Colonial BancGroup trở thành NH vỡ nợ lớn nhất năm 2009
(Vietstock) – Colonial BancGroup Inc., trụ sở đặt tại Alabama, vừa trở thành ngân hàng vỡ nợ lớn nhất của Mỹ trong năm nay, sau khi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tịch thu và bán nó cho Tập đoàn BB&T.
Thương vụ trên làm tiêu tốn khoảng 2.8 tỷ USD của quỹ bảo hiểm tiền gửi do FDIC quản lý. Quỹ này được lập ra nhằm bảo đảm an toàn cho các khoản tiền gửi ngân hàng.
BB&T đã đồng ý gánh toàn bộ các khoản tiền gửi tại ngân hàng Colonial, với tổng giá trị lên đến 20 tỷ USD tính đến cuối Tháng 6 vừa qua.
Điều này có nghĩa là người gửi tiền tại Colonial sẽ trở thành người gửi tại BB&T. Đồng thời, khách hàng vẫn có thể rút tiền thông qua các tấm séc hoặc thẻ ATM và các thẻ tín dụng khác.
Tài sản của Colonial tính đến cuối Tháng 6, trị giá lên đến 25 tỷ USD. Với lượng tài sản lớn như vậy, ngân hàng này đã trở thành ngân hàng vỡ nợ lớn nhất trong năm nay, vượt xa BankUnited Financial của Florida với giá trị tài sản thấp hơn 13 tỷ USD.
BB&T đã chấp thuận mua lại 22 tỷ tài sản của Colonial. Còn FDIC cho biết sẽ vẫn giữ phần tài sản còn lại, trị giá khoảng 3 tỷ USD, để bán lại sau này.
Cả FDIC and BB&T sẽ cùng chia sẻ khoản lỗ 15 tỷ USD trong tài sản của Colonial. Được biết, các giao dịch cùng gánh chịu lỗ đã trở nên phổ biến tại Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoàng tài chính vào năm ngoái. Nguyên nhân là do FDIC ra sức khuyến khích các ngân hàng đang hoạt động ổn định mua lại các ngân hàng phá sản.
Tính từ đầu năm đến giờ, đã có 74 ngân hàng rơi vào cảnh vỡ nợ trước bối cảnh suy thoái kéo dài và thất nghiệp gia tăng. Trong vòng 3 đến 5 năm tới, có thể có hơn 1,000 ngân hàng lâm vào cảnh phá sản, RBC Capital Markets cảnh báo trong Tháng 2 vừa qua.
Còn theo ước tính của FDIC công bố hôm Thứ Sáu, thương vụ của Colonial sẽ làm Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi của tập đoàn thâm hụt đi khoảng 2.8 tỷ USD. FDIC gần đây đã phải thực thi chính sách định giá một lần các ngân hàng để giảm thiểu thâm hụt. Tuy nhiên, số lượng ngân hàng phá sản leo thang càng làm tăng lo ngại cho Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi, bất chấp việc FDIC có thể vay hàng trăm tỷ USD từ Bộ Tài chính trong trường hợp khẩn thiết.
Sau khi tuyên bố vỡ nợ, cổ phiếu CNB của Colonial sụt giảm đến 12%, xuống còn 41 cent/cổ phiếu trước khi giao dịch bị tạm ngưng vào sáng Thứ Sáu. Ngược lại, cổ phiếu của BB&T lại nhảy vọt hơn 9%, đóng cửa tại 28.43 USD/cổ phiếu.
BB&T có tài sản trên 150 tỷ USD, được giới phân tích mệnh danh là “người thụ hưởng” các khoản thua lỗ ngân hàng. Nhiều vụ sập tiệm đã xảy ra tại miền Đông Nam nước Mỹ, nơi BB&T là ngân hàng lớn nhất vùng.
Được biết, Colonial không phải là ngân hàng duy nhất phá sản vào hôm Thứ Sáu vừa qua. Chịu chung số phận với ngân hàng này còn có Hiệp hội cho vay và tiết kiệm nhà ở (Dwelling House Savings and Loan Association) có trụ sở tại Pittsburgh, bang Pennsylvania. Tính đến cuối Tháng Ba năm 2009, Dwelling có tổng tài sản trị giá 13.4 triệu USD và quản lý 13.8 tỷ USD tiền gửi của khách hàng.
PNC Bank N.A., thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC, đồng ý mua lại khoảng 3 triệu USD tài sản của ngân hàng bị vỡ nợ. Theo ước tính của FDIC, sự phá sản trên sẽ tiêu tốn 6.8 triệu USD của Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi.
Bội Mẫn (Theo MarketWatch)
|