Kỳ hạn càng dài, phát hành càng khó
Từ đầu năm 2009 đến nay, đã có nhiều phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) bằng VND không thành công. Tỷ lệ trúng thầu qua các phiên đầu thầu qua Sở GDCK Hà Nội là rất thấp (khoảng 5,6%).
Do đó, phát hành TPCP bằng ngoại tệ được đánh giá là phương án cần thiết mặc dù không phải phiên đấu thầu nào cũng thu hút nhiều nhà đầu tư, đặc biệt đối với TPCP bằng ngoại tệ có kỳ hạn 2, 3 năm.
Việc huy động USD qua phát hành TPCP hy vọng sẽ giúp Chính phủ giải quyết phần nào bài toán ngân sách trong bối cảnh tỷ lệ bội chi ngày càng có xu hướng tăng cao. Hơn nữa, khoản thu lượng tiền lớn bằng USD cũng sẽ giúp giảm tình trạng đôla hoá trong nền kinh tế cũng như củng cố sự an toàn cho quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong bối cảnh nhập siêu đang tăng dần từ nay cho tới cuối năm.
Gần đây nhất, trong phiên đấu thầu đầu tiên (đợt 2/2009) TPCP bằng ngoại tệ kỳ hạn 1 năm ngày 24/8/2009, toàn bộ 100 triệu USD trái phiếu đã được bán hết với tổng số tiền đăng ký đấu thầu gấp 3,7 lần giá trị đưa ra đấu thầu. Lãi suất đăng ký thấp nhất là 2%, lãi suất đăng ký cao nhất 4,5%, lãi suất trần bằng lãi suất trúng thầu là 2,98%. Tiếp đó, cũng trong đợt phát hành này, Sở GDCK Hà Nội tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu lần thứ hai TPCP bằng USD. Trái phiếu có kỳ hạn 2 năm, phát hành ngày 28/8/2009, đáo hạn ngày 28/8/2011. Tổng khối lượng đưa ra gọi thầu là 100 triệu USD. Kết quả: khối lượng trái phiếu huy động chỉ đạt được 47 triệu USD với lãi suất trúng thầu là 3,75%/năm - bằng mức lãi suất trần. Cuối cùng, ngày 28/8, Sở GDCK Hà Nội tổ chức phiên đấu thầu thứ 3 TPCP bằng USD, phát hàng ngày 1/9/2009 với khối lượng gọi thầu là 50 triệu USD. Kết thúc phiên đấu thầu, chỉ có 2 thành viên tham gia đấu thầu với khối lượng trúng thầu là 10 triệu USD.
Như vậy, qua 3 phiên đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ đợt 2/2009 như đã nói ở trên, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 157 triệu USD. Điều nhận thấy rất rõ, TPCP bằng ngoại tệ kỳ hạn càng dài thì khối lượng phát hành càng ít. Hầu hết nhà đầu tư tham gia đấu thầu đều “chuộng” trái phiếu có kỳ hạn ngắn. Còn nếu tính thêm cả đợt phát hành TPCP bằng USD đợt 1/2009 (tháng 3/2009) thì cả 2 đợt phát hành TPCP bằng ngoại tệ kỳ hạn 2, 3 năm đều “ế”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tài chính, trái phiếu bằng USD ngắn hạn (1 năm) tiếp tục thu hút được sự quan tâm của các tổ chức tín dụng do mức lãi suất trần 2,98% khá hợp lý, trong khi lãi suất huy động USD của chính các tổ chức tín dụng đưa ra tại các kỳ hạn chủ yếu dưới mức lãi suất trần. Thêm nữa, nguồn ngoại tệ đã huy động nhưng chưa cho vay được của các tổ chức tín dụng vẫn còn nhiều do DN ngại vay bởi họ không được ưu đãi đồng thời lo ngại rủi ro tỷ giá. Bên cạnh đó, kỳ hạn trái phiếu là 1 năm tương đối thích hợp với nguồn vốn tiền gửi USD chủ yếu là ngắn hạn tại các ngân hàng…
Đối với TPCP bằng ngoại tệ có kỳ hạn từ 2 đến 3 năm, không thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu bởi họ thận trọng khi mua, ngại rủi ro cũng như khó có thể dự tính được biến động của lãi suất trong khoản thời gian khá dài. Một nguyên nhân khác khiến các đợt đấu thầu TPCP bằng ngoại tệ có kỳ hạn dài bị “ế” là lãi suất trần đưa ra thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
Việc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch TPCP bằng ngoại tệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào TPCP bằng ngoại tệ. Theo đó, các tổ chức kinh tế không được sử dụng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hỗ trợ khác của Chính phủ để mua TPCP bằng ngoại tệ. Đồng thời, nguồn ngoại tệ để thực hiện giao dịch trái phiếu ngoại tệ phải có trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ mở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.
Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ còn nhiều đợt phát hành TPCP bằng ngoại tệ bởi mục tiêu Chính phủ là phát hành 1 tỷ USD TPCP trong năm 2009. Nhưng, để trái phiếu từ ngắn hạn đến dài hạn đều thu hút được nhà đầu tư; việc điều hành lãi suất thế nào để trái phiếu hấp dẫn, không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ hẳn không dễ dàng.
Nhật Quang
Công thương
|