Sacombank-SBS hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư
Từ ngày 1-9, ba năm sau ngày thành lập, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS), trực thuộc tập đoàn Tài chính Sacombank, đã tuyên bố chính thức định hướng hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư. Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc Sacombank-SBS, việc hình thành ngân hàng đầu tư là xu thế tất yếu của một nền kinh tế nhằm phát triển thị trường vốn cung cấp cho các hoạt động kinh tế.
TBKTSG: Vì sao Sacombank-SBS thay đổi mô hình hoạt động ở thời điểm này và có sự khác biệt nào giữa mô hình mới so với mô hình cũ?
- Ông Nguyễn Hồ Nam: Vai trò của thị trường vốn đối với các hoạt động kinh tế và doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam đang trên đường phát triển mạnh và đòi hỏi có những nguồn vốn lớn trung và dài hạn để đầu tư phát triển. Mô hình ngân hàng đầu tư với các nghiệp vụ đặc trưng như môi giới chứng khoán, tư vấn doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, các dịch vụ hỗ trợ phát hành… có khả năng thu xếp nguồn vốn cần thiết cho doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Không có nhiều sự khác biệt giữa mô hình mới và cũ trong hoạt động của Sacombank-SBS. Trên thực tế, ba năm hoạt động vừa qua, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm, dịch vụ của một ngân hàng đầu tư thật sự. Có khác chăng là bây giờ các hoạt động đó được thực hiện chuyên nghiệp hơn với đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản và một quy trình quản lý quy củ hơn, minh bạch hơn.
TBKTSG: Sau ba năm hoạt động, Sacombank-SBS đã gặt hái thành công hay gặp khó khăn gì không, thưa ông?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra đời được hơn chín năm trong khi Sacombank-SBS mới vừa tròn ba năm hoạt động và đã tăng vốn điều lệ từ 300 tỉ đồng lên 1.100 tỉ đồng vào tháng 8-2007. Hiện Sacombank-SBS đã đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin với việc áp dụng hệ thống giao dịch chứng khoán trực tuyến STrade mang lại nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư.
Một lợi thế khác của Sacombank-SBS là phát triển mạng lưới dựa trên hệ thống chi nhánh của Ngân hàng mẹ Sacombank nên thuận lợi trong việc tiếp cận nhà đầu tư ở nhiều địa phương. Nhờ đó, cuối quí 2 vừa qua, Sacombank-SBS đã vươn lên dẫn đầu thị phần môi giới trong nước với hơn 50.000 tài khoản của nhà đầu tư (khoảng 12% thị phần). Năm 2007, lợi nhuận sau thuế của Sacombank-SBS đạt hơn 163,5 tỉ đồng, năm 2008 trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường chứng khoán, con số đó giảm còn hơn 31 tỉ đồng. Tám tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của công ty đạt hơn 180 tỉ đồng, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm là 150 tỉ đồng. Đặc biệt, cơ cấu thu nhập của Sacombank-SBS cũng cho thấy bóng dáng của ngân hàng đầu tư khi mảng tự doanh chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại là do các hoạt động môi giới, tư vấn doanh nghiệp…
TBKTSG: Sacombank-SBS sẽ làm những gì để đạt được tham vọng gia nhập các thị trường tài chính quốc tế lớn như Singapore, Nhật, Mỹ… vào năm 2012 như mục tiêu ông đề ra?
- Công việc đầu tiên phải thực hiện là hoàn thiện bộ máy hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư. Theo đó, Sacombank-SBS sẽ được tổ chức thành các khối môi giới, ngân hàng đầu tư, tư vấn, nghiên cứu thị trường và giám sát hoạt động tương đối độc lập. Điều này sẽ giúp cho hoạt động của công ty trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn trong việc quản lý rủi ro với một bộ phận giám sát có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với tổng giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường khả năng cung cấp trọn gói các sản phẩm đầu tư cho thị trường vốn bao gồm các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, nghiên cứu thị trường, tư vấn doanh nghiệp, quản lý đầu tư và môi giới song song với việc thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác có nhiều kinh nghiệm về ngân hàng đầu tư như Citibank, HSBC, Deutsche Bank, J.P Morgan Chase…
Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi muốn tập trung hoạt động vào thị trường khu vực ba nước Đông Dương với tiền đề là các chi nhánh của Ngân hàng Sacombank tại Lào, Campuchia. Xa hơn nữa, chúng tôi cũng có định hướng thành lập các văn phòng tại những trung tâm tài chính như Singapore, Hồng Kông, Mỹ, Nhật... với vai trò là cửa ngõ đưa các kênh vốn vào thị trường Việt Nam.
TBKTSG: Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, mô hình ngân hàng đầu tư ở Mỹ đã bộc lộ những lỗ hổng “chết người”. Sacombank-SBS làm gì để tránh đi vào vết xe đổ đó?
- Hầu hết các chuyên gia tài chính trên thế giới đều đồng tình rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các ngân hàng đầu tư trong cuộc khủng hoảng vừa qua là do lòng tham của các nhà quản lý chứ không phải vì nhược điểm nội tại của mô hình hoạt động. Các phân tích cho thấy những sản phẩm phái sinh của các ngân hàng bị sụp đổ đã bị biến dạng nghiêm trọng đến mức không thể kiểm soát được.
Theo tôi, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, ngân hàng đầu tư vẫn là một mô hình rất cần thiết để làm cầu nối trên thị trường vốn giúp các doanh nghiệp huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho việc đầu tư phát triển. Xét về quy mô vốn và hoạt động, các định chế tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng ở Việt Nam hiện nay cũng còn thua xa so với thế giới nên quản trị rủi ro cũng sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm người đi trước, Sacombank-SBS cũng sẽ hạn chế triển khai các sản phẩm phái sinh hoặc mở công ty quản lý quỹ.
TBKTSG: Ngân hàng Sacombank đóng vai trò như thế nào đối với Sacombank-SBS khi công ty chuyển sang mô hình ngân hàng đầu tư?
- Theo định hướng của tập đoàn Tài chính Sacombank, Ngân hàng Sacombank sẽ chỉ tập trung vào các chức năng ngân hàng lõi, tức là hoạt động như một ngân hàng thương mại bình thường; các hoạt động như cho vay, cầm cố chứng khoán… sẽ được chuyển sang cho Sacombank-SBS. Thực ra, điều này đã được Ngân hàng Sacombank thực hiện từng bước từ khá lâu với việc thành lập các công ty trực thuộc về chứng khoán, cho thuê tài chính, quản lý và khai thác tài sản… để hoạt động chuyên nghiệp chứ không ôm đồm.
Khang Minh
TBKTSG Online
|