Thứ Bảy, 08/08/2009 08:20

6 tháng cuối năm:

Hà Nội phấn đấu đạt GDP 7,5-8% và tiếp tục kích cầu

Tháng 7, giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) cả nước đạt 59,1 nghìn tỷ đồng (tăng 7,6% so với tháng 7-2008); tính chung 7 tháng đạt 382,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ và kể từ tháng 5, đây là tháng thứ ba sản xuất liên tục tăng.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi, song khủng hoảng chưa chấm dứt. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên địa bàn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội. Đó là nội dung chính của hội nghị giao ban về tháo gỡ khó khăn cho các DN do Sở Công thương Hà Nội tổ chức ngày 7-8.

Kết quả đáng ghi nhận

Sở Công thương Hà Nội cho biết, tháng 7, GTSXCN trên địa bàn đạt 6.950 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng 6; tính chung 7 tháng đầu năm, GTSXCN đạt 43.863,8 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng thấp nhất theo thứ tự tháng 7 so với tháng 6 và 7 tháng so với cùng kỳ tương ứng là 1,1% và 2,3%; khu vực kinh tế nhà nước tăng 1,4% và 5,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng cao nhất 4% và 8,4%. Một số ngành sản xuất duy trì được mức tăng trưởng cao như dụng cụ chính xác, thiết bị văn phòng, sản xuất hóa chất, thực phẩm đồ uống... Các ngành sản xuất giảm, gồm xe có động cơ, ti vi, thiết bị thông tin, thiết bị điện, sản xuất kim loại…

Mặc dù mới chỉ là dấu hiệu phục hồi, nhưng điều đó đã thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN trong thực hiện gói kích cầu hỗ trợ của Chính phủ và sự nhanh nhạy trong triển khai giãn, giảm, miễn thuế… của ngành chức năng. Hà Nội đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn. 7 tháng đầu năm, Tổ công tác đã chủ động khảo sát tại các công ty: May 10, Điện cơ Thống Nhất, Haprosimex, Thiết bị điện Đông Anh, VMEP, Nồi hơi, Dệt kim Đông Xuân, Thiết bị thực phẩm Phú Xuyên, Công ty Xuân Lộc Thọ, May Thanh Trì, Giầy Thượng Đình, Giầy Thụy Khuê, Bia Hà Tây, Que hàn Việt - Đức… để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là giúp các DN này tiếp cận, được vay vốn theo chính sách kích cầu của Chính phủ, nhằm ổn định SXKD và tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho biết, tính đến 31-7, tổng số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất của các tổ chức tín dụng khoảng 70 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngành sửa chữa xe có động cơ và sản xuất hàng tiêu dùng chiếm 60% tổng dư nợ; tiếp đến là khu vực HTX và hộ cá nhân. Sau khi Chính phủ có chủ trương cho vay hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ DN, từ tháng 2 đến tháng 6, tốc độ giải ngân của ngân hàng khá nhanh, nhưng từ tháng 6 đến nay, tốc độ giải ngân đã chậm lại do đến thời kỳ thu nợ. Hiện nay, tốc độ giải ngân và thu nợ tương đương nhau. Tốc độ giải ngân, tốc độ thu nợ và tổng dư nợ như hiện nay đã phản ánh được tình trạng SXKD của các DN tương đối tốt. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều DN vẫn ở trong tình trạng khó khăn.

Chọn mũi nhọn, phát triển công nghiệp chủ lực

Tại hội nghị giao ban tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn Hà Nội, các ý kiến chủ yếu góp ý về việc gia hạn thêm cho gói cho vay hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành đầu tư lớn và dài hạn; khó khăn về giải phóng mặt bằng để xây dựng cơ sở sản xuất; giá điện giờ cao điểm sáng… Công ty tư nhân Xuân Kiên chuyên sản xuất ô tô tải, Công ty TNHH một thành viên Dệt 19-5 nêu khó khăn về đào tạo công nhân bậc cao, do đào tạo được nghề cho công nhân thì họ lại tìm nơi làm việc khác có thu nhập cao hơn. Khi đưa ra tòa khởi kiện thì người lao động thường được bênh vực và không có chế tài nào để bảo vệ DN trong ràng buộc nghĩa vụ của người lao động đối với DN đã bỏ kinh phí ra đào tạo.

Theo Công ty Xuân Kiên, luật pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng cũng phải bảo vệ quyền lợi cho DN. Công ty TNHH một thành viên Dệt 19-5 cũng có chung ý kiến như Công ty Xuân Kiên, vướng mắc hiện nay của DN là tuyển dụng lao động. Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa rất nhiều tin về thất nghiệp và thiếu việc làm thì Công ty 19-5 rất khó khăn trong tuyển dụng lao động, mặc dù đối với ngành dệt may không đòi hỏi yêu cầu cao về chuyên ngành….

Với các ý kiến của DN, tại hội nghị, đại diện các sở, ngành chức năng đã giải đáp trực tiếp, đồng thời cũng quán triệt đến các DN những giải pháp cho những tháng cuối năm. Cụ thể, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, theo đó, hỗ trợ các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực, cơ khí trọng điểm, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn; xây dựng cơ chế xây dựng và quản lý thương hiệu cho một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao; tạo điều kiện khuyến khích các DN thực hiện các giải pháp tiết kiệm trong sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; tổ chức giao thương giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Thực hiện có hiệu quả đề án liên kết 3 nhà: Doanh nghiệp - Quản lý - Khoa học.

Trong một nền kinh tế không bị suy giảm, nhưng tăng trưởng yếu, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng - điều đó có nghĩa là thu nhập hộ gia đình sẽ tiếp tục giảm. Do đó, sức tiêu thụ - một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có thể sẽ bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới sẽ trì trệ và đạt mức tăng trưởng thấp trong một thời gian dài. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến nước ta, nhất là những khu vực đô thị lớn như Hà Nội, vì vậy tháo gỡ khó khăn cho các DN phải tiếp tục được duy trì và chú trọng. Có như vậy, Hà Nội mới đạt mức tăng trưởng 7,5-8% trong những tháng cuối năm theo kế hoạch.

23.267 doanh nghiệp được giảm 310 tỷ đồng tiền thuế

- Theo số liệu của Sở Công thương, thực hiện giảm, giãn thuế thu nhập DN, số thuế được giảm là 310 tỷ đồng của 23.267 DN; giảm thuế GTGT, số thuế được giảm là 834 tỷ đồng của 7.736 DN; giãn thuế TNCN, số thuế được giãn là 639 tỷ đồng của 477.516 lượt người.

- Công tác quản lý thị trường cũng được tăng cường nhằm hỗ trợ DN trong việc phải "cạnh tranh" với hàng lậu, hàng cấm, hàng giả… Qua kiểm tra, tổng số 2.881 vụ, xử phạt hành chính 2.627 vụ, trong đó hàng nhập lậu, hàng cấm 370 vụ, phạt tiền hơn 765 triệu đồng; hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp 115 vụ, phạt tiền 317,59 triệu đồng; vi phạm về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm 101 vụ, phạt tiền 464,5 triệu đồng; vi phạm về nhãn hàng hóa 566 vụ, phạt tiền 905,75 triệu đồng; vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh 963 vụ, phạt tiền 989,375 triệu đồng và nhiều vi phạm khác được xử lý.

 

Thanh Mai

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Cá tra Việt Nam chiếm 99,9% thị phần thế giới (08/08/2009)

>   Xuất khẩu hồ tiêu đạt 80.000 tấn (08/08/2009)

>   7 tháng, phải nhập 500.000 tấn muối (08/08/2009)

>   Idemitsu có thể mở rộng dự án lọc dầu Nghi Sơn (08/08/2009)

>   Doanh nghiệp mong “nới” thời hạn gói kích cầu (08/08/2009)

>   Ninh Thuận: 3.500 tỷ đồng mở rộng đường ven biển (08/08/2009)

>   Nâng tổng công ty thành tập đoàn: Khó vì thiếu luật (08/08/2009)

>   Nhanh chóng thu hồi 298 tỷ đồng nợ tồn (08/08/2009)

>   Tăng trưởng và tồn kho (08/08/2009)

>   Doanh nghiệp FDI sẽ tham gia xuất khẩu gạo (08/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật