra, chưa cần NHNN khuyến cáo, thì không ít ngân hàng thương mại đã... tự giác giảm cho vay với các đề nghị được vay hỗ trợ lãi suất. Lý do là vì nguồn vốn ngân hàng cho vay có hạn, nhưng nhu cầu vay thì lớn quá. Và vì dù nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên tới trên 9%, nhưng lãi suất cho vay vẫn giữ ở mức 8,5 - 10,5%/năm, nên lợi nhuận bình quân trên vốn của nhiều ngân hàng giảm rất mạnh. Trong khi đó, khoản tiền hoàn lại từ NHNN đối với các khoản hỗ trợ lãi suất lại chưa "đến" được với nhiều ngân hàng.

Vậy là, mặc nhiên không ít ngân hàng đã lâm vào cảnh vừa thiếu nguồn cung, vừa bị giảm và chiếm dụng lợi nhuận. Trong khi đó thì nhu cầu vay thương mại, vay có hỗ trợ lãi suất cả với gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và gói hỗ trợ lãi suất trung hạn lại vẫn rất lớn. Thế nên chuyện ngân hàng không mặn mà với đề nghị cho vay hỗ trợ lãi suất sẽ phải xảy ra. Đương nhiên, biện pháp thực hiện của mỗi ngân hàng sẽ khác nhau. Có ngân hàng đưa ngay điều khoản không hỗ trợ lãi suất vào hợp đồng tín dụng, có nơi chỉ yêu cầu bằng... miệng. Và cũng không thiếu ngân hàng yêu cầu khách hàng ký văn bản, cam kết... không nhận hỗ trợ lãi suất ! Nếu khách hàng không đồng ý, thì họ có thể tìm ngân hàng khác để hỏi vay. Nhưng trong đa số trường hợp, các khách hàng đều phải chấp nhận từ bỏ nhu cầu được hỗ trợ lãi suất để đổi lấy việc vay được vốn.

Với DN, điều quan trọng là được hỗ trợ càng nhiều càng tốt. Vì thế, dù không ít ý kiến của DN khẳng định họ chỉ được đáp ứng phần nhỏ trong nhu cầu vay có hỗ trợ lãi suất, nhưng thực tế thì các DN vẫn tìm mọi cách để vay được nguồn vốn này. Ý kiến từ nhiều DN cho rằng, nên thay đổi việc hỗ trợ lãi suất trên diện rộng như trước, mà nên tập trung cho những DN trực tiếp sản xuất, và nhất là nên kéo dài thời gian hỗ trợ đủ để các DN này hoàn thành vòng vốn. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của không ít chuyên gia kinh tế, thậm chí có ý kiến chuyên gia còn cho rằng, các gói kích cầu hỗ trợ lãi suất nên hướng tới những DN có đủ điều kiện, nhưng chưa được tiếp cận hoặc chưa đáp ứng yêu cầu cấp thiết.

Những điều ấy có nghĩa, kích cầu bằng hỗ trợ lãi suất là một chương trình đáp ứng đúng với nguyện vọng của DN và ngân hàng. Nhưng việc triển khai chương trình này lại cần có những đột phá mới, xóa được rào cản có tính "truyền thống" trong quan hệ giữa DN, ngân hàng và Nhà nước. Ai cũng biết, DN, ngân hàng và Nhà nước đều có mục đích riêng trong định hướng phát triển, quản lý. Nhưng cái mục đích chung thì đều là để phát triển nền kinh tế quốc gia. Và khi không "kéo" được ngân hàng, DN "nhìn" và tin tưởng vào mục đích phát triển chung, thì quá khó để các biện pháp quản lý, khuyến khích của Nhà nước phát huy hiệu quả đúng như nó cần phải có.

Ông Nguyễn Minh Quyền - Giám đốc Cty CP khoáng sản Hải Phòng:

DN của tôi vay được vốn lưu động 1 lần duy nhất từ gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, với giá trị món vay chỉ bằng... 20% nhu cầu. Có nguồn tiền khổng lồ chảy vào TTCK, nhưng chẳng ai chứng minh được, tiền ấy có bắt nguồn từ các khoản vay hỗ trợ lãi suất hay không ? Nếu nguồn tiền ấy được "lái" vào khu vực sản xuất, thì DN rõ ràng sẽ đỡ khó khăn thêm nhiều phần. Chính phủ đã có gói hỗ trợ lãi suất trung hạn để hướng tới các dự án sản xuất. Nhưng ngay cả với ưu đãi hấp dẫn nhất - cho vay tới 70% tổng nhu cầu đầu tư dự án - thì cũng ít DN "đào" ra được 30% vốn đối ứng. Chưa kể vì nỗi "băn khoăn" về cam kết sẽ hoàn trả lãi suất của Chính phủ, mà các ngân hàng cũng chẳng mặn mà gì với đề nghị cho vay vốn trung hạn, nhất là cho vay có hỗ trợ lãi suất.

Bà Nguyễn Thị Ngân - Giám đốc Cty TNHH chế biến thực phẩm Phú Cường:

Quyết định hỗ trợ lãi suất cho vay do Chính phủ đưa ra trong giai đoạn khó khăn là rất đúng đắn. Nhưng để giải pháp ấy phát huy tác dụng cụ thể với sản xuất thực tế của DN, thì lại là điều khác hẳn. Ví dụ với gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, việc cho vay vẫn gắn chặt với điều kiện phải có tài sản bảo đảm đã hạn chế. Mà đây lại là vấn đề khó khăn của rất nhiều DN, đặc biệt là các DN sản xuất nhỏ và vừa. Chưa tính tới các điều kiện khác như phải chứng minh việc hình thành tài sản, rồi phải có lãi 3 năm liên tiếp... Mặt khác, giá trị khoản vay rất thấp, thường dưới 50% nhu cầu và vì thế chỉ giải quyết được phần rất nhỏ khó khăn của DN. Với "kiểu" khuyến khích này, các DNNVV đã mặc nhiên bị đẩy ra khỏi khu vực được hưởng hỗ trợ.

Quốc Dũng

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đất nền dự án sẽ phải áp thuế 25% (11/09/2009)

>   Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân làm việc tại khu kinh tế (11/09/2009)

>   Giá vàng: Chưa chạm đỉnh ? (11/09/2009)

>   Kiểm tra xử lý: bất cập hay tiêu cực? (11/09/2009)

>   Lỗ do chênh lệch tỷ giá được coi là chi phí tính thuế (10/09/2009)

>   Ngân hàng TMCP Kiên Long đăng ký cung ứng dịch vụ ngoại hối (10/09/2009)

>   HDBank hợp tác với ACE Life (10/09/2009)

>   VNSteel huy động 1.000 tỉ đồng từ trái phiếu (10/09/2009)

>   VCBS là thành viên thứ 15 hệ thống giao dịch TPCP chuyên biệt (10/09/2009)

>   Bán chéo sản phẩm tài chính: Đến thời điểm bùng nổ (10/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật