Thứ Sáu, 07/08/2009 23:12

Cạnh tranh trong giới hạn

Khi thị trường điện cạnh tranh đi vào hoạt động, bên bán và bên mua vẫn phải đàm phán hợp đồng mua bán điện.

Nhiều chủ đầu tư nguồn điện quan niệm rằng, khi thị trường điện cạnh tranh hoạt động sẽ giúp việc bán điện thuận lợi và dễ dàng hơn, thậm chí không cần lo lắng tới việc đàm phán giá điện, “có hàng muốn bán lúc nào cũng được, giá hấp dẫn mới bán”. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cho thấy, họ đã lạc quan quá sớm.

Ông Đoàn Văn Kiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) khi được hỏi về quá trình đàm phán giá điện với EVN của Dự án Nhiệt điện Cẩm Phả 3 mà TKV dự định thuê đối tác nước ngoài gia công điện cho mình, đã cho rằng, tới thời điểm năm 2012-2013 khi nhà máy đi vào hoạt động, thị trường điện cạnh tranh đã vận hành rồi, nên không quá lo lắng chuyện đàm phán mua bán điện.

Với thực tế đàm phán các hợp đồng mua bán điện kéo dài không dưới 1 năm, thậm chí là 2 năm ở các nhà máy điện mà TKV là chủ đầu tư như Cao Ngạn, Na Dương hay Sơn Động hiện nay, thì việc trông chờ sự hình thành thị trường điện như TKV là tất yếu.

Tuy nhiên, theo thiết kế các quy định của thị trường điện mà Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) đang xây dựng, giao dịch mua bán điện giữa các đơn vị phát điện và đơn vị mua duy nhất thực hiện qua 2 hình thức gồm: hợp đồng mua bán điện song phương có thời hạn và thị trường điện giao ngay. Theo đó, các nhà máy điện sẽ được thanh toán theo giá hợp đồng với tỷ lệ 90-95% sản lượng điện thực tế phát hàng năm. Phần còn lại sẽ được thanh toán theo giá thị trường giao ngay.

Như vậy, với 90-95% sản lượng điện được trả theo giá hợp đồng này, bên bán và bên mua vẫn phải tiến hành đàm phán hợp đồng mua bán điện, để làm cơ sở trả tiền. Điều đó cũng có nghĩa là, các nhà đầu tư nguồn điện độc lập vẫn sẽ phải dành thời gian và công sức để đàm phán giá điện với bên mua trước khi tiến hành khởi công dự án, đặc biệt là với các nhà đầu tư không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Một chuyên gia của EVN cho hay, với đặc tính sản xuất đồng thời với tiêu thụ, chứ không thể tồn trữ để mang bán lúc thị trường khan hiếm, nên không phải tất cả các nhà máy sẽ được huy động 24/24 giờ. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm chênh lệch nhau như hiện nay tới khoảng 4.000 MW, nên vào giờ thấp điểm sẽ có những tổ máy không được huy động vì giá cao.

“Hệ thống điện vẫn sẽ phải thông qua đàm phán các hợp đồng mua bán điện để đảm bảo nhu cầu điện cho hoạt động của nền kinh tế. Nếu không được đảm bảo nguồn cung ở một tỷ trọng nhất định so với nhu cầu điện mà vận hành theo kiểu thả tất cả nhà máy điện ra thị trường, thì giá điện ngay lập tức sẽ bị chủ đầu tư các nhà máy điện chào rất cao và cung cấp điện cho nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”, ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) nhận xét.

Về phía mình, các nhà đầu tư muốn vay được tiền đầu tư nhà máy, cần phải chứng minh được với các tổ chức tài chính tín dụng về hiệu quả của dự án. Mà điều này phụ thuộc hoàn toàn vào giá bán điện của dự án, bởi không tổ chức tài chính nào khi chẳng rõ hiệu quả hoạt động mà lại sẵn sàng cho vay. Bởi vậy, các nhà đầu tư không thể thờ ơ với việc đàm phán giá điện, vì theo định hướng của thị trường điện, 90-95% sản lượng điện lại được trả theo giá hợp đồng, tức là phải qua đàm phán, chứ không phải giá cao mới bán.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán các dự án điện hiện nay đang cho thấy, trong khi các dự án BOT của các nhà đầu tư nước ngoài đàm phán hợp đồng mua bán điện rất nghiêm túc và khi nào ký được hợp đồng mua bán điện mới tiến hành khởi công xây dựng nhà máy, thì nhiều nhà đầu tư các dự án điện độc lập trong nước (IPP) đang cố tình lờ chuyện đàm phán giá điện, trong khi lại chuẩn bị rất rầm rộ cho việc khởi công xây dựng.

Với thực tế trên, việc các nhà máy đã đi vào vận hành, nhưng phải “cắn răng” chấp nhận mức huy động thấp so với công suất nhà máy, dẫn tới nguồn thu không như dự định là thực tế đang diễn ra ở một số dự án điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và TKV. Trong khi đó, bên mua điện là EVN lại không bị ràng buộc trách nhiệm bởi hợp đồng mua bán điện vẫn chưa được hoàn tất và các vướng mắc giữa bên mua-bên bán, lại không được cơ quan hữu trách nào phân xử, bởi e ngại sẽ trực tiếp đẩy giá điện bán cho người tiêu dùng lên cao.

Thanh Hương

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Quảng Trị lập đề án khu kinh tế 30.000 tỷ đồng (07/08/2009)

>   Thị trường dược: rộng cửa cho doanh nghiệp nước ngoài (07/08/2009)

>   Thị trường lao động có dấu hiệu hồi phục (07/08/2009)

>   Mở “nút thắt” thị trường Nga (07/08/2009)

>   Quay lại phương thức xuất khẩu cà phê cũ (07/08/2009)

>   Quy định mới về quá cảnh hàng hóa của Lào qua lãnh thổ VN (07/08/2009)

>   Gỡ vướng cho các chương trình phát triển nhà ở (07/08/2009)

>   VN dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng (07/08/2009)

>   3.500 tỉ đồng xây đường Mỹ Phước-Tân Vạn (07/08/2009)

>   Thêm nhiều DN đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật