Thóc nhiều, nhưng khó nhặt
Theo cam kết khi gia nhập WTO, năm 2011 Việt Nam sẽ mở cửa thị trường gạo để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu trực tiếp. Liệu khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có tràn vào chiếm lĩnh thị trường, giành chỗ của các doanh nghiệp quy mô nhỏ của Việt Nam?
Sợ vì lạc hậu!
Việt Nam hiện sản xuất hơn 38 triệu tấn lúa mỗi năm, trong đó dành trên dưới 5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Tuy vậy, có một nghịch lý là hiện nay hệ thống kho chứa quá lạc hậu, cũ kỹ nên chỉ mang tính tạm thời và công suất chứa chỉ chừng 2 triệu tấn.
Việc sản xuất lúa ở ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu dựa vào lao động thủ công khiến tỷ lệ thất thoát lên đến 13-14,6%. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phó giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngay cả khâu quan trọng nhất là chế biến thì công nghệ cũng quá lạc hậu.
Theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp chế biến gạo đều không trang bị máy sấy lúa mà chỉ một số trang bị máy sấy gạo sau khi được chế biến. Tính toán sơ bộ của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, tổng mất mát về khối lượng do quy trình công nghệ chế biến gạo bất hợp lý đã ở mức từ 5-15%.
“Do thiếu các thiết bị sấy và tồn trữ, thậm chí cả vốn mua lúa, gạo, nên các doanh nghiệp phải chấp nhận phương án “chặt khúc” công nghệ, làm mất mát nghiêm trọng về số lượng lẫn chất lượng hạt gạo. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng thiếu chủ động trong kinh doanh, nhất là khi đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mà vẫn không đủ lượng lúa để xay xát và giao đúng hạn”, ông phân tích thêm.
Theo ông Tấn, ngay cả Nhà nước và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng chưa có những chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ và mua sắm thiết bị mới để nâng chất lượng hạt gạo chế biến.
Phải chăng đó là lý do khiến một số doanh nghiệp quy mô nhỏ lo rằng, một khi mở cửa thị trường, các tập đoàn nước ngoài với thế mạnh về vốn, công nghệ sẽ dần lấn sân trong lĩnh vực chế biến và xay xát gạo? Bởi theo ông Tấn, chỉ cần đầu tư tốt hệ thống kho chứa và chế biến, lợi nhuận dôi thêm từ hạt gạo Việt Nam đã tròm trèm 226 triệu đô la Mỹ/năm, nhờ giảm tỷ lệ thất thoát, kém phẩm chất, chưa nói đến lợi nhuận từ các hợp đồng xuất khẩu. Nếu vậy, nông dân sẽ được lợi hơn bởi các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh thu mua nguyên liệu, đẩy giá lên.
Cái khó sẽ ló cái lợi?
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, nói ông không tin vào viễn cảnh “cơn lốc” các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lao vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gạo của Việt Nam ngay sau năm 2011. “Suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng dây chuyền và đến năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài cũng khó hăng hái mở rộng đầu tư”.
Cũng theo ông Dũng, ngay cả đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp cũng khó có thay đổi lớn. “Nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư rủi ro cao, liên quan nhiều đến chủ trương, chính sách của Chính phủ. Thực ra, phải có cơ chế khuyến khích, ưu đãi gấp 2-3 lần các lĩnh vực khác thì mới có hy vọng”, ông nói.
“Mức lợi nhuận từ xuất khẩu gạo hiện nay không cao nên khó hy vọng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ bỏ tiền tỉ để căng sức ra quản lý”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL nhận định.
Ông Phạm Vỹ Bền, Giám đốc Công ty cổ phần Tháp Sơn (Đồng Tháp), cũng cho rằng kinh doanh gạo khó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bởi tỷ lệ rủi ro cao. “Gạo không phải như cà phê, muốn bán lúc nào cũng được. Thái Lan đã mở cửa thị trường gạo nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất ít”, ông nói.
“Tại Thái Lan, các doanh nghiệp tư nhân phát triển khá mạnh, nên các nhà đầu tư nước ngoài e ngại cạnh tranh không lại. Còn ở Việt Nam, chính cơ chế điều hành xuất khẩu gạo lại khiến họ e dè”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết. Theo ông này, dù sẽ mở cửa thị trường vào năm 2011, nhưng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo khó thay đổi vì đây là mặt hàng thuộc diện an ninh lương thực. Nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ… vẫn thường xuyên ban hành lệnh tạm ngưng xuất khẩu vì lý do an ninh lương thực.
Trên thực tế, chính cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không dám bỏ vốn đầu tư công nghệ, đành an phận làm vệ tinh cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn để tránh rủi ro, huống chi các nhà đầu tư nước ngoài “lạ nước, lạ cái”.
Năm 2009, dự kiến lượng gạo xuất khẩu do hai tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc chi phối vẫn chiếm khoảng 40% tổng lượng gạo xuất của Việt Nam. Với lượng hợp đồng tập trung sẵn có hàng năm cộng với nhiều ưu đãi khác, hai tổng công ty nói trên sẽ là đối thủ đáng ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài nào muốn nhăm nhe.
Do đó, theo dự đoán của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, sau năm 2011 nhiều khả năng sẽ chỉ có một số ít nhà đầu tư như Nhật… vào Việt Nam nhưng chủ yếu để xuất ngược trở về Nhật, tận dụng hệ thống phân phối sẵn có để thu lợi.
Hồ Hùng
TBKTSG Online
|