Thứ Năm, 10/09/2009 14:31

Đối thủ lao đao, Nestle SA đắc lợi 

Tận dụng cơ hội khi các đối thủ bị lao đao bởi vụ sữa nhiễm độc hồi năm ngoái tại Trung Quốc, Nestle SA, công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới đã thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng tại thị trường 1,3 tỷ dân này lên gấp đôi.

Theo thông báo của Nestle SA, doanh thu của họ sẽ tăng 20% trong năm nay so với mức tăng 10% của năm 2008, nhờ chiếm thị phần từ tay các đối thủ.

“Chúng tôi đã có thêm thị phần. Mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi, nhất là thương hiệu Nestle SA đã mạnh hơn và chúng tôi được thị trường thừa nhận”, Patrice Bula, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Nestle SA tại Trung Quốc phát biểu hôm 5/9.

“Chúng tôi không dính dáng tới vụ bê bối sữa (nhiễm độc) cũng như không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ việc này, bởi tất cả sản phẩm của chúng tôi đều được minh chứng là an toàn cho người tiêu dùng”, ông này nhấn mạnh.

Theo các báo cáo, sữa nhiễm melamine, một chất dùng để sản xuất nhựa, đã gây ra cái chết cho ít nhất 6 trẻ em và khiến 300.000 em khác bị ngộ độc ở Trung Quốc hồi năm 2008.

Điêu đứng bởi scandal này, China Mengniu Dairy Co., công ty sản xuất sữa nước lớn nhất của Trung Quốc đã có lợi nhuận ròng âm, trong khi doanh số bán của Nestle SA đạt 2,23 tỷ francs Thuỵ Sỹ (2,1 tỷ USD) trong năm 2008.

“Các sản phẩm sữa dán nhãn “Made in China” đang thực sự bị tổn hại và bị rất nhiều người tiêu dùng Trung Quốc từ chối”, Shaun Rein, Giám đốc quản lý của một công ty nghiên cứu thị trường ở Thượng Hải nhận xét và cho biết thêm, Nestle SA có thể được hưởng thêm thị phần “nhờ” việc mọi người đều ngoảnh mặt với các nhãn hàng trong nước.

Vevey là công ty đang điều hành 21 nhà máy của Nestle SA tại Trung Quốc và phân phối các sản phẩm của công ty thực phẩm Thuỵ Sỹ này như cà phê hoà tan Nescafe và sô cô la thỏi Kit Kat. Cà phê, bột nêm, sữa và kem là những sản phẩm bán chạy nhất của Nestle SA tại Trung Quốc.

Doanh số bán của Vevey tại Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan năm ngoái đóng góp 2% vào doanh thu toàn cầu của Nestle SA. “Từ đầu năm 2009 đến nay, doanh thu của Nestle SA ở Trung Quốc tăng 13% và trong những tháng còn lại của năm nay, sẽ tăng mạnh hơn nữa”, Bula tuyên bố.

Trở lại vụ sữa nhiễm melamine hồi năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã kiểm tra và phát hiện sản phẩm của 22 công ty sữa nhiễm độc, gồm cả các tên tuổi hàng đầu của nước này như Inner Mongolia Yili Industrial Group Inc., Mengniu và Sanlu Group Co.

Đặc biệt, Sanlu, công ty từng đứng thứ 3 trong số các nhà sản xuất sữa tại đại lục, đã tuyên bố phá sản hồi tháng 12 năm ngoái do scandal này. Còn Mengniu công bố mức lỗ 949 triệu NDT (139 triệu USD) trong năm 2008, một con số thảm hại khi so với mức lợi nhuận 936 triệu NDT, tăng 29% của một năm trước đó.

Trên thực tế, sản phẩm sữa của Nestle SA ở Hồng Kông cũng bị phát hiện có chứa chất melamine, song ở mức giới hạn cho phép của Chính quyền Đặc khu hành chính. Ở Đài Loan, Nestle SA cũng bị giới chức vùng lãnh thổ này ra lệnh đình chỉ phân phối các sản phẩm Neslac và KLIM sản xuất ở đại lục.

Theo Bula, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc, ngành công nghiệp thực phẩm nước này đã tăng mức doanh số bán và doanh thu hiện bằng 90% so với trước khi xảy ra vụ bê bối sữa.

Theo một số chuyên gia, Trung Quốc đã cắt giảm học phí, bao cấp tiền xe hơi và thiết bị trường học cũng như triển khai một chương trình chăm sóc sức khoẻ trị giá 850 tỷ NDT nhằm khuyến khích tiêu thụ nội địa đối với các sản phẩm sữa trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu bị giảm do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

“Ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn tái cấu trúc và chúng ta hãy chờ xem công ty nào sẽ sản xuất những sản phẩm đạt chất lượng”, Rong Yaozhong, Tổng giám đốc của Totole Food Ltd., một đối tác liên doanh với Nestle SA sản xuất bột nêm thịt gà tại Thượng Hải phát biểu. “Nhiều công ty sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm của mình, trong khi số khác không đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn sẽ phải đóng cửa”, ông này nhận định thêm.

Năm ngoái, Nestle SA phái 20 chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu ở Thuỵ Sỹ sang tăng cường kiểm định melamine và các hoá chất khác ở một số nhà máy tại Trung Quốc. Trong số các sản phẩm mới được đưa vào thị trường Trung Quốc, có một loại nước uống có sữa với một số thành tố làm từ dược liệu truyền thống của người Trung Hoa.

Nestle SA đã xây dựng 2 trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc nhằm phát triển các sản phẩm thiết kế riêng cho thị trường này. “Các trung tâm nghiên cứu này sẽ chuẩn bị cho một kỷ nguyên phát triển mới của Nestle SA”, Bula tuyên bố và khẳng định, Trung Quốc là một thị trường cực kỳ hấp dẫn và chứa đựng nhiều cơ hội.

Xuân Hòa

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Kinh tế toàn cầu trong một năm tồi tệ (phần 1) (10/09/2009)

>   Chứng khoán Châu Á “xanh” cùng Wall Street (10/09/2009)

>   NHTW Hàn Quốc & New Zealand giữ nguyên lãi suất  (10/09/2009)

>   Hai hãng điện thoại Orange và T-Mobile sáp nhập (10/09/2009)

>   "Suy thoái đã đến hồi kết" (10/09/2009)

>   Kinh tế Hàn Quốc về đúng hướng (10/09/2009)

>   Trung Quốc: Dự trữ ngoại tệ trên 2.100 tỷ USD (10/09/2009)

>   Ngân hàng Hà Lan đi đầu về hạn chế tiền thưởng (10/09/2009)

>   Giá vàng có thể leo lên 1.200 USD mỗi ounce (10/09/2009)

>   Lao động di cư và kiều hối sụt giảm theo kinh tế (10/09/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật