Trung Quốc định chặn dòng tiền nóng chảy vào chứng khoán
Chính phủ Trung Quốc đang dự định sẽ triển khai các chính sách thắt chặt tín dụng để ngăn các dòng tiền chảy ào ạt thái quá vào chứng khoán.
Một số nguồn tin nội bộ giấu tên cho hay, Ban Pháp chế Ngân hàng Trung Quốc đã gửi trát yêu cầu các ngân hàng giảm cầm cố chứng khoán và các dạng vay ngắn hạn phục vụ mục đích đầu tư tài chính nhằm ngăn chặn bong bóng chứng khoán, một khi tiền nóng chảy vào thị trường quá nhiều.
Các nguồn tin giấu tên cũng cho hay, các ngân hàng sẽ phải báo cáo lại với Ban Pháp chế Ngân hàng Trung Quốc về tình hình cho vay kiểu đó cùng các biện pháp khắc phục vào ngày 25/8 tới.
Giới quan chức cũng như chuyên gia nước này đều tin rằng, đã có luồng tiền rất lớn chảy vào chứng khoán trong thời gian nới lỏng tiền tệ phục vụ hồi phục kinh tế vừa qua. Chính vì thế mà chứng khoán nước này đã tăng nóng tới hơn 80% và vừa rồi mới chỉ điều chỉnh giảm 20%.
Trong khi các nhà đầu tư mong mỏi thị trường sẽ tiếp tục sung mãn thì các nhà lãnh đạo lại lo lắng. Giới lãnh đạo nước này lo ngại những đồng vốn đó thay vì phải đi vào hạ tầng, sản xuất kinh doanh lại chảy sang chứng khoán, bất động sản, gây nguy hại cho nền kinh tế.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết đã phát hiện vài công ty dùng vốn vay từ nguồn kích cầu để chơi chứng khoán. Chưa một cái tên cụ thể nào được nêu ra, nhưng các công ty này đã lợi dụng sự thiếu kiểm soát của ngân hàng để dùng tiền sai mục đích. Nộp hồ sơ vay vốn kích cầu để sản xuất kinh doanh, nhưng họ lại đem vốn đi chơi chứng khoán với kỳ vọng nhanh chóng kiếm lời.
Những số liệu mới đã cho thấy các gói kích thích kinh tế khổng lồ của Trung Quốc dường như đang khiến thị trường chứng khoán nước này rơi vào trạng thái bóng bóng trong thời gian qua và giới đầu tư lo ngại chính phủ sẽ chính thức áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát tín dụng chứ không còn là tin đồn.
Giới đầu tư đang lo ngại nếu sắp tới Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn thì sẽ khiến các công ty gặp khó khăn. Nếu các ngân hàng phải khắc phục theo ý trên, rất có thể nguồn tiền nóng chảy vào chứng khoán sẽ bị chặn đứng.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc một mặt luôn khẳng định sẽ tiếp tục thực thi chính sách tín dụng “khá lỏng lẻo” để trấn an các nhà đầu tư, mặt khác đã ngầm chỉ thị cho các ngân hàng do nhà nước kiểm soát siết chặt hoạt động cho vay để hạn chế lượng cung tiền ra thị trường.
Thực tế thì từ tháng 7/2009, các ngân hàng quốc doanh đã bắt đầu phải giảm tốc độ cho vay theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc.
Theo các nhà kinh tế Trung Quốc, chính sách nới lỏng tiền tệ và tín dụng sẽ được thay thế bằng những biện pháp siết chặt được các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của nước này phê chuẩn, ít ra là cho đến khi sự phục hồi kinh tế đã trở nên vững chắc, có thể là vào quý 4 năm nay.
Có thể, Bắc Kinh đang cố gắng kiểm soát tín dụng theo hướng siết chặt hơn nhưng không làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế hay gây ra những đổ vỡ trên thị trường.
Ngân hàng Trung ương cũng cho biết sẽ sử dụng các công cụ thị trường, chẳng hạn như tăng lãi suất, để hạ nhiệt nhu cầu vay vốn và tăng cường phát hành trái phiếu để hút bớt luồng tiền.
Nếu Bắc Kinh không khéo điều hành, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ trong quá trình phục hồi có thể tiêu diệt lực cầu đang manh nha hồi phục, đặc biệt là cầu nhập khẩu các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu. Một khi chuyện đó xảy ra, Trung Quốc khó lòng nuôi hy vọng dẫn đầu thế giới vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 7 thập kỷ qua.
Nhật Vy (Theo THX, Bloomberg, Financial Times)
VIETNAMNET
|