Thứ Sáu, 11/09/2009 15:56

Nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khoá

Để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô, Nhà nước thường sử dụng 4 nhóm chính sách (tài khóa, tiền tệ, chi tiêu, ngoại thương). Tuy nhiên, tùy theo tính chất của một nền kinh tế và mỗi giai đoạn nhất định, Chính phủ có sự điều chỉnh các chính sách.

Trong giai đoạn chống suy giảm kinh tế vừa qua, được sử dụng nhiều nhất là chính sách tiền tệ (CSTT) qua hỗ trợ lãi suất (HTLS) và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có gói kích cầu thứ hai thì nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa.

An toàn hệ thống ngân hàng

Đến nay, hiệu quả của gói kích cầu thông qua các quyết định của Chính phủ thể hiện trong việc chống suy giảm kinh tế, tạo động lực để Việt Nam có nhiều khả năng đạt  mức tăng trưởng GDP từ 5% trở lên  như mục tiêu đã định. Dù trong quá trình thực hiện có những nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan làm cho các gói kích cầu theo từng quyết định của Chính phủ có mức độ thấm vào nền kinh tế  khác nhau.

Để tránh sốc cho nền kinh tế khi gói kích cầu thông qua HTLS ngắn hạn theo Quyết định 131 chấm dứt  vào 31.12.2009,  gói kích cầu thứ hai như là một biện pháp "hạ cánh mềm"  đang được thực tiễn đặt ra cần giải quyết trước khi Chính phủ  bỏ mọi biện pháp trợ giúp cho DN để họ tự "bơi" trên thương trường.

Dễ thấy gói kích cầu thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng (tăng cung tín dụng) với nền kinh tế đã phát huy tác dụng và hiệu quả nhanh hơn chính sách mở rộng tài khóa được thực hiện song song trong thời gian qua. Điều này minh chứng thêm cho nhận định về vai trò của ngành NH trong chống khủng hoảng và suy thoái quan trọng như thế nào.

Nhưng cũng chính vì vai trò trọng yếu của ngành NH trong  phát triển kinh tế của quốc gia nên ngành NH không thể mở rộng mãi tín dụng mà bỏ qua tính an toàn của hệ thống khi tham gia vào gói kích cầu thứ hai. Sắp tới vai trò của NH trong việc hỗ trợ DN không thể là "chủ lực" như giai đoạn vừa qua nữa. Các DN cần phải hiểu là không thể kỳ vọng quá cao, dựa chủ yếu vào tín dụng NH cho hoạt động kinh doanh như trước, họ phải đa dạng nguồn vốn qua việc phát hành thêm trái phiếu, cổ phiếu và tận dụng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc kinh doanh thời khủng hoảng.

Gói kích cầu thứ hai nên đặt trọng tâm vào chính sách tài khóa (bao gồm chính sách thuế, chi tiêu chính phủ) và cải cách hành chính, nhằm làm cho chính sách sớm và dễ dàng đi vào hoạt động kinh doanh của DN.

Thận trọng trong gói kích cầu lần hai

Hiện chưa rõ gói kích cầu thứ hai sẽ dựa chủ yếu trên chính sách nào, nhưng các bước đi cụ thể với sự thận trọng là rất cần thiết bởi nguy cơ lạm phát luôn hiện hữu. Chính sách tài khóa mở rộng nên đi kèm với CSTT thận trọng, chỉ ưu đãi có chọn lọc về tín dụng, sử dụng linh hoạt và có hiệu quả các công cụ CSTT theo nguyên tắc thị trường để ngăn ngừa tái lạm phát.

Về lãi suất nên được thắt lại dần. Có thể việc HTLS nên được giảm xuống chỉ còn 2%/năm cho 6 tháng đầu năm 2010. LSCB nên được nâng dần 0,5% bắt đầu trong những tháng cuối quý IV/2009. Tỉ giá cần được điều chỉnh linh hoạt với biên độ lớn hơn giúp các DN giải phóng nhanh hàng tồn kho xuất khẩu  vào dịp nhu cầu thế giới sẽ tăng cao khi bước vào mùa Noel 2009.

Trong chính sách tài khóa, nên tập trung ưu tiên cho những ngành nghề, những lĩnh vực tạo ra những mặt hàng XK có giá trị lớn, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Có mức ưu đãi (có thể khác nhau) cho từng DN mà tiêu chí hiệu quả được đặt lên hàng đầu chứ không phải là thành phần kinh tế, kèm theo đó là những chế tài cụ thể bằng tiền nếu DN không đạt những gì mà họ cam kết khi nhận sự trợ giúp từ gói kích cầu của Chính phủ. Ngoài chính sách thuế thì vấn đề cải cách hành chính và thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng nên được quan tâm chú ý.

Suốt một thời gian dài theo đuổi chính sách tăng trưởng với tốc độ cao nên từ 2002 đến 2007, Việt Nam đã thực thi chính sách tiền tệ mở rộng. Qua số liệu thống kê cho thấy: Năm 2006, GDP tăng 8,2%; giá tiêu dùng tăng 6,6%; tốc độ tăng tín dụng của toàn ngành NH là 25,44%, tổng phương tiện thanh toán tăng 33,59%. Năm 2007, GDP tăng 8,5%; giá tiêu dùng tăng 12,63%; tốc độ tăng tín dụng của toàn ngành NH là 53,89%, tổng phương tiện thanh toán tăng 46,12%. Năm 2008, GDP tăng 6,23%, giá tiêu dùng tăng 19,89%.

Một trong những nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao là do tăng cung tiền quá lớn từ những năm trước đó. Tăng cung tín dụng quá mức trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm, hàng làm ra khó bán, thì có nguy cơ làm gia tăng nợ xấu cho ngành NH và gây khó cho khả năng tín dụng quay về lại nơi xuất phát.

Thanh Hoa - Trường Giang

Lao Động

Các tin tức khác

>   Vay kinh doanh bắt đầu khó (11/09/2009)

>   Huy động vàng nóng theo giá vàng (11/09/2009)

>   Chuỗi hội thảo phân tích vàng tại VTG (11/09/2009)

>   Ngành thuế trần tình chuyện hơn 1.000 giờ đóng thuế (11/09/2009)

>   Sáng 11/09, giá vàng trong nước giảm nhẹ (11/09/2009)

>   Từ 1/10/2009: Bỏ thuế nhiều mặt hàng sang Nhật (11/09/2009)

>   Hạn mức an toàn ngân hàng: Cào bằng hay bóc tách? (11/09/2009)

>   Thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS: Giới đầu cơ lo sốt vó (11/09/2009)

>   Gói hỗ trợ lãi suất: Kết thúc thế nào cho... êm ? (11/09/2009)

>   Đất nền dự án sẽ phải áp thuế 25% (11/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật