Doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Đòn bẩy kinh tế tương lai
Thương mại hoá sản phẩm dựa trên nền tảng, kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN), các nghiên cứu khoa học nhanh chóng được đưa vào triển khai sản xuất... là một trong những thành quả mà Bộ KH&CN, cùng với các bộ, ngành đã và đang phối hợp triển khai thực hiện.
Đó cũng là kết quả nhìn thấy được kể từ khi Nghị định 80/2007/NĐ-CP (NĐ 80) có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (DN) KH&CN. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tùng - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) - về vấn đề này.
- Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình thực hiện Nghị định 80/2007/NĐ-CP của Chính phủ về DN KH&CN? - NĐ 80/2007/NĐ-CP được ban hành năm 2007. Năm 2008 có thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ KH&CN hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, trước đó nhiều đơn vị, cá nhân đã có nhu cầu thành lập DN KH&CN. Một số doanh nghiệp ra đời từ trước khi NĐ này có hiệu lực thi hành và hoạt động như DN KH&CN.
Theo thống kê sơ bộ, có hàng nghìn doanh nghiệp hiện đang hoạt động, đáp ứng đủ tiêu chí về DN KH&CN nhưng chưa tiến hành thủ tục đăng ký DN KH&CN. Một số DN KH&CN khi được công nhận và đi vào hoạt động đã có những kết quả rất tốt, mức tăng trưởng mạnh, đứng vững trên thị trường, có nhiều mặt hàng mang tính cạnh tranh cao.
- Bộ KH&CN đã và đang triển khai những hoạt động gì để giúp đỡ các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế của DN KH&CN?
- Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an... xây dựng các văn bản, chính sách, hướng dẫn thực hiện chủ trương phát triển DN KH&CN. Ban chỉ đạo liên bộ đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, UBND các địa phương nhằm trao đổi, giải đáp các vấn đề có liên quan, trực tiếp hướng dẫn các đơn vị để xây dựng và triển khai các đề án cần thiết. Chúng tôi tìm hiểu tình hình hoạt động, những khó khăn vướng mắc của các đơn vị để tư vấn kịp thời.
Hiện tại, Bộ KH&CN chủ trì chương trình "Hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập thực hiện Nghị định 115 và xây dựng doanh nghiệp KH&CN theo Nghị định 80". Chương trình này sẽ được triển khai từ năm 2009 - 2014 để hỗ trợ cho các đơn vị thành lập mới DN KH&CN. Trong đó: đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; điều tra nhu cầu phát triển công nghệ ở các bộ, ngành, địa phương; lựa chọn một số tổ chức KH&CN đang hình thành để hỗ trợ trực tiếp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, xây dựng bảo vệ thương hiệu các sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm của DN KH&CN là những nội dung chính.
- Được biết Bộ KH&CN đang chuẩn bị dự thảo đề nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN và Nghị định 80/2007/NĐ-CP về DN KH&CN, vậy nội dung sẽ sửa đổi là gì thưa ông?
- Dự thảo cho phép các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN được kéo dài thời gian chuẩn bị để thực hiện Nghị định 115 đến năm 2011, riêng các các tổ chức thuộc địa phương đến năm 2013. Dự thảo cũng đưa ra những quy định về vấn đề quản lý các nhiệm vụ KH&CN. Dự kiến sẽ đưa và tính phần kinh phí hoạt động thường xuyên vào trong dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Thủ trưởng đơn vị là người quyết định việc chi trả mức lương cao hay thấp cho cán bộ căn cứ vào mức độ cống hiến của họ theo Quy chế chi tiêu đã được tập thể thống nhất. Ngoài ra Dự thảo cũng bổ sung một số nội dung cần thiết tạo điều kiện pháp lý hoá một số quy định để không bị vướng về thẩm quyền tại các văn bản khác.
Dự thảo sửa đổi NĐ 80 chủ yếu bổ sung các đối tượng là các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ đã thí điểm thành lập theo mô hình DN KH&CN vào trong đối tượng của NĐ 80. Ngoài ra, cũng quy định việc sẽ công nhận là DN KH&CN với một số DN đã thành lập trước khi NĐ 80 có hiệu lực thi hành nhưng các đối tượng này không được ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp. Dự thảo cũng quy định rõ hơn việc giao đất, thuê đất đối với DN KH&CN tạo điều kiện thuận lợi cho các DN KH&CN.
- Khi được chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức KH&CN này sẽ có những thuận lợi gì, thưa ông?
- Khi trở thành DN KH&CN, các kết quả nghiên cứu sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào sản xuất. Cơ chế của DN KH&CN sẽ huy động được đông đảo các nhà khoa học tham gia vào nghiên cứu các vấn đề đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tăng tính thương mại hoá của các kết quả nghiên cứu.
Nhờ có các hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị có nguồn thu và có thể tái đầu tư mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, tránh sự trông chờ vốn nhà nước. Các nhà khoa học sẽ được hưởng mức lương xứng đáng với công sức đã cống hiến, yên tâm làm việc, gắn bó với đơn vị.
- Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của các DN KH&CN với thị trường?
- Các DN KH&CN trong tương lai sẽ là một lực lượng sản xuất mới bên cạnh các loại hình doanh nghiệp đang có hiện nay. Các DN KH&CN có thế mạnh trong việc áp dụng các phương án sản xuất dựa trên các công nghệ mới, công nghệ cao, mức tăng trưởng hàng năm cao, đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của đất nước. Ví dụ doanh thu của Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu năm 2008 khoảng 3 triệu USD, nếu cả nước có khoảng 1000 DN KH&CN thì tổng doanh thu sẽ là 3 tỉ USD, một con số đóng góp đáng kể với kinh tế xã hội.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh thực hiện
Lao Động
|