Còn quá sớm để rút lại các gói kích cầu
“Những chính sách và hành động quyết đoán, chưa từng có tiền lệ của chúng ta đã giúp ngăn cản đà lao dốc của kinh tế thế giới và đã thành công với các gói kích cầu trên phạm vi toàn cầu”, Bộ trưởng tài chính G-20 đã vui mừng tuyên bố với nhau như vậy tại Hội nghị vừa diễn ra ở Anh.
Quả đúng như vậy. Những chính sách và hành động quyết đoán, nhất là các gói kích cầu trên phạm vi toàn cầu, đã giúp ngăn cản đà lao dốc của kinh tế thế giới. Song để vỗ tay hoan hô chúc mừng thành công vào lúc này e quá sớm.
Việc giải cứu hệ thống tài chính, nới lỏng tiền tệ tới mức chưa từng thấy và nới rộng chính sách tài khoá đã đặt nền tảng, tạo chỗ đứng dừng chân cho nền kinh tế khi đang lúc tuột dốc không phanh. Nhờ đó tăng trưởng kinh tế đã bớt suy giảm và có chiều hướng bắt đầu tăng trở lại. Dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng GDP được 4% và khu vực đồng euro sẽ tăng độ 3% trong Quý III/2009, sau mấy quý suy thoái.
Và có lẽ thành công vang dội nhất của những chính sách đó là sự hồi sinh của mảng tài chính. Dòng chảy tín dụng đã lưu thông trở lại, tiền được bơm vào các công trình, dự án. Tất nhiên vẫn còn những bất cập nhưng sự hồi sinh của mảng tài chính là minh chứng rõ nét cho thành công của các chính sách mạnh.
Một minh chứng rõ nét khác là sự hồi phục của thị trường chứng khoán toàn cầu những tháng gần đây. Thị trường từ Âu sang Á cho tới Mỹ đều đã chứng kiến chuỗi ngày hồi phục khá ấn tượng, dù vẫn còn lâu mới về lại đỉnh cao thời hoàng kim cách đấy không xa.
Còn trên thực tế của nền kinh tế, mảng sản xuất cũng đã phục hồi. Các doanh nghiệp sản xuất trở lại, tuyển dụng lại nhân công, xuất hàng đi các nước trở lại…
Vậy giờ phải làm gì nữa? G-20 đã đúng khi vạch ra lộ trình tiếp theo. Bộ trưởng tài chính nhóm các nước G-20 đã cùng nhau nhất trí cam kết sẽ tìm cách vực dậy kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Cần phải làm như vậy, bởi tình hình kinh tế thế giới hiện nay khá hơn nhiều song hiện vẫn là quá sớm để tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế chứ chưa nói tới hồi phục thực chất và bền vững.
Các nước cần phải tận dụng cơ hội hiện nay để thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới nhằm loại bỏ những yếu kém mang tính hệ thống, được coi là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất trong gần 80 năm qua.
Bởi, rõ ràng là vẫn còn quá sớm để nói khủng hoảng kinh tế đã hoàn toàn kết thúc và quá trình hồi phục đã chắc chắn.
Vẫn còn đó nhiều nỗi lo nữa. Tăng trưởng kinh tế vẫn còn quá mong manh và ranh giới giữa tăng trưởng dương và tăng trưởng âm vẫn rất mỏng. Một nền kinh tế có thể đạt được tăng trưởng 1 – 2% trong cuối năm nay nhưng cũng có thể là -1% hay -2%, chỉ cần một biến động nào đó xảy ra bất ngờ.
Thị trường nhà đất đôi chỗ đã ấm lại, song nhiều nơi vẫn chưa hẳn đã tan băng. Ngân hàng nhiều nước vẫn dè dặt trong công tác cho vay và do đó mạch máu tiền tệ chưa thực sự lưu thông trong các cơ thể kinh tế. Thị trường chứng khoán nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, vừa qua đã cho thấy sự kém vững bền đến nhường nào khi mà gói kích thích kinh tế có khả năng chấm dứt.
Nói thêm trường hợp Trung Quốc để thấy sự cần thiết phải duy trì các gói kích thích kinh tế. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng tới hơn 70% từ đầu năm nhờ tác dụng của các gói kích cầu và chính sách nới lỏng tín dụng. Rồi đến tháng 8/2008 vừa qua thì thị trường này lại mất tới gần 20% chỉ trong vòng 1 tháng sau khi có tin đồn rằng các gói kích cầu và chính sách nới lỏng tín dụng chuẩn bị kết thúc.
Điều đó cho thấy sự cần thiết phải duy trì các gói kích thích kinh tế như một điều kiện không thể bàn cãi để để tạo điều kiện hồi phục cho cơ thể kinh tế toàn cầu vừa mới ốm dậy.
Do vậy, có thể các chính phủ đã chuẩn bị kế hoạch rút lui cho mình khỏi sự can thiệp trực tiếp và sâu rộng vào nền kinh tế quốc dân. Tuy vậy kế hoạch rút lui phải có tiến độ dài hơi và hết sức cẩn trọng, bởi nếu rút đột ngột, mọi nỗ lực trước đó của mỗi nước có thể đổ sông đổ bể và hậu quả sẽ còn nguy hại hơn nhiều so với thời điểm trước khi các chính phủ “kê đơn thuốc” cứu nền kinh tế.
Và trong chiến lược rút lui, nhất thiết phải đề cao các yếu tố sau: trả lại tính độc lập cho các ngân hàng trung ương, đề cao trách nhiệm trong các chính sách tài khoá và phải mở rộng đầu ra cho mỗi nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế hướng tới xuất khẩu, thay vì chỉ dựa vào nhu cầu mua hàng từ một số nước giàu.
Điều đó có dễ dàng? Hoàn toàn không. Nhưng thành công của các nhà hoạch định chính sách là đã hé lộ khả năng đó để giờ đây chúng ta có cái để bàn. Và dường như giờ đây chúng ta đã có được điểm tựa để từ đó, với những nỗ lực mới cùng những chính sách tốt được duy trì, quá trình hồi phục của thế giới có thể được đảm bảo.
Nhật Vy (Theo Financial Times)
vietnamnet
|