Thứ Năm, 06/08/2009 17:13

Đồng đô la Mỹ vẫn được chuộng, vì sao?

Thị trường ngoại hối các nước hiện đang ưa chuộng đồng tiền nào? Họ đang thực hiện các giao dịch loại nào? Đó là những vấn đề đáng để các doanh nghiệp và nhà điều hành chính sách tham khảo.

Gần đây đã có nhiều bài báo đề cập đến vấn đề nên đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế cũng như vấn đề găm giữ đồng đô la Mỹ trong nền kinh tế Việt Nam. Nhân dịp các cơ quan quản lý ngoại hối của Mỹ, Anh, Singapore và Canada công bố kết quả điều tra về khối lượng các giao dịch ngoại hối thực hiện trên các thị trường này (thường được thực hiện vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm), chúng ta có dịp nhìn qua thị trường ngoại hối các nước và qua đó các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và nhà điều hành chính sách có thể nhìn lại tình huống của Việt Nam.

Thị trường quốc tế ưa chuộng đồng tiền nào?

Báo cáo của Mỹ, Anh, Canada và Singapore cho thấy đồng đô la Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong các giao dịch ngoại hối. Nhìn vào thị trường ngoại hối lớn nhất thế giới, và thị trường ngoại hối Singapore - một thị trường ngoại hối lớn ở khu vực Đông Nam Á, điều dễ nhận thấy là đồng đô la Mỹ liên quan đến hơn 70% số giao dịch giao ngay được thực hiện. Đương nhiên, các giao dịch giao ngay này không chỉ có giao dịch thương mại, mà còn có các giao dịch về đầu tư, đầu cơ, hỗ trợ thanh khoản...

Nhưng số liệu giao dịch giao ngay có thể phản ánh ở một mức độ nhất định vai trò của đồng đô la Mỹ trong thanh toán quốc tế ở Anh và Singapore (những số liệu về hợp đồng phái sinh, bao gồm cả số liệu liên quan đến hoán đổi tiền tệ - currency swap, hoán đổi ngoại hối - foreign exchange swap, hợp đồng kỳ hạn - outright forward, quyền chọn - option, đều được loại bỏ).

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng đa dạng hóa thanh toán bằng ngoại tệ có thể giúp giải quyết áp lực lên cặp tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) cũng như tình trạng thiếu đô la Mỹ thanh toán của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, còn một lợi ích quan trọng khác là nếu doanh nghiệp có thể nắm giữ các loại ngoại tệ khác, ví dụ EUR, GBP, SGD, JPY... thì khi doanh nghiệp dùng các ngoại tệ này để mua đô la Mỹ, ngân hàng có thể bán lại chúng trên thị trường quốc tế để lấy đô la Mỹ mà không phải dựa vào duy nhất các nguồn cung đô la trong nước.

Nói chung, việc thanh toán quốc tế bằng ngoại tệ khác có thể khiến chiếc bánh về giao dịch ngoại hối đa dạng hơn và ít mất cân bằng hơn, đồng thời cũng mở thêm các kênh để ngân hàng có thể đáp ứng nhu cầu về đô la Mỹ cho nền kinh tế.

Đa dạng hóa ngoại tệ trong thanh toán quốc tế: những trở ngại

Đa phần các ý kiến ủng hộ việc đa dạng hóa ngoại tệ đều đã chỉ ra được mặt lợi ích của việc làm này. Nhưng lẽ nào những chủ doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm không nhận ra điều đó từ sớm? Việc tập trung vào thanh toán bằng đô la Mỹ và thường xuyên phải dựa vào cặp tỷ giá USD/VND có nguyên nhâu sâu xa của nó.

Khả năng áp đặt thanh toán bằng đồng tiền khác của doanh nghiệp

Thực ra, các đối tác của doanh nghiệp trong nước cũng có những lo sợ về rủi ro tỷ giá, và họ có xu hướng lựa chọn những đồng tiền sao cho giảm thiểu rủi ro, hay đáp ứng nhu cầu thanh toán khác của họ. Như vậy liệu khi phía Việt Nam đề nghị thanh toán bằng EUR, JPY, hay VND thì phía đối tác có dễ dàng chấp nhận chăng? Liệu trong cuộc chơi này, quyền áp đặt đồng tiền thanh toán của các doanh nghiệp trong nước lớn đến đâu? Vì vậy, lợi ích thanh toán bằng đồng tiền ngoại tệ khác đô la Mỹ là có, nhưng doanh nghiệp có dễ làm được điều đó?

Chiếc ô ổn định tỷ giá USD/VND

Một yếu tố khác cũng hạn chế việc nắm giữ và thanh toán bằng đồng ngoại tệ khác đối với doanh nghiệp Việt Nam là độ biến động của tỷ giá USD/VND thấp hơn nhiều so với độ biến động của tiền đồng Việt Nam so với nhiều ngoại tệ khác. Hãy nhìn thử qua đồ thị biến động tỷ giá USD/VND và euro/đồng Việt Nam trong tháng 7 năm nay, chúng ta dễ dàng thấy được sự khác biệt.

Rõ ràng mức độ biến động của euro/đồng Việt Nam theo ngày cao hơn nhiều lần so với USD/VND, và điều này cũng tương tự cho nhiều đồng tiền khác. Vậy nhiều doanh nghiệp thích giữ đô la Mỹ hơn là giữ ngoại tệ khác cũng là lẽ thường. Bên cạnh đó, tập quán thanh toán bằng đô la Mỹ từ nhiều năm qua cũng tạo ra tâm lý yên tâm hơn khi giữ một đồng tiền quen thuộc thay vì giữ một đồng tiền khác biến động khó lường hơn và xa lạ hơn.

Ổn định tỷ giá có những lợi ích nhất định cho nền kinh tế, rõ ràng nhất là giúp doanh nghiệp ít phải chịu rủi ro tỷ giá quá lớn. Thời gian gần đây khi một số đồng tiền mạnh biến động nhiều so với đô la Mỹ, ví dụ như ở Canada, thì các doanh nghiệp nước này cũng lên tiếng lo lắng về biến động lớn của cặp tỷ giá đô la Mỹ/đô la Canada ảnh hưởng rất xấu tới họ.

Mặt khác, chủ đề về rủi ro tỷ giá và phòng ngừa rủi ro là quan trọng trong điều hành của các công ty đa quốc gia và luôn thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh thực tiễn lẫn giới nghiên cứu trên thế giới vì ai cũng muốn tránh loại rủi ro này. Nói chung, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lý do để không thích một tỷ giá chủ đạo quá biến động.

Và như vậy, trong điều kiện doanh nghiệp Việt Nam chưa quen với sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời cũng không quen với việc giao dịch bằng một cặp tỷ giá có tính biến động cao hơn so với USD/VND, mà NHNN thì cũng muốn ổn định tỷ giá, thì vì lý do gì họ sẽ muốn giao dịch qua một đồng tiền khác ngoài đô la Mỹ, trừ khi họ không có lựa chọn nào khác như tình hình căng thẳng đô la Mỹ như thời gian qua. Muốn cải thiện tình hình này thì các ngân hàng thương mại cần phải cung cấp các dịch vụ tốt hơn về phòng ngừa rủi ro tỷ giá, về phân tích biến động tỷ giá cho khách hàng và phải tư vấn được khách hàng để có thể thuyết phục đối tác dùng các đồng tiền khác trong thanh toán.

Ngoài ra, có thể NHNN cũng cần xem xét lại xem một mức biến động quá thấp của tỷ giá USD/VND so với các đồng tiền khác có cần thiết? Ổn định tỷ giá không có nghĩa là chỉ ổn định tỷ giá USD/VND, mà là so với các ngoại tệ nói chung. Điều này có lẽ đã được nói đến quá nhiều qua chuyện điều hành tỷ giá qua một rổ ngoại tệ.

Nhưng dường như ít người nói đến vai trò của tỷ giá bình quân liên ngân hàng mà chỉ nhìn vào biên độ tỷ giá. Một tỷ giá bình quân liên ngân hàng ít biến động và ít theo sát nhu cầu của thị trường thì biên độ tỷ giá lớn cũng không giải quyết được vấn đề.

Thị trường ngoại hối Việt Nam: không chỉ thiếu đa dạng trong đồng tiền thanh toán

Đã nhiều lần các ngân hàng Việt Nam cho biết các khách hàng của mình không mặn mà lắm với các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá và cũng đã có những nghiên cứu tại Việt Nam chỉ ra những nguyên nhân doanh nghiệp ít dùng sản phẩm phái sinh trong giao dịch. Điều này xem ra trái ngược xu thế của những thị trường vừa đưa ra báo cáo.

Nhìn chung, tại các thị trường này, hợp đồng giao ngay chiếm tỷ trọng không hơn 60% các giao dịch ngoại hối, còn lại là các giao dịch kỳ hạn và hoán đổi chiếm đa số. Các giao dịch quyền chọn chiếm tỷ lệ thấp. Một nguyên nhân là do các tổ chức tài chính thường giao dịch hoán đổi và kỳ hạn với nhau nhiều, và các doanh nghiệp cũng thường dùng giao dịch kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro do tính đơn giản của nó.

Từ những số liệu này, có thể thấy trọng tâm phát triển công cụ phái sinh trên thị trường ngoại hối Việt Nam nên đặt vào hoán đổi và kỳ hạn, là những công cụ có tính phòng ngừa rủi ro cao hơn, hơn là nhắm vào quyền chọn - một công cụ có tính đầu cơ cao hơn và cách tính phí cũng phức tạp hơn. Mặt khác, cũng cần nhận thấy rằng để có một thị trường ngoại hối phát triển cân bằng hơn cần phải tìm cách trị các căn bệnh ngại dùng sản phẩm phòng ngừa rủi ro và ngại dùng đồng ngoại tệ khác (ngoài đô la Mỹ) trong thanh toán.

Và hai căn bệnh này dường như có liên quan đến nhau và cũng liên quan đến chính sách ổn định tỷ giá và khuyến khích dùng sản phẩm phòng ngừa rủi ro của Việt Nam. Không thể nào để một tỷ giá USD/VND ít biến động quá rồi lại đi kêu gọi người ta đi mua bảo hiểm cho rủi ro tỷ giá. Và cũng không thể bắt người ta dùng một đồng tiền rủi ro hơn trong thanh toán trong khi thị trường phòng ngừa rủi ro cho đồng tiền đó không phát triển.

Có lẽ vai trò của NHNN trên thị trường ngoại hối không chỉ là cam kết giữ tỷ giá ổn định, đi kiểm tra tỷ giá công bố có vượt trần không, có ngân hàng lách quy định không, và những công việc mang tính ngắn hạn mà nên nhắm đến một tầm nhìn dài hạn cho thị trường ngoại hối và chính sách ngoại hối.

Hồ Quốc Tuấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   Vẫn áp dụng mức thuế suất nhà ở ngưỡng 600 triệu đồng (06/08/2009)

>   Bẫy vàng giảm giá (06/08/2009)

>   Thanh khoản và áp lực cân đối vốn (06/08/2009)

>   Tìm độ an toàn trong rủi ro (06/08/2009)

>   TT Bảo hiểm nhân thọ VN: Nhiều DN nước ngoài “nhòm ngó”  (06/08/2009)

>   Vàng đứng giá ở mức cao (06/08/2009)

>   Miễn thuế TNCN theo nguồn gốc: Còn nhiều băn khoăn (06/08/2009)

>   Ngân hàng ngoại thi nhau mở kênh bán lẻ (06/08/2009)

>   Ngân hàng Nhà nước tăng cường bán đôla (05/08/2009)

>   Nhu cầu vay vàng hạ nhiệt (05/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật