Chủ Nhật, 16/08/2009 21:56

Thêm ba ngân hàng của Mỹ bị đóng cửa

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi (FDIC) của Mỹ ngày 15/8 thông báo có thêm 3 ngân hàng nước này phải đóng cửa, nâng tổng số ngân hàng bị đóng cửa từ đầu năm tới nay lên 77.

Ba ngân hàng mới phải đóng cửa là Community Bank of Nevada có trụ sở tại bang Nevada, Community Bank of Arizona và Union Bank of Gilbert cùng có trụ sở tại bang Arizona.

Ngân hàng Community Bank of Nevada có tổng tài sản trị giá 1,52 tỷ USD và tổng tiền gửi 1,38 tỷ USD. Sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ tiêu tốn 781,5 triệu USD trong Quỹ bảo hiểm của FDIC. Hiện chưa có ngân hàng nào công bố mua lại ngân hàng tại Nevada này.

Ngân hàng MidFirst Bank of Oklahoma City tại bang Oklahoma nhận trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền khách hàng gửi tại hai ngân hàng thuộc bang Arizona vừa sụp đổ. Community Bank of Arizona có tài sản trị giá 158,5 triệu USD và tiền gửi là 143,8 triệu USD và Union Bank of Gilbert có tài sản trị giá 124 triệu USD và tiền gửi khoảng 112 triệu USD. FDIC dự tính họ sẽ phải trả cho cả hai ngân hàng số tiền bảo hiểm khoảng 86,5 triệu USD.

Trước đó, ngày 14/8, các nhà quản lý ngành ngân hàng Mỹ đã đóng cửa ngân hàng Colonial BancGroup Inc. có trụ sở tại bang Alabama và ngân hàng Dwelling House Savings and Loan Association có trụ sở tại bang Pennsylvania.

Với tài sản trị giá 22 tỷ USD, Colonial BancGroup Inc. là ngân hàng lớn nhất trong số 77 ngân hàng bị sụp đổ từ đầu năm đến nay và lớn thứ sáu trong số các ngân hàng Mỹ bị phá sản từ trước tới nay.

Công ty BB&T Corp. có trụ sở tại bang North Carolina đã đồng ý mua lại tất cả lượng tiền trị giá 20 tỷ USD mà khách hàng gửi tại ngân hàng Colonial. Tất cả 346 chi nhánh của ngân hàng này hoạt động tại các bang Florida, Alabama, Georgia, Nevada và Texas sẽ hoạt động lại từ đầu tuần sau trong vai trò chi nhánh của Công ty BB&T Corp.

Ngân hàng Dwelling House Savings and Loan Association có tổng tài sản trị giá 13,4 triệu USD và tổng tiền gửi 13,8 triệu USD tính đến ngày 31/3. Ngân hàng PNC Bank thuộc tổ hợp PNC Financial Services Group Inc., chấp nhận tiếp quản toàn bộ tiền gửi và số tài sản trị giá khoảng 3 triệu USD của Dwelling House.

FDIC ước tính vụ sụp đổ của ngân hàng Colonial và Dwelling House sẽ tiêu tốn tương ứng 2,8 tỷ USD và 6,8 triệu USD trong quỹ bảo hiểm của họ.

Trước đó, FDIC đã phải trả cho 72 ngân hàng bị sụp đổ từ đầu năm đến cuối tuần trước là gần 17 tỷ USD so với 17,6 tỷ USD mà họ đã trả trong cả năm ngoái cho 25 ngân hàng bị phá sản.

Cuối năm 2008, FDIC dự tính phải trả 22 tỷ USD cho các vụ phá sản trong năm nay và khoảng 70 tỷ USD cho đến năm 2013.

Theo một dự luật mới đây, FDIC sẽ nhận được khoảng 500 tỷ USD từ nay tới năm 2010 để chi trả bảo hiểm cho các định chế tài chính thành viên./.

Vietnam+

Các tin tức khác

>   5 mối quan ngại của Wall Street trong quý 3 (16/08/2009)

>   EU điều tra bán phá giá đối với hóa chất công nghiệp của Trung Quốc (16/08/2009)

>   Ý điều tra tài khoản ở nước ngoài của 170.000 người dân (16/08/2009)

>   Trung Quốc có nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản (16/08/2009)

>   Suy thoái kinh tế buộc các hãng hàng không tiết kiệm (16/08/2009)

>   Mỹ cũng chảy máu chất xám (16/08/2009)

>   Wall St. có thể tiếp tục điều chỉnh sau mùa công bố lợi nhuận (15/08/2009)

>   Colonial BancGroup trở thành NH vỡ nợ lớn nhất năm 2009 (15/08/2009)

>   Nhộn nhịp hoạt động sáp nhập các ngân hàng phá sản ở Mỹ (15/08/2009)

>   Vận tải biển trong cơn suy thoái (15/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật