Giá vàng về đâu sau ngưỡng 1.000 USD mỗi ounce?
Giá vàng đã phá ngưỡng 1.000 USD/ounce vào ngày 8/9 và liệu còn đạt kỷ lục nào nữa? Câu hỏi này đang được nhiều nhà kinh tế thế giới tìm câu trả lời.
Đây là lần thứ 5 giá vàng thế giới đạt tới mức cao kỷ lục này. Claus Vogt, nhà phân tích kinh tế của tạp chí Mỹ “Money and Markets” cho rằng, thị trường vàng thế giới vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy bước đột phá giá ngày 8/9 của vàng là một mốc rất quan trọng nhưng chưa phải là đích giá cuối cùng của kim loại quý này.
Từ tháng 11/2008-1/2009, giá vàng tăng đã tăng từ 700 lên gần 1.000 USD/ounce. Thời kỳ giá vàng được củng cố sau đó kéo dài 6 tháng và kết thúc vào tuần trước. Thời kỳ củng cố này của giá vàng có dạng hình tam giác, và điều này khẳng định giá vàng sẽ còn tiếp tục lên.
Bước đột phá giá vàng vào ngày 8/9 nằm trên biên giới cao của tam giác này cho thấy tín hiệu tranh mua đã nảy sinh và giải thích tại sao giá vàng còn lên trên mức 1.000 USD/ounce.
Động lực mạnh của xu thế trên là sự đầu cơ giá. Dù kinh tế thế giới có thể đang phục hồi nhưng những chỉ dấu động lực trung hạn cho thấy tiềm lực thị trường vẫn còn mạnh và chưa phải đã quá mức có thể mua vàng. Động lực giao động giá (PMO) mới đang bắt đầu tăng, có nghĩa là khả năng vàng còn tiếp tục tăng giá nữa. Các chỉ số cảm tính cũng hỗ trợ nhận định này.
Vậy giá vàng có thể còn tăng tới mức nào? Nhà phân tích Claus Vogt cho rằng, dựa trên cơ cấu tam giác trên, giá vàng có thể còn lên tới mức tối thiểu là 1.100 USD/ounce. Mức tăng 10% này không phải là con số gây sốc trên thị trường vàng thế giới mà có thể chỉ là mục tiêu tối thiểu.
Việc đạt mức giá 1.000 USD/ounce cho thấy thời kỳ ổn định đã kết thúc và xu thế của một thời kỳ trung hạn mới đã bắt đầu. Mục tiêu tối thiểu của thời kỳ trung hạn mới này có thể là 1.300 USD/ounce và bởi vậy, vàng đang trở thành thị trường đầu cơ lớn dài hạn.
Ngoài ra, vàng có thể sẽ còn tiếp tục tăng giá do một số nhân tố khác như hậu quả của khủng hoảng kinh tế thế giới, khoản nợ của nhiều chính phủ, không chỉ riêng của Mỹ, đã vượt quá mức trần; ngân hàng trung ương các nước đều đang in thêm rất nhiều tiền; nhu cầu vàng trên thế giới vẫn tăng do có một lớp người giàu có mớí nổi ở các nước đang phát triển, nơi vàng vẫn được coi là kênh dự trữ an toàn và giá trị.
Ngoài ra còn các nguyên nhân như nguồn cung cấp vàng đang đình trệ, thậm chí đang giảm, mặc dù giá vàng vẫn tăng đều từ năm 2001 vì khai thác vàng ngày càng khó khăn và tốn kém; ngân hàng trung ương các nước vốn trước đây rất sốt sắng bán vàng của chính phủ với mức giá thấp để ổn định thị trường thì nay bắt đầu không muốn tiếp tục hành động như trước nữa, thậm chí ngân hàng ở các nền kinh tế mới nổi còn tìm cách mua thêm vàng.
VIETNAM+
|