Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam:
Quyền lực của người tiêu dùng
Tạo ra những chuyển biến về tâm lý xã hội, tạo ra những mặc định mới trong quy tắc hành xử của xã hội đối với việc tiêu dùng hàng VN. Bên cạnh hàng rào kỹ thuật, quyền lực của người tiêu dùng (NTD), nếu được phát huy và định hướng đúng sẽ trở thành trở lực rất lớn cho hàng ngoại và trợ lực mạnh mẽ cho hàng nội.
Người tiêu dùng phải được hỗ trợ
NTD ở nước ta hiện nay chưa được tôn trọng và bảo vệ đúng mức. Khi khả năng và kiến thức của NTD có hạn, họ không thể tự mình biết được hạt trân châu này làm từ chất gì; trái táo kia bị tẩm dung dịch nào; cái quần, cái áo nọ có hóa chất độc hại hay không để mà tránh, mà tẩy chay... Chính các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thông tin rộng rãi cho NTD biết. Nhưng trong hàng loạt vụ việc vừa qua, liệu có được mấy lần các cơ quan Nhà nước là người đầu tiên phát hiện? Và khi sự vụ đã được phanh phui thì luật pháp xử lý thế nào? Hầu như chỉ là những mức phạt hành chính “có cũng như không”. Năm 2008, theo kết quả một cuộc điều tra trên diện rộng của Hội Tiêu chuẩn - Bảo vệ người tiêu dùng VN, hơn 50% số người trả lời khi được hỏi về quyền của NTD là “có biết cũng chẳng được gì!”. Trong tình cảnh như vậy, NTD còn chưa thể sử dụng quyền lực của mình để bảo vệ bản thân thì rất khó để họ ủng hộ hàng nội địa trong cuộc chiến với hàng ngoại.
Hơn thế nữa, trong nếp nghĩ, nếp sống của nhiều NTD nước ta đã hình thành một quan niệm rằng: Hàng nội luôn luôn nằm ở một đẳng cấp thấp hơn hàng ngoại. Đây là di chứng của lịch sử để lại khi mà một thời gian dài trước đây, hàng hóa sản xuất trong nước đã từng có chất lượng kém, mẫu mã nghèo nàn, giá cả không hợp lý... Tất thảy đều không bằng hàng ngoại! Trong một chương trình trên kênh VTV6 của Đài Truyền hình VN mới đây, khi được hỏi vì sao không sử dụng hàng nội, một số bạn trẻ đã trả lời rằng xài hàng nội là nhà quê, là dân hà tiện, là không “mốt”... Xét trong cách nhìn, trong văn hóa, trong xu hướng sống của cộng đồng NTD VN, hàng nội địa đã và đang ở vào một vị thế hết sức bất lợi so với hàng ngoại nhập...
Tạo làn sóng đủ mạnh
Muốn thay đổi thực trạng trên, không thể chỉ bằng các con đường chính trị. Kết luận “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” của Bộ Chính trị mới đây có thể khiến các cơ quan chính quyền tích cực dùng hàng VN, các cơ quan truyền thông ra sức tuyên truyền cho hàng nội, nhưng nó chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề hiện đang nằm ở NTD. Những việc cần làm, trước hết là tạo những biến chuyển về tâm lý xã hội, tạo ra những mặc định mới trong quy tắc hành xử của xã hội đối với việc tiêu dùng hàng nội. Để văn hóa tiêu dùng của người Việt chuyển hẳn sang trạng thái tích cực đối với hàng hóa - dịch vụ sản xuất trong nước, cần xây dựng từ những điểm gốc, từ những việc làm nhỏ nhất và từ lúc con người còn nhỏ nhất. Hãy tạo điều kiện để NTD VN phát huy quyền lực của mình và sau đó là định hướng cho họ sử dụng quyền lực ấy ủng hộ hàng VN.
Cần cải tiến cách hoạt động của các tổ chức đại diện và bảo vệ NTD để những tổ chức này thật sự trở thành đại diện và bảo vệ NTD VN. Các chế tài luật pháp đối với các hành vi ảnh hưởng quyền lợi của NTD cũng cần phải nghiêm hơn, nặng hơn để đủ sức răn đe, đồng thời cho NTD thấy được ý kiến của họ thật sự có ý nghĩa, quyền lực của họ thật sự được thể hiện.
Cũng trong chương trình của VTV6 nói trên, một bạn trẻ đã có ý kiến là “từ trước tới nay không thấy ai nói gì về việc ủng hộ dùng hàng VN”. NTD VN rõ ràng chưa được định hướng. Những quan niệm đang trở nên sai lầm của họ không có ai nhắc nhở. Tinh thần ủng hộ hàng VN chưa được “thẩm thấu”. Chính vì vậy, chúng ta cần nhiều, nhiều hơn nữa những hoạt động, những diễn đàn, những phong trào tuyên truyền thiết thực để tạo nên một làn sóng đủ mạnh cuốn đi những quan niệm lỗi thời của NTD VN hiện nay về hàng nội và hàng ngoại.
Hình thành thế hệ người tiêu dùng mới
Từ đây, chúng ta có thể rút ra 2 bài học, một là cần giáo dục cho lớp NTD tương lai về tinh thần ủng hộ hàng VN ngay từ giai đoạn đầu; hai là dạy lớp trẻ sử dụng đồng tiền sao cho tốt nhất, biết chọn mua hàng hóa có chất lượng tương đương nhưng có mức giá rẻ hơn chứ không chỉ làm theo số đông, trào lưu, xu hướng. Từ đó sẽ hình thành nên một thế hệ NTD mới có tinh thần ủng hộ hàng VN với nếp sống, nếp nghĩ đúng đắn, khách quan trong tương lai.
Làm được những điều trên, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc biến quyền lực của NTD trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho hàng VN trước cuộc tấn công của hàng ngoại nhập.
Vương Gia Bảo (chuyên viên truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp)
Người lao động
|