Ngân hàng lại “siết” đầu ra?
Ngân hàng (NH) Nhà nước (SBV) vừa định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2009 từ 25% - 27% , giảm so với chỉ tiêu trước đó là 30% để quản lý giám sát thị trường. Nhiều người cho rằng SBV đang có động thái thu hẹp đầu ra của các NH thương mại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách tín dụng nên đi sâu vào chất lượng hơn là tốc độ tăng trưởng.
Dư nợ tăng: Tín hiệu tốt
Số liệu 7 tháng đầu năm 2009 cho thấy tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH tăng 22,67%. Nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm có thể làm tín dụng tăng trưởng đột biến. Thế nhưng, cuối năm cũng là thời điểm các NH tích cực thu hồi nợ, thu về một lượng tiền đang lưu thông. Vì thế, dư nợ cho vay của các NH sẽ tăng nhưng không ồ ạt, ảnh hưởng không đáng kể đến lạm phát.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng của VN chỉ 3,2%, dự kiến lạm phát năm nay khoảng 7%, nằm trong mức dự báo từ 6%-8%. Do đó, lạm phát không phải là vấn đề phải lo lắng, nhất là khi các doanh nghiệp vẫn rất cần vốn để đầu tư sản xuất. NH bơm tiền cho nền kinh tế nhiều hay ít không phải là vấn đề đáng quan tâm, mà cốt lõi là chất lượng của các khoản vay.
Siết điều kiện vay tiêu dùng?
Điều mà một số NH hiện đang lo ngại là trong thời gian tới, SBV siết chặt cho vay tiêu dùng. Khi đó, các NH có thế mạnh về cho vay tiêu dùng sẽ “nghẹt thở” vì đây là một trong những đầu ra chủ lực. Thực tế cho thấy nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là có thật. Đó là các khoản vay trả góp hằng tháng, thời hạn vay từ 12 tháng trở lên (trung và dài hạn) với mục đích xây dựng, sửa chữa nhà, mua căn hộ, phương tiện đi lại, mua sắm thiết bị gia đình...; lãi suất thỏa thuận từ 12%-16%/năm, tập trung chủ yếu vào đối tượng CB-CNV. NH căn cứ vào thu nhập của bên vay để giải ngân. Chỉ có NH nào cho vay tiêu dùng lên đến cả tỉ đồng, không yêu cầu bên vay chứng minh mục đích sử dụng vốn mới là điều để SBV đáng quan tâm.
Tuy vậy, thông tin chưa chính thức cho biết trong tháng 8-2009, SBV nhiều khả năng chỉ cho phép các NH sử dụng 30% số tiền huy động ngắn hạn (hiện nay là 40%) để cho vay trung và dài hạn nhằm hạn chế rủi ro tín dụng. Điều này sẽ bất lợi cho các NH “sống” nhờ vào huy động tiết kiệm bởi có đến 90% tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn. Ngược lại, các NH lớn lại có lợi thế để chiếm lĩnh thị trường vì huy động được nhiều nguồn vốn dài hạn giá rẻ, giảm được giá thành vốn. Lãnh đạo của một NH nhỏ ở TPHCM cho biết chỉ vì không có nguồn vốn dài hạn nên NH này phải chấp nhận để khách hàng đến vay ở các NH có thế mạnh về vốn tự có.
Không bình quân hóa
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho biết vấn đề tín dụng của hệ thống NH sẽ được các thành viên của hội đồng bàn bạc và tư vấn cho Chính phủ ngay trong tuần này. Theo ông Ngân, SBV định hướng tốc độ tăng trưởng tín dụng 27% - 30% là hợp lý, thậm chí có thể tăng hơn nữa vẫn tốt vì nó thể hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đi lên. Các NH vốn nhỏ nhưng muốn tăng nhanh tín dụng sẽ đối mặt rủi ro. Tuy nhiên, SBV không nên bình quân hóa tốc độ tăng trưởng tín dụng, quan tâm số lượng mà cần chú trọng đến chất lượng tín dụng, hệ số an toàn, năng lực quản trị của từng NH.
Thy Thơ
Người lao động
|