Tổng Giám đốc Hà Dũng: Tôi đang lãi thời gian
Với việc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam từ chối cấp mới giấy phép cho đến hết năm 2015, Indochina Airlines đang là hãng tư nhân duy nhất hiện có mặt trên bầu trời nội địa. Và với Tổng Giám đốc Hà Dũng, điều này có nghĩa là anh đã có "lãi về thời gian"
Sau 8 tháng hãng này cất cánh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc Hà Dũng về vấn đề này.
Ông nghĩ gì khi quyết định mở hãng kinh doanh hàng không?
Đây là loại hình đầu tư lớn, rất khó làm, mà tôi gọi là đường dài, tư nhân sẽ không mấy người chú trọng đến. Họ sẽ chủ động đi đường ngắn hơn, đổ xô vào chứng khoán, địa ốc, nhanh kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi thích khác biệt.
Nhu cầu di chuyển nội địa của người Việt bằng máy bay không hề nhỏ. Tôi cho rằng con số này trong tương lai có thể lên tới vài triệu lượt người/năm.
Một lãnh đạo Vietnam Airlines từng nói “chuyện hành lang” rằng Vietnam Airlines có thể “bóp chết” mọi hãng khác, kể cả các hãng rất lớn, nếu đặt chân đến Việt Nam. Vậy tại sao Indochina Airlines có thể tồn tại đến bây giờ?
Không chỉ ở Việt Nam mà kinh doanh hàng không trên thế giới rất hẹp; tưởng là Việt Nam mình nhỏ bé xa xôi, nhưng những động thái lớn, trong đó có cả việc ra đời hàng không tư nhân, được xếp vào những sự kiện khá lớn.
Tôi cũng đã từng nghe một quan chức Vietnam Airlines nói như vậy, nhưng tôi hiểu rằng, khi hội nhập thì có những hàng rào bảo hộ, các hiệp định song phương, ngành gì nhà nước sẽ độc quyền còn ngành gì bao nhiêu năm thì mở cửa, tăng cạnh tranh trong từng giai đoạn. Vì vậy còn rất ít mảnh đất để cho người Việt Nam có thể cày bừa, trong đó có hàng không.
Mới chỉ có 3 hãng như vậy trên mảnh đất này. Dành cho người Việt thì không cớ gì lại “bóp chết” một doanh nghiệp Việt. Thị trường hàng không còn khá lớn, Vietnam Airlines và Jetstar mới đảm bảo được một phần hành khách, đây không phải là thời điểm mà nói về mặt lí thuyết là giành giật nhau. Vì thế, lúc này là lúc chưa phải để ai đó “bóp chết” chúng tôi, còn chừng nào “bóp” tôi nghĩ cũng phải lâu lâu nữa chứ, khi nào Indochina to lên, chưa bây giờ mới chỉ là “chú tiểu”, ăn thua gì (cười).
Được biết ông đã từng tính chuyện làm hàng không từ rất sớm?
Tôi ham kinh doanh, và đã có thời cho kéo cái khách sạn nổi 5 sao Saigon Floating Hotel về đậu ở sông Sài Gòn. Còn nhớ khi đó một lãnh đạo phụ trách du lịch đứng lên nói với ngành, là các anh phải làm thế nào chứ bây giờ doanh số cả ngành du lịch chỉ bằng một cái khách sạn 5 sao...
Cách đây khoảng 20 năm, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất với Trung ương phải có mô hình nào đó để kêu gọi đầu tư, góp phần đối phó với cấm vận. Trung ương cho thành lập một Tổng công ty nhà nước nhưng không có vốn, tôi là một Phó Tổng giám đốc lo mọi việc trong nước.
Đáng ra khoảng cuối những năm 1980 đã có thể cất cánh, nhưng đây đã là chuyện cũ không muốn nhắc lại. Lúc đó nào đã ai nghĩ tới hàng không tư nhân, vì vừa độc quyền nhà nước, lại chưa có luật đầu tư nước ngoài, thậm chí chưa có cả luật cty.
Hàng không là cái nghiệp của tôi. Tôi học ngành trắc địa hàng không ở Nga với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, chuyên bay chụp từ trên không xuống để tìm tài nguyên khoáng sản, vẽ bản đồ và kế hoạch mở hãng đã được Chính phủ cho phép bằng văn bản.
Hoạt động kinh doanh của Indochina Airline hiện như thế nào?
Bọn tôi lập nhiều kỷ lục lắm. Hầu như không có hãng hàng không thương mại nào từ cái ngày nhận được giấy phép cho tới lúc cất cánh bay lên chỉ có 6 tháng như Indochina. Thứ hai là ít có hãng hàng không nào vượt qua được cái mốc 6 tháng để có 30% khách đi trên một chuyến bay, cái đó gọi là hệ số sử dụng ghế, trong khi chúng tôi chỉ 5 tháng đã lên tới được 80%. Kỷ lục thứ 3 là vượt kế hoạch kinh doanh trình Chính phủ để xây thương hiệu, đạt mốc hòa vốn.
Kỷ lục là nền tảng để nhìn lại cái hiện tại của mình, chuẩn bị tương lai. Quá khứ chỉ có một giá trị duy nhất là con đường để dẫn tới hiện tại, vì vậy vinh quang và thất bại không còn ý nghĩa gì. Cuộc sống luôn thay đổi. Kỷ lục cũng có mặt trái mặt phải, và cũng có khi gây ra cho mình những khó khăn.
Gần đây có một ông xăng dầu kêu ca hãng tôi thiếu nợ. So sánh nhé, bây giờ sản xuất thép thì có thể có thép thanh, cuộn, chữ L, chữ U, có răng hay không răng, tức là sản phẩm rất nhiều nhưng mà đầu vào chỉ có phôi thép. Hàng không đầu vào thì hàng trăm: xăng dầu, hệ thống vận chuyển chỗ, tiếp viên, tổ lái, thuê máy bay, suất ăn, thiết kế quần áo trang phục… nhưng sản phẩm đầu ra chỉ có một và rất khó bán. Chỉ có một ông xăng dầu kêu là đã quá giỏi!
Ý kiến của ông về việc ngưng cấp giấy phép thành lập hãng hàng không tới hết 2015?
Trước hết là do khủng hoảng kinh tế. Và đất nước nào cũng vậy thôi, có hàng trăm hàng vạn công ty, nhà máy, ngân hàng nhưng hàng không thì vài hãng thôi chứ. Đã có 5 giấy phép rồi, tất nhiên hiện nay có 3 ông bay thôi, thì tôi nghĩ vậy thôi cũng đủ rồi.
Ông nghĩ sao khi một số báo chí viết về Indochina với những cái tít như “hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng chỉ còn 1 máy bay”, “nợ tiền xăng”, “hứa trả hết nợ tiền xăng” hoặc “Vinapco không cho hãng hàng không của nhạc sĩ Hà Dũng khất nợ”…. Những cái tít như reo lên! Vì sao vậy?
Đó như là thói quen, thói quen xấu của loài người nói chung và nhất là của người Việt. Tôi ra Hà Nội, từ bé đến lớn không biết chửi thề, rất khó chịu, nhưng giờ có lúc lựa chỗ nào chửi thề được một cái thấy dễ chịu lắm (cười). Tốt nhất là chúng ta làm cho được việc chứ giải thích làm gì.
Tôi không nghĩ mình có cơ hội và thời giờ để đi giải thích, nhưng nếu có dịp thì chỉ cần nói một câu: mấy anh chị biết gì mà nói? Nhưng mà thôi, cứ coi như ngồi nói chuyện với các bạn là cách giải tỏa chứ đi giải thích hết thì mệt lắm.
Có cái tin buồn cười như: hãng còn có 1 chiếc máy bay. Đang trong giai đoạn phát triển thương hiệu, cất cánh lên có thể lỗ, vì vậy bay 1 chiếc, 2 chiếc, hay 3 chiếc đây? Tóm lại là mấy anh chị ấy biết gì mà nói chứ.
Người có hiểu biết tối thiểu về ngành hàng không sẽ thấy việc tôi làm là khó và không phải là việc để đi kiếm tiền. Dư luận có ý kiến bêu riếu tôi mắc nợ đúng không? Làm ăn mắc nợ mà người ta vẫn làm thì họ đâu có để kiếm tiền để bỏ vào túi riêng đâu, mà phải vì lí do nào khác nữa chứ? Tại sao lỗ mà người ta vẫn làm, mà lỗ mấy chục, mấy trăm tỷ người ta cũng phải biết chứ, người ta khùng à, đâu có? Tôi muốn làm cái gì đó.
Nếu anh chưa đủ hiểu biết để chọn lựa đầu tư vào ngành này thì hãy góp tiếng nói để cho người Việt mình làm được, đấy là nhắn nhủ như vậy của tôi.
TT&VH/Vietnam+
|