Tỷ giá hối đoái châu Á giảm tuần thứ hai liên tiếp
Tỷ giá giữa các đồng tiền châu Á với đôla Mỹ giảm tuần thứ hai liên tiếp, dẫn đầu là đồng Won của Hàn Quốc và Rupee của Ấn Độ, do giới đầu tư lo ngại Trung Quốc thắt chặt tín dụng làm kìm hãm chi tiêu ở quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới này.
Chỉ số tiền tệ châu Á của Bloomberg-JP Morgan trong tuần ở mức thấp nhất một tháng qua, sau khi chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 2,8%.
Chỉ số tiền tệ châu Á được xây dựng trên cơ sở theo dõi 10 đồng tiền được chi dùng nhiều nhất ở châu Á, không bao gồm đồng yên của Nhật Bản.
“Lo lắng về những tình huống có thể xảy ra ở Trung Quốc đã phủ bóng mờ lên thị trường ngay cả khi đã có những dấu hiệu hồi phục kinh tế", Mohd Yazid Safuan, quan chức thuộc Tập đoàn ngân hàng và đầu tư Al Rajhi ở Kuala Lumpur (Malaysia), nói.
Tỷ giá giao dịch đồng Won của Hàn Quốc đã giảm 0,9% so với hồi cuối tuần trước, xuống còn 1.249,85 Won/USD tại Seoul. Đồng Rupee của Ấn Độ giảm 0,7% xuống 48,605 Rupee/USD. Đồng Rupiah của Indonesia giảm 0,6%, xuống 10.015 Rupiah/USD.
Tuần này, chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mất 2,7%, mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua.
Hãng tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết, Ủy ban Pháp chế Ngân hàng Trung Quốc hôm 19/8 đã đưa ra một dự thảo những thay đổi quy định đối với các ngân hàng.
Theo đó, các ngân hàng có thể phải giảm cầm cố chứng khoán hoặc hạn chế các hình thức cho vay ngắn hạn phục vụ đầu tư tài chính, nhằm ngăn chặn nạn bong bóng chứng khoán.
Các quan chức cũng như chuyên gia kinh tế Trung Quốc đều tin rằng, đã có luồng tiền rất lớn chảy vào chứng khoán trong thời gian nới lỏng tiền tệ vừa qua. Vì lẽ đó, chỉ số chứng khoán nước này đã tăng vọt 63% từ đầu năm tới nay.
Giới đầu tư châu Á lo ngại, việc giảm bớt tín dụng ở Trung Quốc sẽ kìm hãm nhu cầu sản xuất hàng hóa ở phần còn lại của châu Á. Nhập khẩu từ khu vực này vào Trung Quốc đã tăng 13% lên mức kỷ lục 703 tỷ USD trong năm 2008.
6 tháng đầu năm nay, con số này giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 252 tỷ USD. Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) hiện là điểm đến xuất khẩu số một của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Đồng Won của Hàn Quốc đã giảm 0,2% trong ngày 21/8. Sự hồi phục ở nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này chủ yếu nhờ vào sự mở rộng tài chính của chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Yoon Jeung Hyun cho hay tại Seoul.
"Hoàn cảnh này cho thấy có sự không chắc chắn trong một số thời điểm và hồi phục có thể không vượt quá mức độ tiền khủng hoảng", ông Yoon Jeung Hyun nói.
Đồng Peso của Philippine giảm 0,8% trong tuần, nhiều nhất trong hai tháng qua, sau khi chính phủ nước này hôm 19/8 công bố thâm hụt ngân sách 7 tháng đầu năm là 188 tỷ Peso (3,9 tỷ USD), tương đương 75% mức thâm hụt dự kiến của cả năm.
Đồng Baht của Thái Lan thay đổi không đáng kể, hiện đứng ở mức 34,01 Baht/USD. Tỷ giá nhân dân tệ/USD hiện ở mức 6,8312 NDT/USD, không thay đổi nhiều so với mức 6,8342 NDT/USD hôm 14/8. Đồng Ringgit của Malaysia tăng 0,1% lên 3,5125 Ringgit/USD.
Tại Việt Nam, tuần qua, tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại ở sát mức trần cho phép, phổ biến quanh mức 17.814-17.817 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá.
* Đ.T (theo Bloomberg)
VIETNAMNET
|