GS Tom Cannon: “VN sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng”
“VN cần đẩy mạnh mối liên kết ba bên: chính phủ - doanh nghiệp - các trường đại học/viện nghiên cứu. Đó chính là lợi thế của VN và là cơ hội để phát triển bền vững trong một thế giới phẳng đầy tính cạnh tranh ngày nay” - GS Tom Cannon, nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới, phát biểu trong cuộc đối thoại chủ đề “Thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xây dựng một tương lai bền vững dài hạn tại VN” do câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 3-8 tại TP.HCM.
Thiếu tự tin và chưa đủ quan hệ hợp tác
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank kiêm tổng giám đốc Công ty SJC, bắt đầu buổi ăn tối thân mật cùng GS Tom Cannon với một thắc mắc cụ thể: “VN có thoát khỏi khủng hoảng nhanh chóng?”. “Tôi tin là như thế!” - vị giáo sư đại học đầy kinh nghiệm thực tiễn trong điều hành doanh nghiệp khẳng định - Vì sao? Vì tôi có rất nhiều bằng chứng cho thấy có những yếu tố đóng góp rất mạnh cho sự phát triển kinh tế vượt bậc. Trong đó, thế hệ trẻ đóng vai trò then chốt.
Hãy nhìn lại những người đã góp phần định hình nên thế kỷ 20 như Henry Ford, Thomas Edison hay Rockefeller đều là những người khởi sự kinh doanh khi còn rất trẻ, rất sáng tạo. Qua các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần 1, lần 2 và hiện nay, độ tuổi thành công ngày càng giảm, chứng tỏ sức sáng tạo của thế hệ trẻ là nguồn động lực quan trọng để đẩy mạnh kinh tế phát triển.
Dân số trẻ và năng động đang là một lợi thế rất lớn của VN để đưa nền kinh tế hồi phục nhanh chóng. Thêm vào đó, quan hệ giữa chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp ở những nước đang phát triển như VN cân bằng hơn, trong khi ngân hàng ở các nước phát triển như Mỹ và Tây Âu đã phát triển quá lớn và sau khủng hoảng phải dùng rất nhiều tiền của chính phủ để lấy lại cân bằng”.
Điều hành cuộc trò chuyện, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chủ tịch - tổng giám đốc Pepsico Đông Dương, đặt vấn đề nóng hơn: “Ngoài điểm mạnh là sở hữu một lực lượng lao động trẻ đầy nhiệt huyết, VN có thể làm tốt hơn ở những điểm nào khác?”. GS Tom Cannon đáp: “Có hai điểm quan trọng: sự tự tin và mối quan hệ hợp tác.
Về sự tự tin, rõ ràng đây là điểm người VN còn yếu. Nhiều người nghi ngờ về khả năng kiểm soát của chính mình khi nghe tin thị trường dệt may của Mỹ giảm 5%. Vậy 95% còn lại vẫn đáng để khai thác chứ? Nhiều nước từng chỉ gia công trước khi vượt lên, nâng tầm thành thương hiệu trên toàn thế giới. Thử thách này tuy rất khó nhưng phải vượt qua để có được thương hiệu. Để có sự tự tin nên chú trọng đầu tư vào sáng tạo, tri thức”.
GS Tom Cannon cho rằng có những mối quan hệ hai bên rất đáng ca ngợi như mối quan hệ giữa chính phủ với đại học quốc gia hay giữa chính phủ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ ba bên: chính phủ - doanh nghiệp - trường đại học vẫn chưa được thiết lập và phát huy hiệu quả. Nên chăng có sự hợp tác để tạo ra một tổ chức tư duy, từ đó hỗ trợ ngược lại cho doanh nghiệp và chính phủ một cách hài hòa.
GS Tom Cannon còn nhấn mạnh khái niệm “khủng hoảng hai tầng”: khoảng cuối quý 3 hoặc đầu quý 4 năm nay sẽ có thêm một cuộc khủng hoảng nữa ở châu Âu và Mỹ do nền sản xuất chưa phục hồi kịp, tỉ lệ thất nghiệp còn cao. Theo ông, tuy hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn dai dẳng nhưng VN, Trung Quốc, Ấn Độ sẽ là những nước nhanh chóng vượt qua và phát triển mạnh hơn.
Con đường phát triển bền vững
Bà Dương Thị Ngọc Dung, tổng giám đốc Công ty May Nhà Bè, băn khoăn về 17.000 công nhân của mình: “Trong điều kiện ngành dệt VN chưa phát triển, thương hiệu quốc gia chưa có tiếng tăm, ngành may nên chọn hướng nào để phát triển bền vững và vẫn đảm bảo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong nước?”.
Từng kinh qua vai trò thành viên hội đồng quản trị một công ty may gia công cho một nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng của Anh, GS Tom Cannon bộc bạch những tiếc nuối của mình như một chia sẻ với bà Dung: “Giá như chúng tôi nhận ra rằng không chỉ có một mình nhà bán lẻ này trên thị trường và việc may gia công là mọi thứ thì công ty cũ của chúng tôi đã khác hẳn. Giá như chúng tôi tự xây dựng thương hiệu riêng cho thị trường địa phương...
Bởi lẽ trên thị trường không chỉ có một người chơi duy nhất để bạn phụ thuộc vào, kể cả khi bạn đang gia công. Vẫn có những chuỗi cửa hàng bán lẻ khác tăng trưởng đều đặn để bạn có thể mở rộng mạng lưới khách hàng. Tạo ra thương hiệu để chinh phục người tiêu dùng trên “sân nhà” là điều doanh nghiệp có thể hoàn toàn chủ động trong tầm tay. Điều chúng tôi đã làm tốt thời điểm đó là phối hợp tốt với các trường đại học để phát triển về thiết kế, về công nghệ dệt. Chi phí hợp tác với các trường đại học không nhiều. Như vậy, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để phát triển hơn chỉ dựa vào con đường gia công”.
Trần Nguyên - Khiêm Trần
Tuổi trẻ
|