Không quá lo ngại khi đối tác có ngân hàng con
Gần đây, các ngân hàng (NH) con 100% vốn nước ngoài đồng loạt có những động thái mở rộng mạng lưới hoạt động và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Trước những bước đi đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu không nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh, các NH trong nước sẽ bị yếu thế, bởi còn nhiều bộ hồ sơ xin phép thành lập NH con 100% vốn tại Việt Nam của các tập đoàn tài chính nước ngoài đã nằm trên bàn cơ quan quản lý. Và rõ ràng, so với các NH trong nước, NH ngoại có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý rủi ro, bán lẻ và nền công nghệ thông tin hiện đại hơn hẳn.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, nhiều lãnh đạo NH lại cho rằng vấn đề này không quá nghiêm trọng. Bởi tính đến nay đã có 5 NH con 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động, nhưng hiện chỉ mới 3 tập đoàn triển khai việc mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm sau khi được chuyển đổi NH con, đó là HSBC, ANZ, Standard Chartered - SCB. Mặt khác, với các NH con, số lượng chi nhánh, phòng giao dịch được mở mới cũng còn hạn chế. Trong khi đó, các NH Việt Nam đã có quá trình mở rộng quy mô hoạt động từ lâu, nhất là trong 3 năm gần đây. Hiện có NH trong nước đã đạt xấp xỉ 300 chi nhánh, phòng giao dịch phủ dày ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.
Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho rằng, khối NH ngoại đã có những bước tiến khá rõ ràng trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam. Mặc dù vẫn tập trung phục vụ phân khúc khách hàng là các DN nước ngoài, DN trong nước quy mô lớn, hoặc cá nhân có thu nhập cao, nhưng tất cả đều đã bày tỏ ý định mở rộng hoạt động bán lẻ. Chính vì vậy, việc các NH này gia nhập thị trường ngày càng nhiều chắc chắn sẽ gây khó khăn cho NH trong nước. Song theo ông Hải, việc các NH nước ngoài tham gia vào thị trường cũng có những tác động tích cực, vì họ đem đến những mô hình quản lý mới, cách tiếp cận mới, góp phần làm hoàn hảo hơn thị trường dịch vụ NH. Điều này sẽ tạo sức ép lên các NH trong nước để nâng cao tiềm lực về tài chính, đầu tư mạnh hơn cho công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ... Tóm lại, tác động của việc NH nước ngoài gia nhập thị trường tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào nội lực và khả năng học hỏi, thích ứng của từng NH trong nước.
Hiện nay, đối tác chiến lược của ACB là SCB cũng đã có NH TNHH một thành viên tại Việt Nam, nhưng hai đơn vị vẫn có những bước hợp tác tích cực, tận dụng các thế mạnh của nhau trong việc phát triển dịch vụ. Mới đây, SCB Việt Nam và ACB đã ký kết thoả thuận hợp tác về dịch vụ tiền mặt. Thỏa thuận này cho phép SCB mở rộng phạm vi giao dịch tại Việt Nam thông qua mạng lưới chi nhánh ACB. Khách hàng DN của SCB Việt Nam, theo thỏa thuận từ trước, sẽ có thể gửi hoặc rút tiền mặt tại các chi nhánh của ACB, đồng thời theo dõi và quản lý mọi giao dịch và số dư tài khoản thông qua dịch vụ NH trực tuyến Straight2Bank®.
Trước đó, nắm bắt được xu hướng phát triển của dịch vụ thẻ, ACB và SCB Việt Nam đã hợp tác liên kết hệ thống máy rút tiền tự động ATM và ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đồng thương hiệu ACB - SCB, cho phép khách hàng của SCB và ACB sử dụng miễn phí hơn 270 máy ATM trong mạng lưới hợp tác tại các thành phố lớn của Việt Nam…
Theo ông Jerry G Ngo, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc NH bán buôn, SCB Việt Nam, Lào và Campuchia, tình kinh tế thế giới đang có những bước chuyển động rất tích cực, nên đây chính là thời điểm tốt để đưa sản phẩm ra thị trường và SCB xem thị trường Việt Nam như một thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Do đó, sau khi chuyển đổi mô hình sang NH con 100% vốn của SCB sẽ là điều kiện tốt để tiến sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam cũng như thắt chặt mối quan hệ với đối tác chiến lược ACB.
Tổng giám đốc OCB, ông Trần Văn Vĩnh thì cho rằng, nếu trường hợp BNP Paribas - đối tác chiến lược nước ngoài của OCB - có ý định hình thành NH con 100% vốn nước ngoài thì cả 2 bên sẽ cùng bàn bạc và luôn đảm bảo về quyền lợi để tránh sự xung đột lợi ích. Tuy nhiên, ông Vĩnh cho biết, BNP Paribas chưa có ý định thành lập NH con tại Việt Nam.
Trả lời về vấn đề này trong buổi lễ ký kết mua tiếp 5% cổ phần của OCB (để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại OCB lên 15%) mới đây, ông Guido Van Hauwermeiren, Giám đốc Ngân hàng bán lẻ BNP Paribas cũng khẳng định, hiện Tập đoàn không có ý định thành lập NH con 100% BNP Paribas tại Việt Nam. Đồng thời, BNP Paribas chỉ muốn đẩy mạnh sự hợp tác, để cùng OCB đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất.
Hiện các nhà băng trong nước đều có chiến lược phấn đấu trở thành NH bán lẻ hàng đầu và lợi thế nghiêng về những đơn vị đã có đối tác chiến lược nước ngoài. Với OCB, kinh nghiệp của một NH bán lẻ 14 năm qua cùng với chiến lược hợp tác với liên minh BNP Paribas đã từng bước giúp OCB tiến nhanh hơn trong chiến lược trở thành NH bán lẻ tốt nhất. Thực tế, sau gần 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng hợp tác với BNP Paribas, OCB đã nhận được nhiều sự hỗ trợ để cùng nhau thực hiện chiến lược trên. Đơn cử như việc phối hợp thực hiện một Data Center - hiện đã đi vào hoạt động và đạt chuẩn quốc tế…
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, với thế mạnh công nghệ cũng như kinh nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ bán lẻ, việc mở rộng thị phần của các NH 100% vốn ngoại sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể lên khối ngân hàng nội. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các đơn vị có bước đi đúng đắn, nâng tầm hoạt động để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các NH ngoại.
Vân Linh
Đầu tư chứng khoán
|