Thứ Sáu, 07/08/2009 23:03

Niềm tin vào đồng nội tệ đang rất ổn định

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư xung quanh vấn đề hạn chế tình trạng “đô la hoá” và niềm tin vào đồng nội tệ.

Ông có thể cho biết những biện pháp chính để hạn chế tình trạng “đô la hoá” trong nền kinh tế hiện nay?

Thu hẹp ảnh hưởng của đồng USD vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là đòi hỏi lâu dài. Thứ nhất, đồng USD vào Việt Nam đã quá sâu, quá rộng, nên không thể một sớm một chiều có thể thu hẹp ảnh hưởng được ngay; không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng biện pháp kinh tế, đồng thời với nâng cao sự ổn định của nền kinh tế. Chẳng hạn, việc doanh nghiệp (DN) thanh toán bằng đồng USD phải được chuyển qua Nhà nước, bên cạnh đó là tăng cường sử dụng đồng tiền khác tùy theo giao dịch, tùy theo tình hình, cũng như “sức khoẻ” của đồng tiền đó và nền kinh tế.

Thứ hai, về mặt chính sách, phải đảm bảo không có kẽ hở để một bộ phận đầu cơ có thể kiếm lời từ việc găm giữ USD. Cần có chính sách để người dân và DN không giữ USD vì suy nghĩ lợi hơn giữ VND, xét cả về tâm lý và lợi nhuận thực tế.

Từ lâu, chúng ta đã đặt mục tiêu “trên lãnh thổ Việt Nam, chỉ dùng đồng tiền Việt Nam”, nhưng trên thực tế, mục tiêu ấy vẫn còn rất xa, thưa ông?

Để đạt được mục tiêu đó vào thời gian nào, thì phải có lộ trình cụ thể, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ, đặc biệt là về năng lực dịch vụ của hệ thống ngân hàng, đủ để đáp ứng mọi nhu cầu thanh toán, hoán đổi đồng tiền một cách thuận tiện, nhanh chóng, với tỷ giá linh hoạt, không để người đổi bị thiệt. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền cho hệ thống DN và dân cư để thay đổi tâm lý, tập quán nắm giữ USD như một cách “phòng thân”, bởi thực tế nắm giữ USD không phải lúc nào cũng an toàn. Cơ quan quản lý nhà nước phải nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý đúng và nghiêm các trường hợp cố tình lợi dụng biến động liên quan đến tỷ giá để kiếm lợi.

Mấu chốt của vấn đề điều hành tỷ giá, hạn chế tình trạng “đô la hoá” hiện nay là gì, thưa ông?

Đó là không để tâm lý lo ngại lạm phát quay lại làm USD tăng giá tác động đến thị trường, khiến thị trường ngoại tệ căng thẳng (người bán có tâm lý găm giữ chờ hưởng chênh lệnh, người mua buộc phải mua bằng nhiều cách, nhiều “cửa”...). Muốn vậy, cơ quan quản lý phải thông tin kịp thời, minh bạch hơn nữa về những vấn đề liên quan như cán cân thương mại, cán cân thanh toán, khả năng đảm bảo an toàn, ổn định cho thị trường ngoại hối. Như thế, cung - cầu ngoại tệ sẽ dễ gặp nhau hơn.

Ông nhận định thế nào về niềm tin của thị trường vào VND, tính hấp dẫn trong việc sử dụng VND trong giao dịch hiện nay?

Theo tôi, niềm tin đối với VND hiện rất ổn định. Nhưng muốn giữ sự ổn định này lâu dài, cần tăng cường chất lượng thông tin dự báo, minh bạch chính sách hơn nữa để tránh gây hoang mang cho DN và dân cư, đặc biệt là xung quanh vấn đề liệu lạm phát có quay trở lại, khả năng điều tiết, khống chế của Nhà nước ở mức nào, chính sách tỷ giá ra sao? Làm rõ được vấn đề đó, niềm tin vào VND sẽ vẫn được duy trì, ổn định, việc đầu cơ ngoại tệ sẽ được hạn chế.

Huy Hào

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Cung cầu ngoại tệ bớt căng thẳng (07/08/2009)

>   Standard Chartered và ACB ký kết thỏa thuận hợp tác (07/08/2009)

>   NHNN thông báo dư nợ cho vay HTLS đến ngày 07/8/2009 (07/08/2009)

>   WB tài trợ Chương trình tín dụng giảm nghèo trị giá 350 triệu USD (07/08/2009)

>   Thị trường vàng tiếp tục lùi bước (07/08/2009)

>   SHB nhận giải NH có dịch vụ thanh toán quốc tế xuất sắc (07/08/2009)

>   Lắng dịu cung cầu ngoại tệ (07/08/2009)

>   Ngân hàng lại “siết” đầu ra? (07/08/2009)

>   Lãi suất huy động gần chạm lãi suất cho vay (07/08/2009)

>   Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm (07/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật