Thứ Sáu, 07/08/2009 15:35

i-Mobile mất thị trường điện thoại di động Việt Nam:

Cạnh tranh đâu chỉ có giá

Vào Việt Nam vừa tròn ba năm, văn phòng đại diện của i-Mobile tại TP.HCM đã đóng cửa vào ngày 16.2.2009. Trước đó vài ngày, i-Mobile đã thanh toán chế độ đầy đủ cho 30 nhân viên nhưng vẫn nợ các nhà phân phối trên 600 triệu đồng.

Tháng 2.2006, Thành Công Mobile (TP.HCM) phân phối nhãn hiệu i-Mobile của công ty Samart (Thái Lan) tại thị trường Việt Nam. Tám  tháng sau, đơn vị này quyết định ngưng nhập hàng sau khi nhập về khoảng 20.000 máy nhưng lỗi nhiều và phải đảm nhiệm luôn việc bảo hành.

Ba năm, bốn nhà phân phối và các lời hứa

BS, thành viên của công ty cổ phần May Mắn, là nhà phân phối thứ hai của i-Mobile cho tới tháng 7.2008 thì ngưng. Theo lời của ông Lê Đức Hiển, giám đốc điều hành của May Mắn hiện nay, thị phần của i-Mobile tại thị trường Việt Nam vào lúc “hưng thịnh” khoảng 3%, đứng hàng thứ năm sau các thương hiệu nổi tiếng như Nokia, Samsung, Motorola… Nhiều nguồn tin cho biết, sau khi thấy mình có tên có tuổi tại thị trường Việt Nam, Samart đã không chịu chi thêm chi phí tiếp thị, quảng bá sản phẩm. “Mệt mỏi với đối tác này, chúng tôi quyết định ngưng làm nhà phân phối cho họ”, ông Hiển cho biết.

Khi còn “lừng khừng” với BS, i-Mobile đã rẽ ngang với nhà phân phối Vũ Hoàng Hải và P&T Mobile nhưng hai nhà phân phối này cũng chỉ nhập cầm chừng khoảng 10.000 máy. Đây là những chiếc máy điện thoại di động cuối cùng của i-Mobile được nhập vào Việt Nam – tháng 10.2008.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, giám đốc Thành Công cho biết: “Lúc mới vào thị trường, những chiếc điện thoại di động mang nhãn hiệu i-Mobile bán khá chạy vì thị trường lúc đó ít mặt hàng giá thấp. Hầu hết các mẫu điện thoại của i-Mobile có giá dao động từ 1,5 – 3 triệu đồng. Đầu năm 2006, với hai triệu đồng mà có được chiếc điện thoại tích hợp những tính năng như nghe nhạc, xem phim… được xem là rẻ”.

Mất thị phần, mới lo chuyện bảo hành

Trò chuyện với chúng tôi, ông M., (đề nghị không nêu tên, gắn bó với văn phòng đại diện i-Mobile từ ngày đầu tiên) thừa nhận i-Mobile “chết” là vì “lệch” quy trình. Ông M. kể rằng, ông đã nhiều lần đề nghị: song song với việc phát triển thị trường phải tiến hành xây dựng trung tâm bảo hành của hãng nhưng trưởng đại diện i-Mobile tại Việt Nam lại không làm như vậy. Họ tập trung đẩy mạnh doanh số bán hàng, còn chuyện bảo hành do nhà phân phối chịu trách nhiệm. Vào tháng 10.2008, khi các nhà phân phối quyết định ngưng nhập hàng, đồng nghĩa ngưng dịch vụ bảo hành, i-Mobile mới ký với công ty An Ba mở bốn trung tâm bảo hành tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Để cứu vãn tình hình bi đát, cuối tháng 6.2008, i-Mobile đã có chương trình tiếp thị với số tiền khoảng 100.000 USD như ký hợp đồng với ca sĩ Tóc Tiên là “đại sứ” sản phẩm, treo băng rôn tại các cửa hàng bán lẻ để hy vọng sẽ bán được hàng vào cuối năm. Theo ông M., dù có cố gắng tổ chức lại quy trình bán hàng nhưng từ tháng 11.2008 – 1.2009 không bán được lô hàng nào. Trong ba tháng này “ăn không ngồi rồi”, i-Mobile chi 50.000 USD để hy vọng nhưng “phía trước không còn lối thoát” như lời ông M.

Coi thường đối thủ?

Vị thế của i-Mobile trong năm 2007 bị giảm sút khi các nhãn hiệu di động Việt Nam như Bavapen, Connspeed, Q-Mobile xuất hiện. Một nhà nhập khẩu (đề nghị không nêu tên) phân tích nhược điểm về giá của i-Mobile: cùng một mẫu mã nhưng so với các nhãn hiệu nội địa, i-Mobile cao hơn hai USD (phí vận chuyển và bảo hiểm) và 14% thuế nhập khẩu (từ Trung Quốc vào Thái Lan là 8%, từ Thái Lan vào Việt Nam là 6%). “Cho dù họ có đạp giá thế nào cũng không cạnh tranh với các nhãn hiệu trong nước. Chúng tôi chỉ cần lấy 4% để làm tiếp thị cũng làm họ khó khăn rồi”, nhà phân phối này nói thêm.

Cả bốn nhà phân phối đều cho rằng, i-Mobile “hứa mà không làm”. Để đạt được doanh số tại thị trường Việt Nam, i-Mobile hứa nhiều với các nhà phân phối, từ chuyện bảo hành, chi phí tiếp thị cho đến chiết khấu thưởng theo doanh số, tạm ứng tiền để làm chương trình tiếp thị cho các đại lý… nhưng không thực hiện, hoặc thực hiện thì thời gian lại quá dài. Nếu theo con số mà các nhà phân phối đưa ra, i-Mobile còn nợ các nhà phân phối tại Việt Nam khoảng 100.000 USD... Được biết, đã có nhà phân phối đang tập hợp hồ sơ gởi tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM để nhờ giải quyết.

i-Mobile là nhãn hiệu điện thoại di động của Samart i-Mobile (Thái Lan) nhưng đặt hàng gia công bên Trung Quốc. Ngày 30.4.2009 tại Bangkok (Thái Lan), Samart i-Mobile công bố sẽ mở rộng kinh doanh sang những thị trường đang phát triển nhanh như Brazil, Nga, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi… Riêng thị trường Việt Nam cũng được nhắc đến nhưng không nói rõ chiến lược cụ thể.

Gia Vinh

Sài Gòn Tiếp Thị

Các tin tức khác

>   Cơ chế KD xăng dầu: Phải công khai cơ cấu chi phí (07/08/2009)

>   Phương án mới giảm giá điện giờ cao điểm sáng (07/08/2009)

>   Kiến nghị thu hồi hai dự án lớn (07/08/2009)

>   Khai báo hải quan từ xa: Nâng cấp hệ thống (07/08/2009)

>   Chật vật tìm nguyên liệu chế biến thuỷ sản xuất khẩu (07/08/2009)

>   Trái cây Việt Nam: Bao giờ xuất khẩu xứng với tiềm năng? (07/08/2009)

>   Lập tập đoàn xây dựng: Chưa rõ thủ lĩnh (07/08/2009)

>   Quy hoạch xây dựng Hà Nội: Nhiều ẩn số và hy vọng (07/08/2009)

>   Chỉ đủ mía nguyên liệu hoạt động 5,5 - 6 tháng (07/08/2009)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án do ADB tài trợ (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật