Tín dụng tiêu dùng Mỹ giảm tháng thứ 5 liên tiếp
(Vietstock) – Tín dụng tiêu dùng Tháng 6 tại nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ ghi nhận đà sụt giảm tháng thứ năm liên tiếp do các ngân hàng thắt chặt điều kiện cho vay, còn các hộ gia đình thì đắn đo trong việc vay mượn để trang trải cho các khoản chi tiêu.
Theo báo cáo của Cục Dự trữ liên bang (FED) công bố trong ngày Thứ Sáu 07/08, tín dụng tiêu dùng tại Mỹ giảm 10.3 tỷ USD xuống 2.5 nghìn tỷ USD, tương đương với mức sụt giảm 4.92% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong Tháng 5 vừa qua, tín dụng tiêu dùng tại nước này giảm 5.38 tỷ USD, vượt dự đoán trước đó. Các số liệu trên cho thấy đà sụt giảm kéo dài nhất kể từ 1991.
Việc giá cả bất động sản tiếp tục suy yếu và sự đình lạm trong mức lương của người lao động cho thấy tình trạng chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm đến 70% tỷ trọng GDP trong nền kinh tế Mỹ, sẽ cần thời gian để hồi phục bất chấp đà suy thoái kinh tế đang có dấu hiệu được kìm hãm. Thu nhập trong Tháng 6 ghi nhận đà sụt giảm mạnh nhất trong vòng 4 năm qua, bất chấp việc thanh toán chuyển nhượng từ kế hoạch kích thích của Chính quyền Obama đã được đẩy mạnh. Trong khi đó, người Mỹ đã thực hành tiết kiệm thêm xấp xỉ 125 tỷ USD trong thu nhập của họ so với cùng kỳ năm ngoái.
Khảo sát của Bloomberg trên 33 nhà kinh tế đưa ra dự báo bình quân rằng tín dụng tiêu dùng Tháng 6 giảm 5 tỷ USD. Còn theo FED, tín dụng tiêu dùng tại Mỹ tụt 3.2 tỷ USD trong Tháng 5.
Thẻ tín dụng
Theo thống kê của FED, nợ tuần hoàn, như các loại thẻ tín dụng, giảm 5.25 tỷ USD trong Tháng 6, đánh dấu đà sụt giảm tháng thứ 10 liên tiếp. Nợ không tuần hoàn, bao gồm các khoản vay ô tô và vay bất động sản, điện thoại, giảm 5.04 tỷ USD. Báo cáo trên không bao gồm việc vay mượn được đảm bảo bởi bất động sản.
Bên cạnh đó, nhờ tình trạng suy thoái đã có dấu hiệu dịu đi dưới sự hỗ trợ của các chương trình kích thích của Chính phủ, tình hình kinh tế Mỹ trong Quý 2 đã vượt qua khỏi tình trạng tiết giảm tiêu dùng tồi tệ nhất kể từ 1980.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này suy giảm hơn mức dự báo ở mức -1% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi sụt giảm -6.4 % trong quý trước.
Còn theo 78 nhà kinh tế trong cuộc khảo sát bình quân của Bloomberg trước đó, nền kinh tế Mỹ sụt giảm -1.5%.
Ngoài ra, chi tiêu Chính phủ tăng 5.6% trong quý vừa qua, là mức tăng mạnh nhất kể từ 2003. Nguyên nhân do chương trình kích thích trị giá 787 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu phát huy tác dụng. Mục tiêu của nguồn ngân quỹ là trợ giúp nhà nước thuê công nhân, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và việc cắt giảm thuế.
Chi tiêu tiêu dùng
Sau khi gia tăng 0.6% trong Quý 1, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đã quay đầu giảm trở lại ở mức 1.2%. Sức mua suy giảm 2%, đạt mức sụt giảm tương tự cuối năm 2007 và ghi nhận đà suy yếu mạnh nhất 2.4% trong cơn suy thoái của năm 1980.
Theo số liệu của Bộ Thương mại đưa ra ngày 4/8, thu nhập cá nhân Tháng 6 tại Mỹ, bao gồm thu nhập từ lợi tức, cổ tức, cho thuê và các khoản thanh toán khác như lương bổng giảm 1.3%. Hoạt động chi tiêu tăng 0.4% trong Tháng 6 do giá cả leo thang.
Tiền lương trong Tháng 6 giảm 4.7% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này được bắt đầu công bố vào năm 1960.
Thị trường lao động Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu khả quan
Theo bộ Lao động Mỹ, tình trạng sa thải nhân công đã có dấu hiệu được kìm hãm trên toàn nước Mỹ, và thời điểm hiện tại cũng là lần đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn nước Mỹ giảm trở lại trong hơn 1 năm vừa qua. Theo đó, số lao động bị sa thải trong Tháng 7 là 247,000, khả quan hơn nhiều so với con số 443,000 của Tháng 6 trước đó. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 9.4% so với mức 9.5% trong tháng trước đó. Đây cũng là mức kỷ lục trong 26 năm trở lại đây.
Dù vậy, Nhà Trắng vẫn đưa ra lời cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn có thể đạt 10%. Bên cạnh đó, với việc các tập đoàn kinh tế đang thể hiện động thái theo đuổi chính sách tối thiểu hóa chi phí, có vẻ như thực trạng sa thải lao động vẫn diễn ra và thực trạng thị trường này khó có thể cải thiện ít nhất là đến thời điểm đầu năm 2010.
Tỷ lệ vỡ nợ gia tăng kỷ lục
Theo thống kê của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings công bố ngày 31/7, tình trạng vỡ nợ thẻ tín dụng tăng lên mức kỷ lục trong Tháng 6 do người tiêu dùng cắt giảm thanh toán trong bối cảnh thất nghiệp và phá sản gia tăng.
Fitch cũng cho biết, sự gia tăng trong tỷ lệ vỡ nợ đã có dấu hiệu chậm lại so với thời điểm đầu năm và những dấu hiệu cải thiện đáng kể có thể sẽ xuất hiện trong tương lai gần.
Các hãng phát hành thẻ tín dụng hàng đầu nước Mỹ như MasterCard Inc, Visa Inc, Capital One Financial Corp., Discover Financial Services và American Express CO. đã cắt giảm ngân sách marketing tổng cộng 636.8 triệu USD trong Quý II vừa qua. Đây là hậu quả của tình trạng thất nghiệp gia tăng những tháng đầu năm và kéo theo đó, là sự sụt giảm trong nhu cầu chi tiêu cũng như gia tăng số vụ phá sản cá nhân tại Mỹ.
Thị trường ô tô chưa thể khởi sắc
Trong lĩnh vực ô tô, doanh số ô tô và xe tải trong Tháng 6 và Tháng 5 lần lượt giảm 9.7 triệu và 9.9 triệu đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới nhất tuần này cho thấy, trong Tháng 7, doanh số này tăng lên 11.3 triệu đơn vị, ghi nhận đà tăng trưởng mạnh nhất kể từ Tháng 9 năm ngoái. Theo nhận định, doanh số ô tô sẽ có thể phục hồi hơn nữa nhờ chương trình “Đổi xe lấy tiền mặt” nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ xe tại nước này.
Bội Mẫn (Theo Bloomberg)
|