Thứ Năm, 13/08/2009 06:11

Đổi mới công nghệ sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL: Không thể chần chừ!

Gần 20 năm trước, các chuyên gia, nhà khoa học đã lên tiếng báo động tình trạng thất thoát sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL là rất lớn, làm giảm hiệu quả sản xuất của nông dân. Thế nhưng đến nay, công nghệ sau thu hoạch lúa vẫn chưa phát triển đáng kể, làm giảm tính cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam… Nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất!

Mỗi năm mất hàng ngàn tỷ đồng

ĐBSCL có diện tích trồng lúa lớn nhất nước với khoảng 3,8 triệu ha. Trong số này, vụ lúa đông-xuân được gieo 1,5 triệu ha, hè-thu 1,6 triệu ha, vụ 3 là 0,5 triệu ha và 0,25 triệu ha lúa mùa. Sản lượng lúa toàn vùng năm 2008 là 20,6 triệu tấn, năm 2009 ước đạt 21 triệu tấn. ĐBSCL cung ứng 90% lượng gạo xuất khẩu góp phần rất lớn đưa Việt Nam nằm trong danh sách các “cường quốc” xuất khẩu gạo. Nhưng đây cũng là vùng có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao nhất.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch khoảng 12%-15%. Các chuyên gia sau thu hoạch của Viện Lúa quốc tế (IRRI) đưa ra con số thất thoát sau thu hoạch ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khoảng 15%-20% sản lượng và làm giảm 10%-30% giá trị hay thu nhập cho người sản xuất.

Với mức thiệt hại 12%-15%, ĐBSCL mất từ 2,4 - 3,15 triệu tấn lúa/năm, tương đương 9.120-1.260 tỷ đồng (với giá lúa hiện nay khoảng 3.800-4.000 đồng/kg). Theo Bộ NN-PTNT, chỉ riêng khâu phơi sấy và tồn trữ lúa gạo dành cho xuất khẩu, nếu làm đúng cách có thể làm gia tăng giá trị thêm 200 triệu USD trong xuất khẩu. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Tổn thất sau thu hoạch không chỉ làm giảm sản lượng, mà còn ảnh hưởng lớn chất lượng, giá trị hạt gạo, giảm thu nhập của nông dân”.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, hầu hết các khâu trong quá trình thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát, vận chuyển… đều có tổn thất đáng kể. Chỉ riêng khâu thu hoạch, tổn thất từ 3%-5%, do thu hoạch bằng thủ công, lúa bị đổ ngã trong mưa bão, ngập nước, cắt sớm chạy lũ. Khâu phơi sấy lúa còn hao hụt lớn hơn, nặng nhất là vụ hè-thu ở ĐBSCL.

Ngoài ra còn nhiều yếu tố dẫn đến tổn thất sau thu hoạch. Nông dân còn thiếu hiểu biết khi phơi lúa ngoài đồng, hoặc để lúa chín lâu ngày mới thu hoạch. Đối với sản xuất lúa hàng hóa, khi phơi qua đêm, độ ẩm gạo tăng do hút sương; rồi ban ngày nắng, nhiệt độ cao làm cho độ ẩm giảm quá mức dẫn đến hạt gạo rạn vỡ từ trong vỏ lúa. Do vậy khi xay xát, gạo bị gãy rất nhiều. Trường hợp lúa để chín khô lâu ngày, độ ẩm thấp xuống, gạo bị giòn, tỷ lệ gạo vỡ sau xay xát cũng lớn… đồng nghĩa với giá bán hạ thấp.

Công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu

ĐBSCL hiện có 3.000 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) (trong số này 80% là máy Trung Quốc, máy Việt Nam sản xuất chưa tới 10%...) và 3.600 máy gặt xếp dãy, đảm đương thu hoạch gần 30% diện tích sản xuất lúa. Hơn 70% diện tích còn lại đều phải thu hoạch bằng thủ công.

Thực tế việc đưa máy GĐLH vào đồng ruộng chậm vì còn nhiều vấn đề khó khăn như diện tích sản xuất của từng nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, địa hình có nhiều sông rạch, nền đất yếu. Giá máy GĐLH hiện nay 150-200 triệu đồng/máy, quá cao so với khả năng của nông dân.

Việc thực hiện Quyết định 497 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay mua máy nông nghiệp (trong đó có máy GĐLH) còn nhiều vướng mắc do quy định: phải có dự án, thế chấp, mua máy trong nước sản xuất, thời gian hỗ trợ lãi suất ngắn. Đối với máy GĐLH do các cơ sở trong nước sản xuất dù có nhiều tính năng độc đáo như gặt được trên đồng lúa ngập nước, ngã đổ… nhưng chất lượng công nghệ chế tạo còn kém; chưa được chuẩn hóa nên rất khó khăn trong việc thay thế phụ tùng, sửa chữa. Hầu hết cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên không đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, 6.500 lò sấy lúa trong vùng, công suất phổ biến từ 4-8 tấn/mẻ (một số ít lò sấy của các cơ sở xay xát đạt 20-30 tấn/mẻ), chỉ đáp ứng 30%-35% nhu cầu của nông dân. Tình trạng phổ biến trong vụ hè-thu là nông dân thu hoạch vào thời điểm mưa bão, lúa bị ngả màu, lên mộng, rớt phẩm cấp và mất giá. Tuy nhiên, do hầu hết các lò sấy lúa đều ở dạng nông hộ nhỏ lẻ, thủ công, lạc hậu nên chất lượng lúa sấy thường không ổn định, gạo xay ra bị gãy nhiều, hôi khói… dẫn đến mất giá. Việc xây dựng lò sấy khá tốn kém nhưng hiệu quả khai thác không cao, chỉ dùng trong vụ hè-thu, chậm thu hồi vốn nên ít người chịu đầu tư.

Điểm yếu lớn của công nghệ sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện nay là hệ thống kho chứa rất hạn chế, xuống cấp, lạc hậu… Sản lượng lúa ở ĐBSCL khoảng 20-21 triệu tấn/năm nhưng toàn bộ hệ thống kho chứa của các doanh nghiệp chưa đến 1 triệu tấn, hầu hết chỉ chứa gạo. Trong khi đó khả năng dự trữ, bảo quản lúa tại nhà của nông dân còn rất yếu kém, không quá 3 tháng. Với điều kiện mưa gió hiện nay, nếu trữ lúa tại nhà khoảng 1-2 tháng là chất lượng sụt giảm, thất thoát rất lớn…

Phải tiến tới sản xuất lớn

Các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp cho rằng: Để đổi mới và đẩy nhanh áp dụng công nghệ sau thu hoạch trong sản xuất lúa, yếu tố quan trọng là phải tổ chức sản xuất lớn. Điều này được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thực hiện nhiều năm qua.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Nếu thu hoạch bằng máy GĐLH thì tỷ lệ hao hụt trong khâu này sẽ giảm còn dưới 2%. ĐBSCL cần khoảng 10.000 máy GĐLH đảm bảo cơ giới hóa thu hoạch lúa, giảm thiểu tối đa thất thoát.

Bắt đầu từ việc liên kết hợp tác của nông dân sẽ hình thành nên các tổ hợp tác có vùng chuyên canh lúa quy mô, diện tích, sản lượng lớn, chất lượng đồng bộ. Từ đó sẽ rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ký kết hợp đồng làm ăn với doanh nghiệp, có điều kiện để xây dựng hệ thống lò sấy, kho hiện đại để bảo quản lúa.

Việc liên kết 4 nhà do đó sẽ phát huy hiệu quả hơn. Đồng thời phải có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng hệ thống kho chứa, sấy lúa quy mô lớn, hiện đại cho ĐBSCL, ít nhất từ 3-5 triệu tấn. Từ đó các doanh nghiệp có điều kiện mua lúa cho nông dân, chất lượng đảm bảo, chủ động nguồn hàng xuất khẩu, tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh…”.

Ngoài việc ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp, Nhà nước phải có chính sách cho ngành công nghiệp xông vào sản xuất máy móc nông nghiệp phục vụ nông dân. Hiện nay, chi phí đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp nên rất ít doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhận định: Công nghệ sau thu hoạch trái cây ở ĐBSCL hiện đang ở mức… quá thấp so với các nước trong khu vực, thậm chí thấp hơn một địa phương ở miền Đông Nam bộ là Bình Thuận. Hiện tại, do khâu sau thu hoạch còn “thô sơ”, thương lái thu mua trái cây trừ tỷ lệ hao hụt lớn, ép giá dẫn đến nông dân thiệt thòi lớn.

Muốn đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập, nông dân nên tự cứu mình bằng cách liên kết lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã; đầu tư xây nhà đóng gói, kho lạnh bảo quản đạt tiêu chuẩn theo quy mô vùng sản xuất…

Các nước trong khu vực đã ý thức được điều này từ rất sớm nên trái cây của họ rất tốt, giá trị cao và sức cạnh tranh rất mạnh. Tỉnh Bình Thuận là hoàn hảo nhất trong việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ trái thanh long. Nhờ vậy, mỗi năm thu về cho địa phương hàng chục triệu USD từ việc xuất khẩu thanh long. Còn ở ĐBSCL trái nào các địa phương cũng ưu tiên nhưng cuối cùng thì chẳng có ưu tiên gì…

Bình Đại

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Tỷ lệ thua kiện chống bán phá giá của VN là 70% (13/08/2009)

>   Tiêu thụ thép tăng mạnh (13/08/2009)

>   Mở rộng Khu kinh tế Dung Quất (13/08/2009)

>   Thịt nhập khẩu kém chất lượng: Không chấp nhận chiếu xạ! (13/08/2009)

>   “Việt Nam - cỗ máy năng động của ASEAN” (13/08/2009)

>   Việt Nam và Hoa Kỳ chuẩn bị ký hiệp định hàng không mới (12/08/2009)

>   Việt Nam-Campuchia hợp tác mua bán ngô đỏ (12/08/2009)

>   TPHCM chuẩn bị đấu thầu hai khu "đất vàng” (12/08/2009)

>   Doanh nghiệp TPHCM đầu tư 1.669 tỷ đồng vào Kon Tum (12/08/2009)

>   Đơn giản hóa thủ tục nạo vét, duy tu luồng hàng hải (12/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật