Thứ Sáu, 07/08/2009 15:34

Cơ chế KD xăng dầu: Phải công khai cơ cấu chi phí

Bộ Công thương đã chính thức đưa ra lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Và đã có nhiều ý kiến tranh luận nhằm tìm một cơ chế điều hành làm sao để người dân thật sự hưởng lợi.

Tiếp tục vấn đề này, Tuổi Trẻ xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Thành Tự Anh (chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright).

Trong một thời gian dài, người tiêu dùng và dư luận bất bình trước tình trạng giá xăng dầu tăng rất nhanh nhưng lại giảm rất chậm theo giá thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu nhưng trên thị trường chỉ tồn tại một mức giá, khi lên thì tất cả cùng lên và khi xuống thì tất cả cùng xuống.

Khi độc quyền đã triệt tiêu cơ chế...

Nguyên nhân chính của những hiện tượng này là do Petrolimex với khoảng 60% thị phần đang chi phối thị trường. Vì các sản phẩm xăng dầu gần như đồng nhất và dịch vụ tương đối đơn giản nên các nhà phân phối xăng dầu khác đều chạy theo giá bán của Petrolimex, vì nếu họ bán với giá cao hơn sẽ mất khách, còn bán thấp hơn thì bị giảm lợi nhuận. Còn với Petrolimex, một khi có khả năng chi phối thị trường thì công ty này có thể “nâng giá nhanh, hạ giá chậm” và đương nhiên là các đơn vị khác sẽ được “ăn theo”. Kết quả là sức mạnh độc quyền (hay tựa-độc-quyền) của Petrolimex đã triệt tiêu cơ chế thị trường cạnh tranh và làm giảm phúc lợi của người tiêu dùng.

Khi kỷ luật của cạnh tranh không phát huy tác dụng thì Nhà nước có cơ sở để can thiệp thông qua các biện pháp điều tiết nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ phúc lợi của người tiêu dùng. Cụ thể, Nhà nước có thể điều tiết về mức giá, về chất lượng dịch vụ và về quy định gia nhập - rút lui khỏi hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bản chất của việc điều tiết mức giá là điều chỉnh mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Có lẽ Nhà nước không muốn quy định một mức giá quá cao vì làm thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của khu vực hộ gia đình và kinh doanh (và tất nhiên là cả CPI nữa). Nhà nước cũng không thể quy định một mức giá quá thấp vì điều này tuy làm lợi cho người tiêu dùng nhưng lại gây khó khăn cho DN kinh doanh xăng dầu và ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước.

Giá bán lẻ xăng A92 tại Việt Nam và Hoa Kỳ (cent/lít)

Chi phí hợp lý và lợi nhuận hợp lý

Một quy tắc phổ biến của điều tiết giá là quy định một mức giá sao cho DN bị điều tiết có thể thu hồi chi phí và có một mức lợi nhuận hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng quy tắc này trong thực tế không hề dễ dàng. Khó khăn thứ nhất là làm thế nào để xác định được các chi phí hợp lý của DN. Chi phí này bao gồm giá nhập xăng dầu (fob), phí bảo hiểm, cước vận chuyển về đến VN, các loại thuế và phí, chi phí kinh doanh (vốn, lao động, khấu hao...), trích quỹ bình ổn và các khoản trích nộp khác theo luật định. Nhìn vào cơ cấu chi phí này, có thể thấy ngay là có những chi phí cơ quan điều tiết có thể quan sát và tính toán được một cách tương đối dễ dàng (như giá xăng dầu thế giới, các loại thuế và phí).

Bên cạnh đó lại có những chi phí rất khó quan sát và xác minh tính hợp lý, chẳng hạn như chi phí đầu tư, quỹ lương, khấu hao... Rõ ràng là cơ quan điều tiết không muốn bù đắp cho những chi phí không hợp lý do đầu tư kém hiệu quả, do quỹ lương quá cao vì dư thừa lao động hay tiền thưởng quá đáng. Để giải quyết khó khăn này, cơ quan điều tiết cần yêu cầu các công ty kinh doanh xăng dầu công khai cơ cấu chi phí của mình. Bên cạnh đó, cơ quan điều tiết cũng có thể so sánh cơ cấu chi phí này với cơ cấu chi phí của các DN cạnh tranh trong và ngoài nước. Trong trường hợp của VN, vì Petrolimex có vai trò chi phối thị trường nên để tiết kiệm chi phí, cơ quan điều tiết trước tiên chỉ cần thực hiện hai nghiệp vụ trên với DN này.

Khó khăn thứ hai của việc điều tiết giá là làm thế nào để xác định mức lợi nhuận hợp lý vì các DN xăng dầu có thể lập luận rằng ngành kinh doanh này tiềm ẩn nhiều rủi ro nên phải được bù đắp bằng một mức lợi nhuận trên trung bình. Một lần nữa, việc xác định mức lợi nhuận trung bình của ngành kinh doanh, đồng thời so sánh với các công ty cạnh tranh trong và ngoài nước có thể giúp cơ quan điều tiết khắc phục phần nào khó khăn này.

Mở biên độ điều chỉnh trên 5%

Bên cạnh hai khó khăn trên, cơ quan điều tiết cũng phải quan tâm đến một số vấn đề kỹ thuật quan trọng như xác định giá cơ sở và khi nào thay đổi giá cơ sở. Như đã thảo luận ở trên, trong cơ cấu chi phí của các DN xăng dầu có một số khoản mục có tính chủ quan, không quan sát được, vì vậy không nên đưa các khoản mục chi phí này vào trong giá cơ sở. Tốt nhất là dùng ngay giá xăng dầu thế giới - là mức giá hoàn toàn khách quan và minh bạch - làm giá cơ sở. Về tần suất thay đổi giá cơ sở, nếu Nhà nước muốn bình ổn giá thì chỉ nên điều chỉnh giá hay thuế suất khi giá cơ sở biến động đủ lớn (trên 5% chẳng hạn).

Ngoài giá bán còn có hai công cụ điều tiết khác, đó là điều tiết chất lượng dịch vụ và quy định việc gia nhập - rút lui khỏi ngành kinh doanh. Về chất lượng dịch vụ, quan trọng nhất là các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn và bán đúng bán đủ cho khách hàng. Về quy định gia nhập - rút lui khỏi ngành kinh doanh, Nhà nước cần tăng cường tính cạnh tranh cho thị trường bằng cách cho phép sự tham gia của nhiều đầu mối nhập khẩu, đồng thời cần giảm bớt tính độc quyền trong hoạt động phân phối xăng dầu.

Không nên hi vọng rằng cơ chế thị trường trong điều kiện tồn tại độc quyền sẽ nâng cao phúc lợi cho người tiêu dùng và cải thiện hiệu quả cho nền kinh tế. Nói cách khác, một khi còn độc quyền và thiếu cạnh tranh thì cơ chế thị trường sẽ không thể vận hành hiệu quả. Khi ấy, cần đến hoạt động điều tiết một cách công bình và có hiệu lực của Nhà nước, mà điều này lại phụ thuộc khả năng tách bạch mục tiêu kinh doanh ra khỏi các mục tiêu chính trị - xã hội và khả năng minh bạch hóa cơ cấu chi phí của các DN kinh doanh xăng dầu, nhất là những DN có vị trí thống lĩnh thị trường.

TS Vũ Thành Tự Anh

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Phương án mới giảm giá điện giờ cao điểm sáng (07/08/2009)

>   Kiến nghị thu hồi hai dự án lớn (07/08/2009)

>   Khai báo hải quan từ xa: Nâng cấp hệ thống (07/08/2009)

>   Chật vật tìm nguyên liệu chế biến thuỷ sản xuất khẩu (07/08/2009)

>   Trái cây Việt Nam: Bao giờ xuất khẩu xứng với tiềm năng? (07/08/2009)

>   Lập tập đoàn xây dựng: Chưa rõ thủ lĩnh (07/08/2009)

>   Quy hoạch xây dựng Hà Nội: Nhiều ẩn số và hy vọng (07/08/2009)

>   Chỉ đủ mía nguyên liệu hoạt động 5,5 - 6 tháng (07/08/2009)

>   Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án do ADB tài trợ (07/08/2009)

>   "Các công ty Singapore vẫn rất chú ý đến Việt Nam" (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật