Vinashin chậm trễ, PVN lãnh đủ
Hai dự án của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thực hiện đều bị chậm tiến độ đến nỗi Chính phủ phải vào cuộc đốc thúc.
Hôm 30-7, Văn phòng Chính phủ, qua thông báo số 225 đã truyền đạt kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc kiểm điểm tình hình triển khai Dự án đóng mới kho nổi chứa xuất dầu (FSO-5) và Dự án tàu chở dầu thô Aframax mà PVN ký hợp đồng đặt mua của Vinashin.
Trước đó ba ngày, cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án này đã diễn ra với sự tham dự của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các bên liên quan.Đây là lần thứ hai Chính phủ có công văn chỉ đạo về tiến độ thực hiện các dự án này (lần thứ nhất là đầu tháng 12-2007). Trong kết luận chỉ đạo mới nhất, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nêu cụ thể năm yêu cầu lớn cho các bên, đặc biệt là Vinashin, để các bản hợp đồng mà PVN ký với các đối tác được thực hiện.
Chính phủ yêu cầu “Vinashin nghiêm túc đánh giá lại nguyên nhân, rút kinh nghiệm về việc chậm tiến độ thực hiện hai dự án”. Theo yêu cầu của Chính phủ, tiến độ dự án phải được Bộ Giao thông Vận tải chủ trì trên cơ sở họp giao ban hàng quí.
Vấn đề được đặt ra là tại sao lại nảy sinh chuyện này và vì sao các dự án nói trên lại cần đến sự theo dõi và chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan, khi mà lẽ thường hai tập đoàn có thể làm việc với nhau trên các điều khoản hợp đồng đã ký kết như bao hợp đồng kinh tế khác.
Dự án FSO-5: ứng trước 85% hợp đồng cũng không đóng được
Theo thông tin từ PVN, trong báo cáo gửi Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hôm 30-6 vừa qua, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), một thành viên của PVN có ký với Vinashin dự án đóng mới kho nổi chứa xuất dầu FSO-5 (gọi tắt là dự án FSO-5) hồi trung tuần tháng 12-2006 với yêu cầu trong hợp đồng là bàn giao kho nổi tại mỏ vào ngày 1-5-2008. Phía Vinashin, đơn vị thực hiện hợp đồng này là Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Nam Triệu (Nasico), một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Vinashin hiện nay.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phía Vinashin đã hai lần xin điều chỉnh tiến độ bàn giao kho nổi FSO-5, lần thứ nhất là cuối tháng 4-2009 và lần thứ hai xin lùi thêm ba tháng nữa (đến 30-7-2009). Tuy đã phải chịu chậm 15 tháng so với tiến độ cam kết, nhưng theo văn bản được phía PVN gửi cho các cơ quan quản lý, PVN lo ngại là: “Với tiến độ triển khai hiện tại, thời điểm bàn giao kho nổi FSO-5 có thể tiếp tục chậm thêm 2-3 tháng so với tiến độ mà Vinashin/Nasico thông báo điều chỉnh”.
Cơ sở cho những e ngại được phía PTSC dẫn ra là tính đến giữa tháng 6 vừa qua, hồ sơ thiết kế của dự án chưa hoàn thiện, tiến độ cung cấp vật tư, thiết bị cũng quá chậm. 64/146 hạng mục thiết bị của dự án chưa về đến Nasico để phục vụ thi công, lắp đặt. Nhiều hạng mục trong số này đang lưu kho tại các cảng, chưa thông quan. Thậm chí có 52 hạng mục hoặc đang trong quá trình chế tạo hoặc đang trên đường về Việt Nam. Có hạng mục chưa tiến hành ký hợp đồng đơn hàng...
Phía Nasico cũng chưa xuất trình được cho bên PTSC và bên đăng kiểm ABS (Mỹ) - nơi được Vinashin/ Nasico thuê giám sát quá trình thi công đóng tàu - đầy đủ các quy trình lắp đặt, kiểm tra, vận hành chạy thử như hợp đồng đã ký kết để làm cơ sở kiểm tra, giám sát thi công lắp đặt danh mục như hợp đồng giữa hai bên đã thỏa thuận.
Đến thời điểm hiện tại, phía đặt mua đã thực hiện thanh toán năm đợt cho Vinashin theo đúng quy định với giá trị thanh toán là 2.377 tỉ đồng (khoảng 143,888 triệu đô la Mỹ), tương đương với 85% giá trị hợp đồng. Chưa kể trước đó, một năm sau ngày ký hợp đồng, phía PVN đã chấp thuận chỉ đạo của Chính phủ, đồng ý ký phụ lục, điều chỉnh giá trị hợp đồng từ 109,966 triệu đô la Mỹ lên 169,280 triệu đô la, tăng gần 60 triệu đô la nữa.
Theo PVN, việc chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả dự án của PTSC và Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro (VSP). Cụ thể: PTSC không thể chủ động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong các năm 2008 và 2009 (đến thời điểm này) do mất nguồn doanh thu từ việc khai thác kho nổi FSO-5.
Tính toán thiệt hại gồm có: 15 tháng chậm giao tàu để đưa vào sử dụng thiệt hại mất 50,400 triệu đô la (15 tháng x 12.000 đô la Mỹ/ngày - là đơn giá thuê tàu theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án); lãi vay ngân hàng của phần tiền đã trả cho hợp đồng là 120 tỉ đồng, chưa kể phát sinh tăng giá hợp đồng gần 60 triệu đô la, cộng với các chi phí kéo dài hợp đồng thuê chuyên gia quản lý, giám sát dự án và các chi phí khác.
Còn VSP, thông thường đơn vị này phải dùng thường xuyên hai tàu chứa dầu nhằm đảm bảo sản lượng và an toàn khai thác dầu năm 2009-2010. Tuy nhiên, do Vinashin/Nasico bàn giao chậm kho nổi FSO-5 nên VSP đã phải sửa chữa hai tàu đã qua sử dụng lâu ngày (trong đó có một tàu đáng lẽ phải thanh lý) với tổng chi phí là 64.000 đô la để thay thế.
Dự án II: 13 lần điều chỉnh tiến độ
Một công ty khác của PVN là Công ty Vận tải dầu khí (PV Trans) cũng rơi vào những khó khăn tương tự khi thuê Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất, một thành viên khác của Vinashin, đóng ba tàu chở dầu thô loại Aframax trọng tải 105.000 DWT/tàu, với tổng giá trị cho một tàu là 63,841 triệu đô la Mỹ.
Trong bản báo cáo thường niên công khai của PV Trans năm 2008 đã được công bố, PV Trans đã có phần giải thích rõ về bản hợp đồng này (ghi chú về báo cáo tài chính). Theo đó, ngày 14-2-2007, PV Trans đã ký hợp đồng thiết kế và đóng mới ba tàu nói trên với Vinashin và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Dung Quất Shipyard). Tiến độ cam kết bàn giao tàu thứ nhất là tháng 2-2009, giao tàu thứ hai là tháng 8-2009 và tàu thứ ba là tháng 2-2010.
“Tổng công ty đã thực hiện tạm ứng lần đầu theo hợp đồng cho bên bán nhằm chuẩn bị cho việc đóng mới tàu số 1”, bản báo cáo tài chính của PV Trans viết.Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Đến nay, tiến độ giao tàu thứ nhất mà Dung Quất Shipyard qua các văn bản điều chỉnh gửi PV Trans đã lên đến con số... 13 lần đề nghị. Phía Dung Quất Shipyard đề nghị PV Trans đến tháng 10-2010 mới bàn giao tàu thứ nhất.
“Như vậy là chậm 20 tháng”, một lãnh đạo của PV Trans nói. Mặc dù vậy, “việc triển khai dự án đến nay còn chậm hơn nhiều so với tiến độ đã điều chỉnh khi mà kế hoạch mua sắm vật tư, thiết bị máy móc vẫn còn chưa được triển khai đồng bộ với tiến độ sản xuất”, theo PVN.
Theo báo cáo của chuyên gia tư vấn của PV Trans, hiện khối lượng công việc thực hiện tại nhà máy đóng tàu Dung Quất mới được 10% và việc bàn giao tàu chắc chắn sẽ còn chậm trễ, có thể ít nhất đến quí 2-2011 mới xong.
Vẫn theo đánh giá từ đây gửi về các bộ: “Do khó khăn về tài chính nên việc mua sắm vật tư cho tàu, việc xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị cho dự án bị kéo dài, tình trạng thiếu nhân lực lành nghề và quản lý kém của Dung Quất Shipyard dẫn đến kế hoạch đặt ra luôn bị phá vỡ, tình trạng dự án bị chậm trễ kéo dài không kiểm soát được”.
Cũng rơi vào tình trạng các hợp đồng của PTSC, phía PV Trans chỉ nhận được 13 văn bản đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng mà không kèm theo lời giải thích. Theo thông tin của TBKTSG, có đại diện cổ đông nhà nước của PV Trans trong các cuộc họp nội bộ đã đề nghị phải đưa Vinashin/Dung Quất Shipyard ra tòa án kinh tế vì việc nhiều lần vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của đối tác.
Bên đặt mua tàu nhận định sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến sản lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, khi nhà máy vận hành đủ công suất vào tháng 10, mất doanh thu tính được chừng 33 triệu đô la, chi phí phát sinh chậm tiến độ 20 tháng là 78 tỉ đồng gồm lãi vay vốn, chi phí kéo dài hợp đồng tư vấn và chi phí quản lý.
Trong khi đó, phóng viên TBKTSG đã nhiều lần cố gắng liên hệ với Ban lãnh đạo của Vinashin về vấn đề này nhưng đều chỉ nhận được sự từ chối.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: đối với dự án FSO-5, yêu cầu Vinashin tập trung nguồn nhân lực, phương tiện, tài chính, bảo đảm chất lượng, hoàn thành, bàn giao tại mỏ chậm nhất vào cuối tháng 3-2010.
Ngoài việc Vinashin có trách nhiệm thu xếp phần vốn còn thiếu cho Nasico, PVN xem xét khả năng tăng vốn ứng trước trực tiếp cho Nasico để tháo gỡ khó khăn, hoàn thành dự án theo chất lượng, tiến độ đã thống nhất.
Đối với dự án Aframax, yêu cầu PVN và Vinashin điều chỉnh lại hợp đồng theo hướng đóng mới hai tàu Aframax. Trong đó, việc thực hiện đóng mới tàu số 2 sẽ được xem xét, quyết định thông qua giao ban hàng quí và trên cơ sở kết quả hoàn thiện tàu số 1 đáp ứng tiến độ và chất lượng cam kết. Trước mắt, yêu cầu hai tập đoàn tập trung các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc đóng mới tàu số 1.
(Trích thông báo số 225-VPCP, ngày 30-7-2009)
Ngọc Lan
TBKTSG Online
|