Thứ Sáu, 07/08/2009 19:37

Mở “nút thắt” thị trường Nga

Liên tiếp trong tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ba cuộc hội thảo xúc tiến thương mại và đầu tư vào thị trường Nga ở Cần Thơ, TPHCM và Vũng Tàu. Nhân sự kiện này, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Onlineđã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Chí Tâm, Chủ tịch tiểu ban thương mại trong phân ban Việt Nam của Ủy ban liên chính phủ Việt-Nga xung quanh câu chuyện giao thương Việt-Nga.

Thưa ông, tại sao bây giờ VCCI, rồi Bộ Công thương rầm rộ tổ chức nhiều hội thảo giới thiệu thị trường Nga cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi lâu nay, khá nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở phía Nam, gần như ít xem trọng thị trường này, dù nhiều người nói là thị trường truyền thống?

Tôi khẳng định là bây giờ thị trường Nga đã thay đổi nhiều lắm, không còn như trước đây khi nền kinh tế Nga gặp khó khăn. Bây giờ, nền kinh tế Nga mạnh và phát triển như thế nào trên thế giới thì ai cũng biết, các chỉ tiêu sức mua, dân số 140 triệu người với tâm lý tiêu dùng không còn dè sẻn như trước.

Có doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói với tôi khả năng chi tiêu của người Nga khi du lịch sang Việt Nam là “một người Nga bằng hai mươi ba người Pháp”. Không biết có chính xác không, nhưng nếu chỉ nhìn vào 80.000-100.000 du khách Nga vào Việt Nam mỗi năm cũng phần nào nói lên điều đó.

Thị trường Nga bây giờ yêu cầu chất lượng hàng hóa, dịch vụ cao, lại cạnh tranh tự do và gần như mở cửa tuyệt đối. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga năm ngoái lên tới 778 tỉ đô la Mỹ, tổng thu nhập quốc nội đứng hàng thứ bảy trên thế giới và đạt 2.200 tỉ đô la Mỹ tính theo sức mua, tăng bình quân 6-7% mỗi năm.

- Báo chí mấy ngày qua nói nhiều về tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang Nga, ông có thể nói vắn tắt tiềm năng đó là gì?

Đơn giản nền kinh tế Nga bây giờ khá mạnh, chi dùng của người dân cao nhưng hàng của Việt Nam sản xuất và của Nga lại không cạnh tranh nhau, mà có tính bổ sung cho nhau. Chẳng hạn Nga không trồng được cà phê, chè, gạo thì những thứ này Việt Nam ta có dồi dào. Ta sản xuất sắt thép không đáng bao nhiêu thì Nga lại khá nhiều, mà kim ngạch xuất khẩu của Nga vào Việt Nam hiện nay đứng đầu vẫn là sắt thép. Đây là tiềm năng, là cơ hội, nó khác với các thị trường khác.

Nước Nga bây giờ đã qua lâu rồi cái thời Việt Nam sản xuất hàng trả nợ theo nghị định thư, có cái gì cũng đưa được sang Nga, bất chấp chất lượng kém.

- Nhưng liên tục nhiều chuyện xảy ra, khi doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng sang Nga như vụ gạo năm 2007 rồi năm 2008 thì Nga lại tạm đóng cửa thị trường thủy sản. Vậy liệu đưa hàng sang Nga có gặp khó khăn?

Giao thương thì phải có rào cản, thị trường Nga cũng vậy. Vụ gạo năm 2007, rồi tôm cá năm ngoái là do doanh nghiệp chúng ta chứ không thể đổ thừa hoàn toàn bởi hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm của Nga. Suy cho cùng, nếu hàng không đảm bảo chất lượng thì nhà đương cục phải tạm đóng cửa để bảo vệ sức khỏe của người dân là chuyện đương nhiên, nếu là Việt Nam ta cũng vậy.

Theo tôi biết thì trong tháng 7 qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sang làm việc với Bộ Nông nghiệp Nga và có đưa cho phía Nga dự thảo hiệp định về kiểm tra vệ sinh an toàn nông thủy sản của hai nước. Nếu chính phủ hai nước ký được hiệp định này sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho nông thủy sản Việt Nam sang Nga.

Cái khó khăn đầu tiên lại là thông tin. Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ở phía Nam, rất thiếu thông tin về thị trường Nga, nên e ngại cũng đúng. Trong khi doanh nghiệp ở phía Nam lại có thế mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, những thứ mà thị trường Nga rất cần.

Nhiều doanh nghiệp phía Nam bây giờ vẫn còn nghĩ thị trường Nga y như lúc Liên Xô cũ mới sụp đổ, nền kinh tế đầy rẫy khó khăn vào đầu thập niên 1990. Việc đóng cửa chợ Vòm của người Việt ở ngoại ô Moscow mới đây của Nga là một bước để Nga tiến tới văn minh thương mại. Ở Nga bây giờ mọc lên nhiều đại siêu thị, nhiều trung tâm thương mại, hình thành các đô thị mua sắm chứ không còn cảnh thương mại hoang sơ như trước kia.

Tôi chỉ mơ làm sao nước xoài ép, nước chôm chôm hay trái thanh long, hay cái khăn tắm trong khách sạn cao cấp của Nga do Việt Nam sản xuất và xuất khẩu sang đó.

Rào cản thứ hai khi đưa hàng sang Nga lại là tâm lý của doanh nghiệp. Người Việt trong nước biết tiếng Nga ít đi, trong khi có nhiều người Nga biết tiếng Anh nhưng họ lại “lười” nói tiếng Anh. Quy định của Nga là bao bì đều phải ghi bằng tiếng Nga nên cũng lắm doanh nghiệp mình lấn cấn.

Đã từng có hiện tượng những thủ tục rườm rà, sách nhiễu ở Nga đã tạo tâm lý không tốt cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng những thứ đó đang dần đi qua, bây giờ là một nước Nga khác, một nước Nga giàu, thân thiện và cởi mở.

Rào cản cuối cùng mà cũng là “nút thắt” chặt nhất làm cản trở việc đưa hàng sang Nga chính là khâu thanh toán. Nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam lo sợ và lấn cấn nhất ở điểm này. Ở Nga có những tập đoàn lớn, đa quốc gia thì họ ít làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam. Làm ăn với các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở các doanh nghiệp Nga vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp này họ cũng khó khăn về vốn như các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta, nên khâu thanh toán của họ cũng gặp khó khăn.

Do vậy, phần lớn doanh nghiệp này mua hàng của Việt Nam thường yêu cầu phương thức thanh toán trả chậm mà rủi ro thuộc về người bán. Theo tôi biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga hiện nay chỉ có 5-7% số hợp đồng ký kết yêu cầu thanh toán bằng tín dụng thư (L/C), còn lại là trả chậm.

Thực tiễn bức bách của giao thương hai nước nên ngân hàng trung ương hai nước đã xem xét và cho thành lập một ngân hàng thương mại làm cầu nối thanh toán và Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga (VRB) ra đời cách nay ba năm và đang hoạt động rất mạnh trong khâu thanh toán với Nga. Sắp tới, ngân hàng này còn thành lập ngân hàng con tại Moscow để tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thanh toán bằng chính đồng bản tệ của mình, thậm chí họ còn tài trợ vốn tín dụng khép kín từ nhà sản xuất của Việt Nam, tới nhà nhập khẩu và phân phối ở phía bên Nga.

Như vậy, “nút thắt” chính đã được gỡ, còn lo gì việc đưa hàng sang Nga, cái còn lại là hàng Việt Nam bán sang Nga có cạnh tranh được hàng hóa Trung Quốc, Hàn Quốc… hay không, khi những nước này bán hàng vào Nga tương tự như Việt Nam.

- Xin cám ơn ông.

Hồng Văn

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Quay lại phương thức xuất khẩu cà phê cũ (07/08/2009)

>   Quy định mới về quá cảnh hàng hóa của Lào qua lãnh thổ VN (07/08/2009)

>   Gỡ vướng cho các chương trình phát triển nhà ở (07/08/2009)

>   VN dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng (07/08/2009)

>   3.500 tỉ đồng xây đường Mỹ Phước-Tân Vạn (07/08/2009)

>   Thêm nhiều DN đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản (07/08/2009)

>   Hàng chục ý kiến phản biện đề án “bể than đồng bằng sông Hồng” (07/08/2009)

>   Quản lý chặt giá nhập khẩu mặt hàng kính an toàn ô tô (07/08/2009)

>   Cạnh tranh đâu chỉ có giá (07/08/2009)

>   Cơ chế KD xăng dầu: Phải công khai cơ cấu chi phí (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật