Lắng dịu cung cầu ngoại tệ
Dù bớt căng thẳng và trở nên lắng dịu trong một vài ngày gần đây, thị trường ngoại tệ như một số chuyên gia nhận định, vẫn khó có thể đưa ra một kịch bản dự báo chuẩn xác cho các tháng cuối năm.
Giảm nhiệt
Sau một loạt các biện pháp can thiệp của NHNN cũng như hoạt động thanh kiểm tra hoạt động ngoại hối tại nhiều địa phương, giá USD niêm yết tại các NHTM cũng như trên thị trường tự do những ngày gần đây đang có nhiều dấu hiệu đi xuống rõ rệt.
Chứng kiến ngày điều chỉnh giảm tiếp theo, hôm qua (6.8), tỉ giá ngoại tệ bình quân liên NH tiếp tục được NHNN giảm thêm 2 đồng so với ngày trước đó, xuống còn 16.965VND/USD - tương đương mức giảm 0,02% so với tỉ giá ngày đầu tiên của tháng 8.
Ngay sau điều chỉnh này, các NHTM cũng nhanh chóng sửa lại bảng tỉ giá niêm yết trong ngày và tại Vietcombank, giá USD cho cả ba giao dịch được công bố ở mức 1USD ăn 17.813VND, giảm 2 đồng/USD so với ngày 5.8 và giảm 1 đồng/USD so với ngày 4.8.
Dù không phải thông tin chính thức song các tìm hiểu trên thị trường ngoại tệ tự do cho thấy, giá USD mua vào bán ra liên tục biến động trong ngày 6.8 song xu hướng giảm được xác định ngày càng sâu hơn.
Lần đầu tiên trong suốt nhiều ngày qua, ngưỡng 18.400VND/USD bị phá bỏ ngày thứ hai liên tiếp và cho đến gần cuối giờ chiều ngày 6.8, tỉ giá mua vào bán ra trên thị trường tự do HN phổ biến về mức 18.280-18.310VND/USD. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận, so với mức 18.350-18.380VND/USD trong buổi sáng ngày 5.8 và so với mức 18.360-18.391VND/USD trong ngày 4.8.
Cùng với các động thái bình ổn thị trường ngoại tệ của NHNN cũng như các đợt thanh kiểm tra hoạt động ngoại hối tại nhiều địa phương, xu hướng mất giá chung của đồng USD trên thị trường thế giới so với đồng euro những ngày qua cho thấy, xu hướng giảm giá đồng USD có thể còn chưa dừng lại.
Những dự báo
Động thái tiếp tục bán ngoại tệ cho các NHTM có trạng thái ngoại hối âm của NHNN từ cuối tháng 7 phần nào làm giảm nhiệt tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại tệ song những dấu hiệu gia tăng nhập siêu trong tháng 7 vừa qua có thể sẽ lại tạo áp lực lên tỉ giá.
Điều đáng nói là kim ngạch nhập khẩu tháng sau luôn tăng mạnh hơn so với tháng trước và chỉ riêng trong tháng 7.2009, cả nước nhập khẩu tới 6 tỉ USD, cao hơn gần 1 tỉ USD so với tháng 6 và đưa mức nhập siêu trong tháng 7.2009 lên đến 1,2 tỉ USD. Dẫu vậy, một nghiên cứu của NHNN cho thấy, khả năng nhập siêu tăng mạnh trở lại trong những tháng tới có thể ảnh hưởng đến cung - cầu USD cuối năm không quá lo ngại.
Dự báo này được đưa ra trên cơ sở thâm hụt thương mại cả năm sẽ được khống chế ở mức 10 tỉ USD trong khi vốn FDI giải ngân 7 tháng đầu năm đạt 4,6 tỉ USD, vốn gián tiếp nước ngoài vào VN dự kiến cân bằng và nguồn kiều hối dự kiến đạt 5,8-6 tỉ USD trong lúc dự trữ ngoại tệ vẫn trên 20 tỉ USD. Các chỉ số này cho thấy cán cân thanh toán vẫn sẽ ở mức thặng dư và khó có thể tạo áp lực lên tỉ giá.
Các dự báo có thể còn rất khác nhau song, như một số chuyên gia, giải quyết tình trạng căng thẳng ngoại tệ trước mắt cần tính đến việc siết lại việc cung ứng ngoại tệ nhập các mặt hàng xa xỉ. Một bảng liệt kê cho thấy, ôtô vẫn là một trong những mặt hàng được nhập khẩu chủ yếu trong các tháng qua, bên cạnh các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất như máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng vẫn cần những cuộc điều tra và yêu cầu NHTM báo cáo tình trạng ngoại tệ, trên cơ sở đó đưa ra chính sách điều hành tỉ giá hợp lý. Yếu tố tâm lý dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ trong dân hay doanh nghiệp cũng là một bài toán khác cần được giải đáp.
Văn Nguyễn
Lao Động
|