Suy thoái kinh tế: Nguy cơ ”dính” kiện bán phá giá cao
Nếu bị kiện, doanh nghiệp nên chủ động “đi hầu” để không mất thị trường. Quyết tâm kiện chống phá giá tạo cú hích. Nhiều kinh nghiệm có ích cho doanh nghiệp về cách phòng vệ chống bán phá giá được nêu lên tại hội thảo Các quy định của EU và Hoa Kỳ về chống bán phá giá và thực tiễn do Bộ Công thương phối hợp với Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức hôm qua tại TP.HCM.
Xuất khẩu tăng nhưng không vội mừng
Ông James Lockett đến từ Công ty Baker & McKenzie (Hà Nội), cho biết dự báo của WTO trong thời gian tới sẽ xảy ra nhiều vụ kiện chống bán phá giá. Lý do, khủng hoảng kinh tế, nhiều quốc gia sẽ áp dụng nhiều rào chắn kỹ thuật nhằm bảo hộ cho hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó khăn bởi nguy cơ bị kiện bán phá giá.
Theo ông James, rất khó để doanh nghiệp nhận biết được hàng hóa của mình sẽ bị kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, một dấu hiệu đề phòng là hàng của doanh nghiệp liệu có giống với mặt hàng sản xuất trong nước của nước nhập khẩu hay không. Bởi phải giống và gây thiệt hại thì nhà sản xuất của nước nhập khẩu mới khiếu kiện. “Thành công của bạn lại chính là thất bại của người khác nên doanh nghiệp phải cẩn thận khi đạt tăng trưởng quá cao tại một thị trường” - ông James khuyến cáo.
Giáo sư Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế TP.HCM, thành viên trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), từ trước tới nay doanh nghiệp Việt Nam đã bị tới 39 vụ kiện chống bán phá giá. Các nước châu Á bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất. Nhóm hàng bị kiện nhiều là hóa chất, sắt thép, giày dép, may mặc... Đáng chú ý, những nước hay đâm đơn kiện cũng chính là nước bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất, điển hình như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ...
Chủ động đối phó
Ông Lê Sỹ Giảng, Phó Trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), nhận định các vụ kiện chống bán phá giá thường có hiệu ứng dây chuyền. Theo đó, một nhóm hàng của nước này bị kiện chống bán phá giá thì nhóm hàng cùng chủng loại của một nước khác cũng sẽ có nguy cơ bị kiện. Gần đây, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kiện chống bán phá giá một số mặt hàng của Trung Quốc như may mặc, giày mũ da, bật lửa ga, sau đó đi kiện Việt Nam với quy trình tương tự.
Ông Giảng nêu lên một số kinh nghiệm tránh bị kiện phá giá của Trung Quốc. Khi một nhóm hàng bị áp thuế chống bán phá giá thì Trung Quốc sẽ chuyển nhà máy sản xuất sang chính nước nhập khẩu để được ưu đãi về thuế. Một cách làm khác, rất điển hình là Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất sang các nước lân cận.
Đại diện một doanh nghiệp băn khoăn: “Liệu luật chống bán phá giá có phải là hình thức cá lớn nuốt cá bé hay không khi các quy định trong? luật do các nước lớn đặt ra. Những nước nhỏ luôn bị thiệt thòi ngay cả khi bị kiện hay đi kiện chống bán phá giá”.
Ông James Lockett cho rằng luật chống bán phá giá được xây dựng theo quy định của WTO. Do đó, “công cụ chống bán phá giá” không chỉ dành cho các nước phát triển mà ngay cả những nước đang phát triển như Ấn Độ, Brazil, Thái Lan... đã làm rất thành công khi xây dựng một lực lượng liên quan đến kiện chống bán phá giá rất tốt.
Ông James kể câu chuyện năm 1998, chính ông là đại diện cho Samsung giải quyết một vụ việc chống bán phá giá khi hãng này mới gia nhập vào thị trường điện tử. Lúc đó, Samsung đã phải bỏ ra tới 20% chi phí của hãng để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong đó bao gồm cả việc chống bán phá giá.
Ông Giảng cho rằng cơ quan chức năng sẽ xây dựng cơ chế cảnh báo kiện phá giá cho doanh nghiệp, dự kiến sẽ ban hành trong năm tới. Ngoài ra, cơ quan quản lý sẽ siết chặt vấn đề xuất xứ hàng hóa. Hải quan sẽ phải có trách nhiệm giám sát xuất xứ trước khi hàng sản xuất ở Việt Nam xuất đi các nước.
Giáo sư Võ Thanh Thu đưa ra lời khuyên là khi bị kiện phá giá thì doanh nghiệp nên chủ động hầu kiện nếu không muốn bỏ thị trường hay chấp nhận đổi tên sản phẩm.
Quyết tâm kiện chống phá giá tạo cú hích
Dù bị nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhưng đến nay doanh nghiệp trong nước chưa kiện chống bán phá giá đối với một mặt hàng nào dù trên thị trường có rất nhiều mặt hàng nhập khẩu bán phá giá.
Ông Lê Sỹ Giảng cho rằng trong thời gian tới sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội về thủ tục, cơ sở pháp lý kiện chống bán phá giá một mặt hàng nhằm làm cú hích cho doanh nghiệp. Tuy vậy, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu tính liên kết, hệ thống kế toán chưa đạt chuẩn quốc tế. Các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy vai trò đoàn kết doanh nghiệp.
Trung Hiếu
Pháp luật
|