Thứ Sáu, 07/08/2009 06:18

Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn:

Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm

Qua loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, chúng tôi đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp (DN) trốn thuế bằng cách không xuất hóa đơn và tình trạng này đang diễn ra nhan nhản ở các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn TPHCM. Chiếu theo quy định, việc trốn thuế 50 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự, vậy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn đã trả lời PV Báo SGGP xung quanh vấn đề này.

Hãy báo cho chúng tôi khi không được giao hóa đơn

- PV: Tình hình bán hàng không xuất hóa đơn (HĐ) đã kéo dài trong nhiều năm qua, làm thất thu ngân sách nhà nước. Trách nhiệm của cơ quan thuế ở đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Tấn: Về việc thực hiện chế độ HĐ chứng từ, khi bán hàng xuất HĐ và tính thuế VAT cho khách hàng, chúng tôi đã thường xuyên tập huấn, phổ biến, hướng dẫn DN thực hiện đúng các quy định về thuế. Gần đây, trước tình trạng nhiều DN (nhất là các DN bán hàng tiêu dùng) không thực hiện đúng chế độ bán hàng với giá có thuế VAT, không giao HĐ chứng từ hợp lệ cho khách, chúng tôi đã gửi văn bản nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu DN thực hiện. Chúng tôi còn phát động đợt vận động nhân dân cùng phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát bằng cách, khi mua hàng phải lấy HĐ.

Cơ quan thuế cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện sổ sách kế toán và nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng do lực lượng quá mỏng nên chúng tôi chưa kiểm tra hết tất cả DN.

- Dư luận cho rằng, chính việc bán hàng không có HĐ, cộng với quyền “tự khai, tự nộp” đã tạo điều kiện cho DN trốn thuế, chiếm luôn khoản VAT mà người dân đã trả. Không những thế, tình trạng trên còn là nguyên nhân khiến các DN cạnh tranh không lành mạnh… Cơ quan thuế có giải pháp gì để xử lý tình trạng trên?

Chúng tôi cũng rất bức xúc về điều này nhưng lực lượng có hạn, không thể kiểm tra hết được. Bởi mỗi năm số DN thành lập mới ở địa bàn TP lên đến 15.000 DN/năm, trong khi lực lượng cán bộ thuế không tăng. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã tận dụng công cụ hỗ trợ là quản lý qua mạng, ứng dụng CNTT để phân loại DN, nhưng vì số lượng DN đông nên phải chọn đối tượng để quản lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra việc thực hiện chế độ HĐ chứng từ khi bán hàng tại các DN.

Nhân đây, chúng tôi muốn phát động đợt vận động nhân dân khi mua hàng yêu cầu đơn vị bán hàng phải xuất HĐ và chúng tôi cũng xin nói thêm để người dân hiểu rõ là theo quy định: giá thanh toán khi mua hàng hóa dịch vụ chịu thuế VAT là giá đã có thuế VAT (gồm tiền hàng và tiền thuế VAT), không phải nếu lấy hóa đơn thì cộng thêm thuế 10%, không lấy hóa đơn thì không có thuế VAT.

- Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi tuyên truyền, vận động, trong khi chế tài đã có, sao chúng ta không áp dụng để xử lý?

Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý các DN vi phạm bán hàng không xuất HĐ. Còn đối với người dân, chúng tôi phải tuyên truyền, thuyết phục vì chưa có quy định chế tài khi mua hàng không “lấy” HĐ. Đợt kiểm tra việc xuất HĐ khi bán hàng lần này sẽ triển khai rộng rãi, một mặt để không thất thu cho ngân sách nhà nước, mặt khác là nhằm bảo vệ người tiêu dùng, tránh hàng gian, hàng giả tràn lan trên thị trường. Chúng tôi cũng kêu gọi người dân hãy tự bảo vệ mình bằng cách phối hợp kiểm tra, giám sát DN, nơi nào bán hàng không xuất HĐ đi kèm, hãy điện thoại cung cấp thông tin để chúng tôi kịp thời xử lý.

Sẽ kiểm tra kỹ các báo cáo thuế

- Hiện có nhiều DN làm ăn “hoành tráng” nhưng đóng thuế VAT rất ít (thậm chí còn ít hơn các cửa hàng đóng thuế khoán), nhưng chưa bị xử lý?

Chưa hẳn DN lớn phải đóng thuế nhiều. Việc đóng thuế nhiều, ít chỉ so sánh trong phạm vi hộ khoán thuế. Nhưng nếu DN lớn bán hàng không xuất HĐ, giấu doanh thu dẫn đến đóng thuế ít hơn so với những cửa hàng đóng thuế khoán, hoặc khai báo âm (Nguyễn Kim âm đến 8 tỷ đồng, Phan Khang âm đến 20 tỷ đồng - PV) thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, DN nào báo cáo sai, sẽ xử lý nghiêm. Phải thấy rằng DN làm sai, trách nhiệm trước hết là của DN. Còn nếu cơ quan thuế không kiểm tra, không phát hiện kịp thời hoặc phát hiện mà không xử lý, mới là trách nhiệm của cơ quan thuế. Đảm bảo, khi phát hiện vi phạm là chúng tôi tiến hành xử lý ngay.

- Nhưng vi phạm vẫn còn nhiều, vì sao cơ quan thuế vẫn chưa phát hiện, xử lý kịp thời, làm thất thu ngân sách? Công tác hậu kiểm yếu này có phải do cán bộ thuế “có vấn đề”?

Hậu kiểm yếu là do lực lượng chưa đủ. Nếu phát hiện mà không xử lý là trách nhiệm của cơ quan thuế. Còn việc thất thu, thất thu ở đâu, thất thu bao nhiêu, chưa tính toán được mà quy hết trách nhiệm cho cán bộ thuế thì cũng khó… Bởi trong đó có nhiều bất cập về cơ chế, nhiều khó khăn về khách quan, chứ không chỉ nguyên nhân chủ quan từ cán bộ thuế. Người dân và DN phát hiện cán bộ thuế nào có dấu hiệu tiêu cực, báo cho chúng tôi, đảm bảo chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.

- Để chấn chỉnh những bất cập, xử lý triệt để các hành vi gian lận thuế, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, Cục Thuế TP có giải pháp gì không?

Chúng tôi hiểu, bất cứ cuộc kiểm tra nào cũng ảnh hưởng đến DN, bị kiểm tra nhiều, DN sẽ lo lắng. Nhưng để rà soát lại toàn bộ, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm đếm lại DN, xem DN nào đang hoạt động, DN nào bỏ trốn, giải thể. Bên cạnh đó, hệ thống lại nguồn dữ liệu thông tin hoạt động của DN.

Chúng tôi đang phát động toàn ngành kiểm tra lại tờ khai hàng tháng của DN, từ đó đánh giá lại mức độ hoạt động của DN. Đồng thời, rà soát lại các chi nhánh trên địa bàn. Hiện nay địa bàn TP có hàng ngàn chi nhánh của các công ty, đơn vị của các tỉnh, thành khác hoạt động kinh doanh, có trường hợp DN kê khai thuế VAT ở nơi này nhưng báo cáo Thuế Thu nhập DN ở nơi khác (công ty và chi nhánh) khiến cơ quan thuế rất khó kiểm soát, quản lý.

Trong nội bộ, chúng tôi sẽ thực hiện rà soát và phân cấp quản lý, nơi nào quản lý tốt, phân cấp nhiều. Qua đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền, kiểm tra gắt gao việc xuất HĐ khi bán hàng. Sắp tới chúng tôi cũng triển khai thí điểm kê khai nộp thuế qua mạng, giúp DN giảm thời gian kê khai, báo cáo thuế…

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, hưởng ứng của bạn đọc về loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, nhiều DN cũng đã gởi thắc mắc, thậm chí phản ứng, nêu những khó khăn trong việc xuất hóa đơn. Bà Trần Thị Lệ Nga, người phát ngôn của Cục Thuế TP, đã trả lời những băn khoăn này.

- Nhiều bạn đọc cho rằng, DN bán hàng không xuất hóa đơn chỉ là hành vi “lách thuế” chứ không phải là “trốn thuế” (vì có thể tuy không xuất hóa đơn nhưng sau đó họ vẫn khai đầy đủ), cơ quan thuế giải thích sao về ý kiến này?

Luật thuế quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân khi bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ phải lập hóa đơn theo quy định và giao cho khách hàng. Hóa đơn phải được lập ngay khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ”. Hóa đơn xuất khi bán hàng hóa, dịch vụ, là căn cứ xác định doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, xác định số thuế VAT nộp ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại điều 108 Luật Quản lý Thuế, hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Nếu gian lận hoặc trốn thuế trên 50 triệu đồng là phải chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu thấp hơn thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt gấp 1 - 3 lần số tiền thuế trốn.

- Nhiều nhà hàng thực hiện theo thuế khoán cho rằng, họ không có trách nhiệm xuất hóa đơn khi bán hàng, điều này có đúng không? Và khi khách có yêu cầu, họ có thể “xuất nhờ” hóa đơn từ công ty khác?

Người kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai, trong các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế theo quy định tại điều 37 Luật Quản lý thuế (khai thuế không chính xác, trung thực, đầy đủ về căn cứ tính thuế) thì cơ quan thuế ấn định số thuế phải nộp đối với DN. Dù bị ấn định thuế, nghĩa vụ của DN vẫn phải lập và giao hóa đơn cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định tại Điều 7 Luật Quản lý thuế.

Cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu sử dụng hóa đơn được cơ quan thuế cấp hóa đơn bán hàng thông thường để xuất giao cho người mua khi bán hàng hóa, dịch vụ. Hóa đơn hợp pháp có 4 loại sau: hóa đơn VAT (mẫu 01 VAT); hóa đơn bán hàng thông thường (mẫu 02 VAT); hóa đơn cho thuê tài chính (mẫu 02 VAT) và hóa đơn do cơ sở kinh doanh tự in theo văn bản chấp thuận của cơ quan thuế cấp tỉnh, thành trở lên, đã được đăng ký sử dụng theo quy định.

Hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trong trường hợp dưới đây được coi là không hợp pháp: mua - bán hóa đơn chưa ghi nội dung theo quy định (trừ trường hợp mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành); mua và sử dụng hóa đơn của cơ sở kinh doanh khác.

Nếu nơi nào bán hàng không xuất hóa đơn, hãy cung cấp thông tin cho Cục Thuế TPHCM theo số: 39303599

Và số các chi cục thuế: 38435482 (Q1); 37423485 (Q2); 39315866 (Q3); 38254565 (Q4); 39235611-239 (Q5); 39697970 (Q6); 38722117 (Q7); 39812686 (Q8); 32140375 (Q9); 38662179 (Q10); 39630826 (Q11); 38917477 (Q12); 38102091 (Tân Bình); 38127717 (Tân Phú); 38030003 (Bình Tân); 38442182 (Phú Nhuận); 39894435 (Gò Vấp); 37225300 (Thủ Đức); 37524924 (Bình Chánh).

Hàn Ni

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Giá USD tiếp tục giảm (06/08/2009)

>   Tỷ giá - Bài toán không riêng của ngân hàng (06/08/2009)

>   Đồng đô la Mỹ vẫn được chuộng, vì sao? (06/08/2009)

>   Vẫn áp dụng mức thuế suất nhà ở ngưỡng 600 triệu đồng (06/08/2009)

>   Bẫy vàng giảm giá (06/08/2009)

>   Thanh khoản và áp lực cân đối vốn (06/08/2009)

>   Tìm độ an toàn trong rủi ro (06/08/2009)

>   TT Bảo hiểm nhân thọ VN: Nhiều DN nước ngoài “nhòm ngó”  (06/08/2009)

>   Vàng đứng giá ở mức cao (06/08/2009)

>   Miễn thuế TNCN theo nguồn gốc: Còn nhiều băn khoăn (06/08/2009)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật