Nâng tổng công ty thành tập đoàn: Khó vì thiếu luật
Nếu gom các tổng công ty lại thành một tập đoàn kinh tế thì nhiều thương hiệu lớn có nguy cơ bị mất.
Tập đoàn chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực duy nhất hay kinh doanh đa ngành nghề? Đó là hai vấn đề lớn được các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận tại hội thảo bàn về việc thành lập tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí, lắp máy Việt Nam, tổ chức hôm qua (7-8) tại Hà Nội.
Nên đa ngành hay chỉ một?
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ đề án thí điểm thành lập hai tập đoàn kinh tế: Tập đoàn Công nghiệp xây dựng cơ khí nặng do Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt; Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đô thị làm nòng cốt.
Tuy nhiên, ông Phạm Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), cho biết theo ông tìm hiểu thì trên thế giới chưa có nước nào có tập đoàn công nghiệp xây dựng cơ khí nặng mà chỉ có tập đoàn công nghiệp nặng, chẳng hạn như Mitsubishi của Nhật Bản.
Về việc tập đoàn kinh tế nên kinh doanh đa ngành nghề hay chỉ một, ông Hùng cho rằng tiềm lực của các doanh nghiệp của ta còn hạn chế thì tập đoàn kinh tế nên kinh doanh đa ngành nghề và phải đứng vững bằng nghề mũi nhọn. Tập đoàn kinh tế không phải chỉ mạnh về vốn mà phải đảm bảo giải quyết được việc làm, có lợi nhuận, khả năng cạnh tranh cao. Thiếu các yếu tố này thì không thể gọi là tập đoàn kinh tế được.
Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng không nên tập hợp nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác nhau trong một tập đoàn. Khi đó sẽ rất khó để xây dựng cho một thương hiệu. Nếu gom các tổng công ty lại thành một tập đoàn kinh tế thì thương hiệu như Lilama, Sông Đà... đã xây dựng trong mấy chục năm qua sẽ có nguy cơ bị đánh mất.
Ngoài ra, theo ông Ngãi, nếu một tập đoàn kinh tế mà gồm nhiều ngành nghề khác nhau sẽ dễ bị phân tán lực lượng, không chuyên môn hóa cao và khó tập trung được vốn cũng như công nghệ.
Nên thí điểm để chờ luật
Ông Vũ Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, cho rằng nếu theo đề án của Bộ Xây dựng thì sẽ tập hợp hầu hết các tổng công ty của ngành xây dựng vào tập đoàn. Như vậy không còn là thí điểm nữa vì sau khi chúng ta thí điểm thì không còn gì để áp dụng nữa. Chúng ta chỉ nên thí điểm thành lập hai tập đoàn từ Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà và Lilama bởi lẽ cả hai tổng công ty này đều đã rất lớn mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung lực lượng để cổ phần hóa các tổng công ty khác.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng băn khoăn: “Rất tiếc là theo quy định hiện hành thì tập đoàn không có tư cách pháp nhân. Như vậy, khi trở thành tập đoàn thì “tổng giám đốc” sẽ gọi là gì? Tôi đề xuất: Trước tiên chúng ta phải hoàn thiện gấp quy chế, quy định, điều lệ về tập đoàn kinh tế. Trong giai đoạn chờ khung pháp lý để quản các tập đoàn kinh tế, chúng ta chỉ nên làm thí điểm nâng tổng công ty lên thành tập đoàn mà thôi”.
Phân vân với việc thành lập thêm hai tập đoàn kinh tế nhà nước nữa khi chưa có khung pháp lý cho mô hình này, ông Trần Ngọc Hùng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đặt câu hỏi: Tập đoàn khác tổng công ty như thế nào? Tập đoàn có phải là số cộng các tổng công ty với nhau hay không? Phải chăng tập đoàn kinh tế thì có chiến lược, có quy mô về vốn, nhân lực chuyên môn... cao hơn?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế: Cần công khai hiệu quả đồng vốn
Cho đến nay, chúng ta đang thiếu khung pháp lý về quyền hạn của chủ sở hữu, trách nhiệm giải trình của các tập đoàn đối với chủ sở hữu vốn nhà nước. Câu hỏi là trong suốt thời gian qua, hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền vốn thuộc sở hữu nhà nước được quản lý theo khung pháp lý nào, trách nhiệm cá nhân của thành viên hội đồng quản trị quản lý vốn thuộc sở hữu nhà nước được quy định ở đâu? Các tập đoàn nắm giữ khối tài sản rất lớn của nền kinh tế quốc dân, không chỉ tiền vốn mà còn hầm mỏ, đất đai, rừng biển..., đem lại những đặc quyền kinh doanh rất lớn mà không một doanh nghiệp tư nhân nào có được. Thế nhưng nhà nước thực hiện quyền chủ sở hữu như thế nào?
Vì tập đoàn kinh tế nhà nước sử dụng vốn của dân nên người dân với tư cách đồng sở hữu cần được biết tám tập đoàn kinh tế sử dụng vốn, tài nguyên... đạt hiệu quả như thế nào; mô hình tập đoàn kinh tế đã đạt được những tiến bộ và ưu việt gì so với mô hình tổng công ty nhà nước trước đây.
Những câu hỏi này cần được chứng minh bằng số liệu cụ thể.
Lê Thanh
Pháp luật
|